.

Muộn

"Nhà có việc, con về gấp", nhận được tin nhắn ngắn ngủi ấy, cảm giác đầu tiên của nó là trách ba. Có việc gì mà ba lại có vẻ muốn nó về gấp trong lúc đang chuẩn bị thi hết học phần vậy nè. Hay là, mẹ nhớ nó quá rồi bảo ba nhắn thế, nó "bị" mấy lần như thế này. Về và biết mình... bị lừa.

Nó nằm, vắt tay lên trán, sáng mai là kiểm tra hết học phần, chiều tối là sinh nhật nhỏ bạn nó đang "cưa". Bài hát tập cả tuần nay để biểu diễn trước người đẹp không thể hủy được. Nhà có chuyện gì thì mình góp mặt cũng cho đủ con số chứ có quyết định được gì, cũng chả góp được một đồng teng nào.

Thi xong. Sinh nhật xong. Nó về. Về đến sân, con chó cưng thấy nó cũng không buồn sủa, vẫy đuôi chiếu lệ rồi lủi thủi chui vào góc nhà, khoanh lại buồn thiu. Cô Năm từ nhà bên chạy sang "Sao giờ mới về hả con. Ba má con qua nhà ngoại hết rồi. Ai cũng mong con đỏ mắt..."

Nó chưa kịp hiểu gì nhưng cũng quay đầu chạy một hơi về nhà ngoại. Má thấy nó từ xa, òa khóc "Thằng Tuyên đã về rồi, bà ơi". Như chợt hiểu, mặt nó đanh lại, nước mắt từ đâu ứa ra, mặn đắng. Má ôm nó vào lòng, xiết chặt trong vòng tay yếu ớt. Ba ngồi đó, bên cạnh nhỏ Hương em nó. Má nói trong nước mắt: "Trước khi mất, bà muốn gặp mặt con, nhưng bà lại cấm ba má báo cho con hay, sợ con bị sốc".

Trái tim của thằng con trai 19 tuổi là nó nhói buốt trong lồng ngực.

Ngày nó vào đại học, lưng ngoại đã còng lắm rồi. Còng đến mức bà không thể ngồi chằm nón như trước nữa, dù ngoại vẫn thường lầm bầm một mình-tiền bạc gì đâu, không chằm thì biết làm gì cho hết ngày...

Ngày nó đi, ngoại sang nhà thức một đêm để sáng mai kịp tiễn cháu. Bà sướng cái bụng lắm vì chẳng gì thì nó cũng là ông cử đầu tiên của bà. Nó gắt "Học đại học bây giờ có là gì đâu mà ngoại cứ ca mãi hè. Người ta đậu tùm lum kìa, ngoại nói làm con quê". Ngoại nó cứ ngồi cười móm mém. Trước lúc lên xe ra thành phố, ngoại còn dúi dúi vào nó 2 tờ 10.000 đồng. Nó nhăn mặt: "Con không lấy đâu, ngoại để lại mà ăn quà". Thấy nó lắc đầu, ngoại năn nỉ: "Thôi, cầm một tờ cũng được, lên xe mà uống nước, để ngoại vui". Nó miễn cưỡng cầm tờ tiền nhét vội vào túi, rồi đi.

Ngoại ở một mình, ba má nhiều lần năn nỉ ngoại về ở chung để tiện chăm sóc. Mỗi lần như thế, ngoại lại thoái thác: "Tao già rồi, sống thế này tiện hơn". Nó nhìn ngoại, thầm trách: "Ngoại cứ sống như ngoại muốn đi, rồi ngoại sẽ khổ dài dài". Giá như ngày đó nó biết, ngoại từ chối cũng chỉ vì không muốn làm phiền đến con cháu.

Nhớ lần ngoại cầm tấm hình, khoe: "Ngoại mới làm, lỡ sau này có chết còn có cái mà đặt lên bàn thờ". Nó nhíu mày: "Ngoại cứ nói nhảm". Câu nói ấy chỉ cách đây mấy tháng thôi. Ngoại ơi...

Sau những phiền muộn, bây giờ thì nó đã hiểu, những người trẻ tuổi như nó có nhiều thứ để nhân danh, để biện minh... cho sự vô tình của mình. Chúng ta hay nói cuộc sống này là của chúng ta, rằng ta phải được quyền sống và chịu trách nhiệm như ta mong muốn. Hàng núi lý lẽ và nếu muốn, ta sẽ có hàng núi nữa. Nhưng có một điều tuy bé nhỏ, tuy mong manh và có vẻ ít thuyết phục ấy là, cuộc sống này là của ta, chỉ thật sự là của ta khi trong đó có chỗ đứng của những người mình yêu thương và phải yêu thương. Điều này chỉ ý niệm được khi chúng không còn nữa. Hối tiếc thì đã muộn màng.

Lên xe quay lại thành phố, nó ước gì bây giờ có ngoại dúi vào túi nó tờ 10.000 đồng, cầm cây bảo nó đi chọc ổi làm quà quê cho bạn.

Dòng nước mắt chợt tuôn ra mặn đắng...

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.