.

Lời giải từ Barcelona

.

Thống trị châu Âu mùa bóng trước và tiếp tục gieo rắc kinh hoàng trên khắp lục địa ở mùa giải mới, phải chăng, Barcelona đã ở một đẳng cấp khác với mọi đối thủ? Không bỗng dưng để đặt câu hỏi này một khi “Hùm xám” Bayern, “The Blues” hay “The Red Devils” đều gục ngã trên con đường chinh phục vinh quang của đội quân xứ Catalan.

Barcelona vẫn chưa có đối thủ xứng tầm...

Chưa có dấu hiệu dừng lại hay nói cách khác, khát khao chiến thắng vẫn chưa hề nguôi lạnh với Barca khi gần đây nhất, Azulgrana tiếp tục đè bẹp Atletico Madrid để từ đó, một thông điệp đã được gửi đến toàn châu Âu bất chấp những thách thức mang tên Real, M.U, Chelsea, Inter hay Bayern Munich…

Trước đó không lâu, chính Barca từng khiến một Inter oai hùng của Calcio phải co cụm ngay trên sân Meazza để hài lòng với một trận hòa không bàn thắng, khiến niềm tin vào giấc mộng Champions League của Nerazzurri bị lung lay dữ dội. Trở về Tây Ban Nha, thầy trò Guardiola lại khiến cuộc khủng hoảng của Los Colchoneros thêm phần trầm trọng. Chắc chắn có rất nhiều trong số 76.000 cule trên các khán đài đã có thể… rời sân khi trận đấu mới qua phút 40, bảng điện tử của Nou Camp đã hiển thị con số 4-0 đầy kinh hoàng.

Sau 3 trận đấu toàn thắng, ghi 10 bàn và để thủng lưới 2, Barca đang vững vàng trên ngôi đầu Liga. Bên cạnh đó, còn có 3 trận thắng và 1 trận hòa trong 4 trận tranh Siêu Cúp Tây Ban Nha, Siêu Cúp châu Âu và vòng đấu bảng Champions League với hiệu số 6-1. Những con số đủ để phản ánh chính xác sức mạnh kinh hoàng của Barca với lối chơi tấn công ào ạt song cũng rất chặt chẽ trong phòng ngự.

Sự khác biệt trong thành công ở mùa bóng vừa qua còn khiến người ta tin rằng, mô hình của Barcelona qua việc sử dụng những cầu thủ được đào tạo từ lò La Masia là một trong những yếu tố đưa Azulgrana đến thắng lợi.

Barcelona kết thúc trận chung kết Champions League với M.U tại Rome hồi cuối tháng 5 với 7 cầu thủ do họ tự đào tạo. Trận đấu với Sporting Gijon ở vòng đầu tiên của Primera Liga mùa 2009-2010, Guardiola lại tiếp tục bố trí một đội hình xuất phát với 7 cầu thủ từ lò La Masia. Sang hiệp 2, thêm 2 cầu thủ “cây nhà, lá vườn” Jeffren Suarez và Fontas vào sân thay người. Hình ảnh oai hùng của Ajax Amsterdam của thập niên trước được tái hiện với một quy mô lớn hơn.

Sau khi áp dụng luật Bosman, mô hình xây dựng CLB theo hướng thương mại hóa ngày càng trở nên phổ biến. Trong bức tranh nhiều mảng màu tối, Barca nổi lên như một mô hình đáng để học hỏi khi họ tận dụng được những nguồn lực hiện có và hướng đến sự phát triển bền vững. HLV đội một lẫn các tuyến trẻ của Barca đều là những cựu cầu thủ và họ đã phối hợp với nhau rất nhịp nhàng để đào luyện nên những ngôi sao mới.

Trận gặp Sporting, Barca xuất quân với đội hình gồm 7 cầu thủ tự đào tạo và con số ấy lẽ ra còn cao hơn nếu Lionel Messi không phải tập trung cùng đội tuyển Argentina và Andres Iniesta không dưỡng thương. Bên cạnh đó, Chủ tịch Joan Laporta lẫn Guardiola không ít lần công khai ý định sẽ lấy về lại một viên ngọc khác của La Masia là Cesc Fabregas. Như thế, trong tương lai không xa, đội hình xuất phát của Barca sẽ tràn ngập những cầu thủ tự đào tạo.

Với phương pháp mang tính phát triển bền vững, những tài năng trẻ như Suarez (phải) đã góp phần tạo nên một sắc thái đặc trưng cho Barcelona.

 

Để thành công ngay lập tức trên đấu trường châu Âu, không ít CLB hàng đầu phải tung tiền chiêu mộ những ngôi sao. Song, điều đó vô tình phá vỡ tính ổn định của đội bóng cũng như triệt tiêu hướng phát triển của các cầu thủ trẻ. Ở Arsenal, HLV Arsene Wenger nổi tiếng trọng dụng cầu thủ trẻ, nhưng lứa trẻ của ông không đến từ lò đào tạo của Arsenal mà rải rác khắp nơi trên thế giới. Mười năm qua, Sir Alex Ferguson chỉ giới thiệu được đúng một gương mặt trẻ coi được là Fletcher. Ở Italia, sau khi Paolo Maldini giải nghệ, Milan không còn một gương mặt tự đào tạo nào trong đội hình chính, Inter lại càng không...

Mới đây, khi trả lời tờ La Gazzetta del Sport, Chủ tịch UEFA Michel Platini thừa nhận bị mê hoặc bởi khả năng kiểm soát thế trận của CLB xứ Catalan: “Ở Barca, quả bóng di chuyển chứ không phải cầu thủ”. Qua đó, ngụ ý ca ngợi khả năng điều khiển quả bóng của các học trò HLV Pep Guardiola. Cũng theo Platini, với trình độ kỹ thuật siêu đẳng, khả năng phối hợp nhuần nhuyễn là những yếu tố giúp Barca luôn kiểm soát được thế trận trước mọi đối thủ.

Với nhận định của Platini và lối chơi đi ngược với xu hướng phòng thủ, chủ nghĩa duy mỹ trong lối chơi truyền thống của Barca vẫn tiếp tục được phát huy. Tất nhiên, lối chơi thiên về kỹ thuật bao giờ cũng dễ đi vào lòng người, nhất là khi sự thực dụng đã trở nên phổ biến qua từng ngày...

BẢO AN

;
.
.
.
.
.