.

Học trò vùng ven

.

Khi kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, con đường đến trường của phần lớn học trò ở địa bàn các xã vùng ven không thật sự rộng mở. Bỏ học hay tiếp tục đến trường? Đây là trăn trở của không ít các em đang ở tuổi ăn học. Bước qua nhiều trở ngại, các em vẫn đều đặn đến trường, mang lại cho người lớn niềm tin về sức trẻ.

Vừa dạy... vừa dỗ

Quang cảnh lễ khai giảng năm học mới của thầy và trò Trường THPT Phạm Phú Thứ, Hòa Vang.

Ở các trường THPT vùng ven như Ông Ích Khiêm, Phạm Phú Thứ, Ngũ Hành Sơn…, điểm tuyển sinh vào lớp 10 nằm trong top thấp nhất thành phố, trên dưới 30 điểm (kể cả điểm cộng vùng, miền). Điều này làm cho không ít người hoài nghi về chất lượng đào tạo của nhà trường. Đầu vào thấp, sự phân hóa giữa học sinh yếu-kém và khá-giỏi càng lớn, khiến cho việc dạy và học của thầy trò nhà trường gặp khá nhiều khó khăn.

Đó là chưa kể đến vấn đề không ổn định về tâm lý của nhiều học trò khi ngày ngày chứng kiến cảnh ba mẹ vất vả kiếm tiền lo cho mình ăn học. Để khắc phục điều này, nhiều trường ở địa bàn ven thành phố đã có những hướng đi tích cực, nhằm thúc đẩy phong trào dạy và học của địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm, Hòa Phong, Hòa Vang, ngay từ đầu năm lớp 10, nhà trường đã có kế hoạch sàng lọc học sinh để tránh sự níu chân giữa học sinh khá, giỏi và trung bình, yếu. Qua đó, nâng cao chất lượng đại trà, phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi.
 
Trải qua nhiều cố gắng, chất lượng đào tạo của nhà trường đã có những bước tiến đáng kể, thu hút được nhiều học sinh đăng ký nhập học. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm học 2008-2009 là 83%. Danh sách đỗ ĐH, CĐ (NV1) đến thời điểm này khoảng gần 200 em. Tuy thấp hơn mặt bằng chung của thành phố nhưng đã tạo được sự khởi sắc trong phong trào học tập và phấn đấu của thầy và trò nhà trường.

Nằm trong danh sách những trường vùng ven, Trường THPT Ngũ Hành Sơn cũng góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo. Sau 10 năm thành lập, bình quân tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường là 85%. Đặc biệt trong năm học 2008-2009, tỷ lệ này lên tới 93,4%. Trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố năm học 2008-2009, thầy và trò Trường Ngũ Hành Sơn mang về cho trường 60 giải, trong đó bộ môn sử, địa có thành tích rất cao…

Với địa bàn vùng ven, phần lớn học sinh nhà trường là con em nông dân, điều kiện kinh tế, giao thông khó khăn là trở ngại lớn nhất trên con đường tới trường của nhiều học sinh. Về vấn đề này, ông Trần Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn cho biết, không ít học sinh của trường phải đối mặt với nguy cơ phải bỏ học giữa chừng vì tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và kết quả học tập của các em. Vừa dạy vừa dỗ, dạy những điều cần thiết, nói những điều cần thiết luôn là phương châm của thầy cô giáo nhà trường để kịp thời động viên, chia sẻ nếu học sinh có biểu hiện chán nản, muốn bỏ học.

Tiếp thêm sức mạnh

Ông Trần Đạt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn: Nghiêm túc, lấy kỷ luật học đường và đạo đức, tay nghề của đội ngũ giáo viên làm chuẩn mực là những gì mà thầy và trò Trường THPT Ngũ Hành Sơn thực hiện trong những năm học qua.

Hiện nay nhà trường có trên 30 thạc sĩ, 10 giáo viên khác đang theo học chương trình đào tạo sau Đại học… Chất lượng đào tạo của nhà trường từng bước được cải thiện.

Trong gần 100 thí sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn đỗ ĐH, CĐ (NV1) trong kỳ tuyển sinh ĐH 2009 đến thời điểm này, chúng tôi có dịp tiếp xúc với em Vũ Thị Nhung, học sinh lớp 12/11, đỗ vào khoa Du lịch, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Lẫn trong niềm vui lớn của tân sinh viên này còn là sự trăn trở nên tiếp tục theo học hay bảo lưu kết quả này cho năm sau? Nhung tâm sự, ngay từ những năm học cấp 3, Nhung đã xin phụ việc ở một quán café để phần nào trang trải tiền ăn học.

Là chị cả trong một gia đình có 3 chị em gái, ba mẹ đều là công nhân bốc vác nên thu nhập không ổn định, Nhung có rất nhiều lo toan cho chặng đường phía trước. Phấn đấu để thay đổi cuộc sống là suy nghĩ chung của Nhung và rất nhiều bạn trẻ vùng ven, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đi học xa trường, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, động lực để các em phấn đấu trong học tập không ngoài nỗ lực tự thân, sự động viên của gia đình và nhà trường.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Huyên, đối với những em không thể tiếp tục đến trường do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà trường sẽ có sự trợ giúp cụ thể bằng vật chất và tinh thần. Để làm được điều này, công tác chủ nhiệm của thầy cô giáo luôn được chú trọng, đòi hỏi họ phải nắm rõ hoàn cảnh gia đình của từng học sinh để có hướng xử lý kịp thời nếu xảy ra tình huống bỏ học. Điều này đã tạo được một thể thống nhất trong mối quan hệ thầy-trò, tiếp thêm sức mạnh để nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn xem lớp học là nơi tìm kiếm nguồn vui, sự chia sẻ.

Bước vào năm học mới, vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục tạo ra sự đồng đều về chất lượng giữa các vùng miền không phải là việc làm riêng rẽ của từng trường. Vấn đề này cần sự quyết tâm của lãnh đạo ngành cũng như sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục ở từng địa phương. Công tác khuyến học, khuyến tài của huyện Hòa Vang là một ví dụ.

Sáng ngày 21.8, UBND huyện Hòa Vang lần đầu tiên tổ chức gặp mặt và tặng quà cho 211 học sinh thi đỗ ĐH (nguyện vọng 1) năm học 2009-2010, mỗi suất quà trị giá 200 ngàn đồng. Hội Phụ nữ xã Hòa Phong cũng tổ chức gặp mặt và trao quà cho 26 nữ sinh đỗ vào ĐH, CĐ; 34 em là con hộ đặc biệt nghèo, nghèo và 15 em là con em cán bộ Hội khó khăn có kết quả học tập đạt khá, giỏi. 112 chi hội khuyến học khu dân cư và tộc họ trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng các học sinh thi đỗ ĐH, CĐ.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện luôn đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của các gia đình và học sinh huyện nhà. Mọi nỗ lực của chính quyền và địa phương đều nhằm mục đích động viên các tân sinh viên cố gắng phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của địa phương, ra sức rèn đức, luyện tài vì ngày mai lập nghiệp, đem sức trẻ và tri thức về đóng góp cho địa phương.

 

Tiểu Yến

 

;
.
.
.
.
.