- Tôi không thấy nó giống tôi chút nào, anh ta đã nói thế khi nhìn mặt đứa con gái bốn tháng tuổi đang nằm ngủ trong chiếc nôi tre. Có chắc nó là con tôi không?
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Anh ta đi thật. Cô bưng mặt khóc. Lần đầu tiên cô khóc thật. Nhưng không ai khóc theo cô như lúc cô diễn trên sân khấu. Cô đã lấy rất nhiều nước mắt của người xem, với những vai diễn về những cô gái nhỏ ngây thơ. Họ đã khóc theo cô trong hầu hết các vai cô đã đóng. Không ai trong số các diễn viên khác giỏi hơn cô trong việc đó. Và từ trước khi ấy, cô vẫn tin rằng, khi mình khóc, thì sẽ có nhiều người khóc cùng mình.
Ánh nhìn đầu tiên của cô về cuộc đời là như vậy. Cô thấy rằng mọi người ai cũng có một khuôn mặt dễ xúc động, hiểu thấu những nỗi đau khổ của người khác. Những khuôn mặt của cuộc đời vì vậy mà cũng dễ hiểu. Khi đứng trước một ai đó, cô thấy khuôn mặt họ đều có thể hiểu được, bằng vào lời nói và hành động của họ. Bởi cô là diễn viên, từ lúc hẵng còn là một bé gái năm tuổi, nên ánh mắt đau khổ của ai đó, hành động dằn vặt của ai đó, cô đều tin ấy là biểu hiện của một nội tâm bi ai như những vai diễn của cô.
Cho đến khi Lộc từ bỏ cô và đứa bé gái đận ấy. Cô đã gặp anh ta sau một buổi chiếu thử bộ phim vừa đóng máy mà cô thủ vai chính. Lộc cũng là một diễn viên có tên tuổi, dù không phải thuộc loại siêu sao. Anh ta có cái cười khoe những chiếc răng trắng muốt, và thấp thoáng nét buồn lãng đãng trong đôi mắt nâu tài tử. Cô như đổ sập sau câu nói của anh vào cuối buổi chiếu, lúc mọi người đang quây quần bên bàn café: “Em làm anh tin rằng, ai cũng thật sự có thể khóc với em”.
Kết quả của cuộc tình này là đứa bé gái cô sinh được sau sinh nhật mười chín tuổi của mình ba tháng hai mươi sáu ngày. Và lần đầu tiên, cô không thể hiểu nổi một khuôn mặt người khác - khuôn mặt của con gái mình. Cô ngồi nhìn nó hàng giờ liền, nhưng vẫn không thể hiểu được nó nghĩ gì. Nó cười khi thấy cô khóc, những ngón tay bụ bẫm khẽ co lại, đập đập xuống mặt chiếu cói, đầy vẻ khoái chí.
Một hôm, trong lúc nhìn con, cô bỗng thấy khuôn mặt của nó trắng dần, không, có lẽ phải nói là trong dần, đến độ trong suốt, và đột ngột biến mất khỏi thân mình của nó. Hoảng hốt, cô dụi mắt, nhưng vẫn không thấy khuôn mặt đứa bé đâu cả. Chẳng lẽ mình thức đêm nhiều nên ngủ mê? Cô tự véo vào tay mình thật đau, nhưng không ăn thua. Đứa bé vẫn không có khuôn mặt.
Qua lần ấy, cô không dám nhìn thẳng vào mặt con. Cũng chẳng dám kể với ai về chuyện ấy. Có kể, thì người ta cũng sẽ bảo là do cô trông gà hóa cuốc, hoặc có bệnh hoạn gì thôi.
Cũng từ đó, người ta thôi không giao cho cô đóng vai trẻ con hoặc các cô gái ngây thơ nữa. Có hỏi, thì người ta bảo, vai diễn trẻ con của cô chấm dứt rồi. Lập luận của người ta là cô đã sinh con rồi còn gì. Cô cũng biết là không thể đòi hỏi gì thêm, đành nhận những vai diễn khác, những vai già hơn.
Cho đến khi ấy, hằng đêm cô đều phải uống thuốc an thần để vỗ về giấc ngủ. Hiếm có giấc ngủ nào không mộng mị. Hầu hết là ác mộng. Nhưng chỉ có một nội dung lặp đi lặp lại trong giấc mơ. Cô thấy mình đi trên một cây cầu bắc qua một vực rộng và đen ngòm, sâu vô cùng tận. Đang đi, thì cầu gãy. Thế nhưng cô vẫn đi tới. Hai bàn chân lún xuống sau mỗi bước đi. Cô muốn dừng lại, nhưng giống như có một lực đẩy nào ở phía sau lưng, cứ thúc cô bước tới. Họng vực đen ngòm ấy ngoạm lấy cô dần dần, từ lòng bàn chân, đến mắt cá, đến bắp chân, đến khuỷu gối, và dần cao lên mãi.
Càng lún xuống, cô càng thấy hiện lên nhiều khuôn mặt. Những khuôn mặt mà đến lúc ấy, cô bỗng biết là mình sai rồi, mình không hiểu. Có những khuôn mặt lạ, không nhớ đã gặp lúc nào, mang máng là có gặp đâu đó lướt qua. Nhưng cũng có những khuôn mặt quen thuộc xuất hiện từ trong cái vực rộng hoác, đen ngòm ấy. Đến khi màu đen lên ngang tầm mắt, thì những khuôn mặt ấy đã kề ngay bên cạnh khuôn mặt cô. Hơi thở của những khuôn mặt ấy mang mùi cống rãnh bốc hơi trong những ngày nóng ẩm. Chúng liếm láp khuôn mặt cô bằng một thứ mơn trớn lợm giọng, trước khi đưa những chiếc răng nanh dài cắn nghiến nó một cách hung tợn và riết nóng, cho đến khi cô choàng thức trong bức màn đen bóng tối.
*
Lúc con gái được bảy hay tám tuổi gì đó, bỗng một hôm cô thấy gương mặt con mình giống hệt cha nó. Giống đến độ không tả được. Giống như ai đã dán bức hình mặt anh ta lên mặt con gái cô một cách thiện xảo. Tuy nhiên, có thấy dấu vết gì đâu?
Khi ấy cô đang tắm cho mình và con. Cục xà phòng đang mềm mại lướt trên da đứa bé trong tay cô vuột rơi xuống đất. Như bị điện giật, cô ngã xuống sàn nhà, ngất xỉu.
*
Cô gái ngồi đối diện với người đàn ông lớn tuổi trong một quán café sang trọng. Đôi mắt họ mang màu giống nhau, nâu thẫm nhưng cả hai không nhìn vào mặt nhau. Buổi chiều nhiều nắng. Những cây xanh lay lay các đốm nắng lổ đổ dưới chân hai người. Có vẻ như câu chuyện của họ bị đứt quãng giữa chừng.
Cô gái xoay xoay ly cam vắt uống dở, mài những ngón tay thon quanh viền ly một cách tỉ mẫn hồi lâu, nói, tiếng trong veo như tiếng những chiếc cốc thủy tinh va nhẹ vào nhau:
“Vào bệnh viện được mười ngày, mẹ khỏe lại. Và việc đầu tiên khi mẹ về đến nhà là gói ghém vài bộ quần áo, viết một bức thư để lại cho con, và đi mất”.
… “Con đã sống thế nào sau đó?” - Người đàn ông nhẹ giọng.
Nhún vai khe khẽ, cô gái bình thản:
“Như mẹ thôi”. Rồi như muốn giải thích thêm, cô nói: “Mẹ để lại tất cả tài sản cho con dưới quyền giám hộ của chú Minh, chú đạo diễn mẹ vẫn hay làm việc cùng ấy. Ban đầu thì lạ lẫm, nhưng rồi cũng quen. Chú Minh giao cho con các vai diễn mà thuở mẹ chưa có con vẫn diễn. Con làm được. Nhiều người khóc với con như với mẹ lúc trước. Và thế là sống thôi”.
Người đàn ông như không nghe thấy lời cô gái kể, nhìn mãi những đốm nắng li ti lấp lóa dưới nền gạch đỏ nâu.
Lát sau, ông lấy bút từ túi áo, ghi một địa chỉ trên mặt sau của tấm danh thiếp, đưa cho cô gái trẻ. Hai người không nói thêm lời nào.
*
Tu viện nữ nằm cuối phố chiều nay đón từng đàn chim sẻ liu ríu về trên mái ngói. Người nữ tu đứng lặng dưới hàng cây ở lối cổng vào. Cô gái trẻ lần đầu tiên nhìn thấy mẹ.
Cô vẫn còn thút thít mãi trên vai mẹ khi hai mẹ con ngồi xuống ghế đá. Cô òa khóc, cũng là lần đầu tiên khóc thật sau ngần ấy năm. Người nữ tu xoa vai con dìu dịu. Khuôn mặt bà đầy sự im lặng của mặt hồ không gió.
…
“Con gái con có giống con không?” - Người mẹ hỏi.
“Ồ, không, không giống đâu, mẹ.” Giọng cô gái trẻ chợt vương âm sắc thảng thốt. “Nó giống mẹ hơn”.
Người tu nữ gật đầu như hiểu. “Con đã ngưng diễn những vai kia rồi phải không?”.
Cô gái dạ khẽ, như biết mẹ cô muốn nói, những vai kia là những vai nào.
“Hai năm hơn sau khi mẹ đến đây, thỉnh thoảng mẹ vẫn xem con diễn, nhưng mẹ không khóc khi thấy con diễn những vai của mẹ ngày cũ. Mẹ biết là con sẽ diễn những vai ấy thôi, không khác đi được. Và vì biết thế mà mẹ không khóc”.
“Mẹ không khóc thật sao ạ?” - Cô gái hỏi.
“Ừ, mẹ không khóc. Nhưng nhiều đêm mẹ thấy khuôn mặt con chồng khít lên khuôn mặt mẹ trong những giấc mơ. Có khi là khuôn mặt con trên cơ thể của mẹ, có khi là khuôn mặt mẹ trên cơ thể của con, và cũng có khi mẹ chẳng biết đâu là khuôn mặt mẹ hay khuôn mặt con, cơ thể mẹ hay cơ thể của con nữa. Cứ như là hai người trộn tan vào nhau ấy, con hiểu không? Mẹ đã bỏ con đi vì mẹ thấy khuôn mặt con lúc ấy giống với cha con đến mức dễ sợ. Nhưng khi xem con diễn thì mẹ lại nghĩ rằng, khuôn mặt con giống mẹ. Ừ, đúng là như thế thật. Đúng là mẹ luôn bị ám ảnh về những khuôn mặt”.
*
Khi tôi òa khóc thật sự trên vai mẹ, ngay lúc đó, tôi nghĩ rằng mình thật sự là con gái bà. Tôi đã khóc như một đứa con. Và ngay lúc đó, tôi cũng bỗng thấy rằng khuôn mặt con gái mình giống với khuôn mặt của bà ngoại nó, đứa con gái mà trước khi tôi gặp mẹ, tôi không thể hiểu được khuôn mặt của nó.
Tôi cũng không hiểu tại sao, chiều ấy, khi tôi rời tu viện, có một cơn lốc xoáy lớn bốc lên phía cuối con đường trước mắt tôi. Cơn lốc như một chú ốc sên khổng lồ dựng đứng, tự xoay tròn, với một tốc độ chóng mặt, cuốn trong mình những chiếc lá và đủ các thứ khác trên con đường bỗng dài hun hút buổi chiều, với vòng xoay càng ngày càng trương rộng, rộng mãi lên trời. Hơi hoảng sợ, tôi hỏi những người đi đường quanh đấy xem họ có thấy không. Có người lắc đầu bảo không, có người trố mắt nhìn tôi như một người hỏi một câu kỳ cục rồi bỏ đi, và có người, hình như tôi thoảng thấy, một ông cụ tóc bạc ngồi dưới mái hiên bên đường, mỉm cười im lặng. Nụ cười mơ hồ đến nỗi, nếu ông có cười thật, thì chắc ông chỉ sử dụng một phần nghìn sợi cơ miệng thôi. Mà cũng có thể tôi trông nhầm.
Tôi về nhà, trong tâm trạng như một kẻ hành hương tìm về đất thánh, kể cho chồng và con gái tôi nghe câu chuyện về những khuôn mặt. Và trong khi chồng tôi đang mải trầm ngâm khi nghe xong, đứa con gái nhỏ bỗng hỏi tôi:
- Mẹ ơi, vậy thật sự thì khuôn mặt là gì?
Tôi đã không thể trả lời cho con. Cũng như cho đến giờ, tôi vẫn không thể hiểu tại sao, thật ra diện mạo tôi chẳng có nét gì giống mẹ mình, cũng chẳng có nét gì giống con của mình, nhưng con bé lại mang khuôn mặt y hệt bà ngoại.
Truyện ngắn của Ngô Nhân Đức