Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục - diễn ra tại Đà Nẵng - các đại biểu đã bàn thảo sôi nổi về vấn đề học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm (HSSVSP).
Miễn học phí để thu hút nhân tài
Theo khoản 3 điều 89 Luật Giáo dục có quy định: “HSSVSP, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí”. Song, nhiều ý kiến góp ý trong dự án Luật GD lại đề xuất thay chính sách “miễn học phí” bằng chính sách “hưởng tín dụng ưu đãi”.
Không hoàn toàn tán đồng với quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Toàn - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, nên tiếp tục chính sách miễn học phí cho ngành sư phạm. Thay miễn giảm bằng việc vay vốn sẽ tạo nên một áp lực, khiến HSSV có học lực khá, giỏi không toàn tâm toàn ý đeo đuổi ngành học này. Ông Toàn dẫn chứng, trong những năm qua, nhờ chính sách miễn học phí cho HSSVSP, lĩnh vực giáo dục đã thu hút được lực lượng nhân tài lớn, vì vậy uy tín của hệ thống giáo dục cũng đã được nâng lên nhiều, xây dựng được đội ngũ giáo viên giỏi trong hệ thống giáo dục. Vì vậy, tại sao không tiếp tục áp dụng chính sách này?
Nhiều đại biểu cũng tán đồng quan điểm với ông Toàn, cho rằng: việc miễn học phí cho HSSVSP nhằm thu hút học sinh giỏi vào trường sư phạm, góp phần tạo nên đội ngũ nhà giáo có chất lượng; đồng thời, đây là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với ngành giáo dục. Chỉ cần bổ sung thêm chế tài ràng buộc trách nhiệm đối với HSSVSP sau khi tốt nghiệp.
Phải dựa vào quy hoạch
Không cùng quan điểm với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Toàn và nhiều đại biểu khác, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp thẳng thắn nhận định, từ chính sách miễn giảm học phí cho ngành sư phạm, nên hiện các trường sư phạm ồ ạt tuyển sinh viên theo chỉ tiêu, đào tạo cũng không bảo đảm được chất lượng, không thực sự dựa vào nhu cầu của ngành giáo dục. Nói nhờ chính sách miễn giảm học phí, đã tuyển được một đội ngũ nhân tài cho ngành giáo dục là chưa chính xác, bởi chất lượng đào tạo cho đội ngũ này thực chất chưa bảo đảm. Những sinh viên đào tạo sư phạm ra trường công tác trong ngành giáo dục chưa phải là đội ngũ tốt nhất, bởi nhiều em tốt nghiệp khá, giỏi đã không công tác theo ngành sư phạm.
Cái chính vẫn là sự quy hoạch trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên, đào tạo phải đúng lĩnh vực ngành giáo dục đang cần, không phải đào tạo theo chỉ tiêu để rồi gây lãng phí của Nhà nước. Đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo thay đổi chính sách đóng học phí đối với ngành sư phạm, thực tế chỉ thay đổi về cơ chế, phương thức thực hiện chính sách này nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện Luật hiện hành. Dự thảo cũng sẽ nêu rõ thời gian tối thiểu mà HSSVSP sau khi ra trường đảm nhận công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở nêu trên để được miễn hoàn trả khoản tín dụng đã vay.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng góp ý kiến: Trong đào tạo nhân lực ngành sư phạm, cần có sự quy hoạch rõ ràng, chính sách đầu ra mới thật sự quan trọng, để người học sư phạm sau khi ra trường có một công việc tốt, mức lương cao, chính sách làm việc đãi ngộ, nhất định sẽ thu hút được nhân tài. Hiện nay, với chính sách miễn giảm học phí, thực chất chỉ mới thu hút được lực lượng sinh viên nghèo, do không có tiền đóng học phí nên mới chọn ngành sư phạm để học. Phải làm thế nào để thay đổi quan niệm đó trong xã hội hiện nay, thì mới thực sự nâng cao chất lượng trong lĩnh vực giáo dục.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến, tìm ra một giải pháp hiệu quả nhất để trình lên Chính phủ. Song, có thể khẳng định, sẽ có những chiến lược dài hơi, giải quyết triệt để tình trạng thiếu giáo viên ở giáo dục phổ thông như hiện nay.
Phó Thủ tướng cho biết, sẽ có lộ trình cụ thể, trong đó yêu cầu các Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố trên cả nước phải xem xét lực lượng giáo viên thiếu hụt như thế nào, từ đó đặt hàng với các trường sư phạm, để sinh viên ra trường không phải bị hụt hẫng vì không tìm được việc cho mình, gây lãng phí. Các trường Sư phạm cũng phải có sự khảo sát trong phạm vi rộng, để biết được nhu cầu, đào tạo theo đúng nhu cầu của ngành, không đào tạo tràn lan.
Chính sách học phí của HSSVSP vẫn sẽ được nghiên cứu theo hướng có lợi nhất, tạo mọi điều kiện và cơ hội cho HSSV, nhưng bên cạnh đó, cũng sẽ có phương án nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ này, bởi hơn ai hết, chính họ là lực lượng kế thừa, và xây dựng nền giáo dục Việt Nam trong tương lai.
VIẾT THANH