Tôi có người bạn, cùng quê Quảng Nam, biết nhau từ hồi còn học ở Huế. Bạn tôi, học bốn năm báo chí, ra trường không vào cơ quan nào mà ngày ngày xách máy ảnh và mang laptop đi khắp nơi, bảo đi làm báo tự do. Tôi không phải người trong nghề nên chẳng thể biết làm báo tự do như bạn thì có gì lợi, có gì yếu thế. Nhưng nghe bạn bảo bạn hạnh phúc với lựa chọn của mình, tôi yên tâm.
Ảnh tư liệu. |
Giờ xa nhau rồi, thỉnh thoảng lại chat chit, gọi điện hỏi han nhau vài câu. Mỗi khi chat với nhau, bạn thường hay đề xuất tôi viết cái này cái nọ. Gần đây nhất, bạn bảo tôi viết cái gì đó về những người trẻ ở nông thôn đi. Bạn ơi, bạn có biết đã đánh ngay vào điểm yếu của tôi? Viết về nông thôn, về cái nơi nuôi mình lớn lên, cái nơi đi đâu cũng nhớ mà không thể quay về ở luôn ấy là cả niềm ao ước của tôi. Tôi muốn lắm, thèm viết về nông thôn lắm, nhưng mà chịu thôi, không hiểu để mà viết. Tôi không hiểu về nông thôn. Về người trẻ ở nông thôn, tôi lại càng mù tịt. Dù cho, tôi đã có hơn mười bảy năm rặt là “dân nhà quê” (theo cách gọi của người thành phố).
Tôi được cái “nhà quê” ấy nuôi lớn, bằng tất cả nhọc nhằn của ba mẹ đổ xuống mảnh đất cằn sau nhà, xuống thửa ruộng bé xíu oằn lưng nuôi mấy anh em tôi ăn học. Có phải chăng cũng chính vì điều ấy, lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ đến việc phải ra đi, phải thoát khỏi nơi này, bằng mọi giá. Tôi ở nông thôn, nhưng đầu óc chỉ có nghĩ về thành phố. Thành phố, đó mới là nơi chốn thực sự của tôi. Tôi sẽ có công việc tốt ở đó, có nhà cửa ở đó, có những mối quan hệ gan ruột ở đó. Từ nhỏ, suy nghĩ ấy đã như ngọn lửa thiêu đốt tôi. Hãy cố lên, học cho thật giỏi, nỗ lực hết mình cho một ước mơ rời bỏ. Tôi “sinh ra đã là đứa trẻ quê có nụ cười phố thị” (thơ NTTT).
Và tôi, đã thực hiện được mơ ước của mình, một phần. Tôi có công việc và nhà cửa ở thành phố rồi. Tôi bộn bề với cuộc “làm người thành phố”, bộn bề với những mối quan hệ với “người thành phố” của mình. Để trời ơi, lúc lòng cô đơn nhất, mới nhận ra cái “nhà quê” kia kìa, mới là nơi cho tôi cảm giác bình yên sâu thẳm, là nơi cho tôi ngả lòng nương tựa khi bị cái cuống quýt thị thành làm cho đớn đau. Nhưng tôi ơi, khi nhận ra đã là lúc không thể quay về được nữa. Mình đã “bén rễ xanh cây” nơi đây mất rồi.
Nên, tôi giờ mới nhận ra cái tội của mình, cái tội khi được ôm ấp giữa vòng tay quê nhà lại hờ hững, cứ lơ đễnh chẳng chịu yêu cho hết. Lại còn vùng vẫy chỉ muốn thoát cho nhanh. Con gái nông thôn mà chẳng biết người ta đặt trúm lươn như thế nào, người ta soi ếch ra làm sao, người ta lồng cá, đặt bẫy nhím, bắt chim cụ thể bằng cách nào. Cái gì, tôi cũng chỉ biết sơ sơ, có nghe qua chứ chưa món nào tận mắt thấy, đừng nói gì đến tự tay làm. Vì lúc người ta đi soi ếch, đi đặt trúm lươn, tôi đang bận… học. Học để tìm đường mà… quay lưng.
Để giờ đây, muốn viết gì đó về nơi lẽ ra tôi phải rành rọt hơn ai hết, như một sự chuộc lỗi với quê hương, tôi cũng chẳng biết bắt đầu ra làm sao. Chỉ có thể ghi lại những kỷ niệm nghèo nàn của mình bằng đôi câu thơ hay vài dòng tản văn, coi như mót mấy cọng lúa quê nhà rơi vãi, khi mùa đã qua. Ừ, khi tôi đã để trôi qua những mùa quê mà không hề thấy luyến tiếc…
Còn bạn, bạn đã nói với tôi rất tâm huyết. Rằng bạn đau đáu về đề tài này lắm, nhưng biết mình chưa chín, nên không dám viết. Bạn làm báo, còn đi nhiều, hiểu nhiều, rồi bạn sẽ chín với nỗi đau đáu của mình. Tôi chờ những bài viết sâu sắc về những người trẻ nông thôn của bạn.
Chờ như một độc giả, và còn như một người không thể làm được điều mình mong ước lặng im nhìn người khác làm, với tất cả lòng ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ, bởi lẽ, bạn đã yêu cái làng quê của mình, yêu thật nồng nàn, yêu thật lắng sâu.
Tôi đã từng không có một tình yêu như thế, khi chỉ biết yêu mình…
NGÔ THỊ THỤC TRANG