.

“Ông Già Say” làng Ô Gia

.

Đỗ Đăng Tuyển sinh năm Bính Thìn (1856) tại làng Ô Gia (nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo có lòng yêu nước, ông sớm tham gia vào các phong trào chống Pháp và là một trong những chí sĩ nhiệt thành của phong trào Đông du.

Mộ Đỗ Đăng Tuyển ở xã Đại Cường, Đại Lộc. (Ảnh: M.H.L)

Sau biến cố kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi rời Huế, xuống hịch Cần vương, Đỗ Đăng Tuyển đã có mặt trong hàng ngũ sĩ phu Quảng Nam để thành lập Nghĩa hội, bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Nam triều Đồng Khánh.

Sau khi Nghĩa hội Quảng Nam tan rã, những chiến sĩ Cần vương cũ lấy việc thu mình và giấu chí làm biện pháp tạm thời, chờ cơ hội. Nguyễn Thành làm như chỉ biết làm nông nuôi mẹ tận Nam Thành Sơn Trang (nay thuộc xã Bình Quý, huyện Thăng Bình). Còn Đỗ Đăng Tuyển thì sau khi phân tán thuộc hạ, đã trở về làm ruộng, giả vờ như kẻ chẳng còn thiết tha gì với thời cuộc, mượn men rượu giải sầu, ngâm nga thơ phú để tìm lãng quên… Ông vốn nổi tiếng hay thơ cả chữ Hán lẫn chữ Nôm nên dẫu có sa đà với thơ, với rượu thì cũng là lẽ thường tình. Bọn địch theo dõi ông tỏ ra yên tâm vì vị Tán tương của Nghĩa hội ngày nào đã trở thành “Lão Túy Ông” (ông lão say)…

Thực ra, ở Nam Thành Sơn Trang ngoài việc bận rộn với cày bừa, gặt hái, Nguyễn Thành âm thầm liên lạc với các đồng chí Cần vương cũ, kết giao cùng hào kiệt khắp nơi. Và Đỗ Đăng Tuyển vẫn ngầm qua lại, quan hệ giúp đỡ cho Nguyễn Thành rất nhiệt tình.

Đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu vào Quảng Nam tìm đến các sĩ phu từng tham gia Nghĩa hội, trong đó có Đỗ Đăng Tuyển. Sau những lần gặp gỡ bàn bạc đó, “Lão Túy Ông” không còn là ông già say nữa mà đã trở thành một trong những sáng lập viên của một tổ chức cách mạng đầu tiên có quy mô cả nước vào đầu thế kỷ XX là Duy Tân hội.

Thượng tuần tháng 4 năm Giáp Thìn (1904), một cuộc họp quan trọng diễn ra ở Nam Thành Sơn Trang nhằm thảo luận chương trình, kế hoạch hoạt động, bầu ra ban lãnh đạo của Duy Tân hội. Sau này, trong cuốn Tự phán, Phan Bội Châu chỉ nhắc đến tên 5 “hội viên trọng yếu” dự họp hôm đó là Nguyễn Thành, Đỗ Đăng Tuyển, Lê Võ, Đặng Tử Kính và Đặng Thái Nhân.

Từ đó, con người nổi tiếng say thơ và rượu ấy được giao trách nhiệm kinh tài cho Duy Tân hội. Hội đang cần một số tiền lớn để làm lộ phí cho một số đồng chí trong Hội sang Nhật. “Lão Túy Ông” đã cùng Nguyễn Thành ra sức âm thầm quyên góp được ba ngàn đồng bạc (một số tiền rất lớn lúc bấy giờ, vì 1 ang gạo giá chỉ có 2 xu) để làm lộ phí cho Phan Bội Châu, Đăng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ vượt biển qua Nhật.

Năm 1908, vụ chống sưu thuế ở Trung Kỳ bùng nổ. Thực dân Pháp thấy thế lâm nguy liền bắt tất cả các sĩ phu có tiếng trong cả hai phái ôn hòa và bạo động như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn, Trần Quý Cáp… Thế nhưng, nhờ hoạt động cẩn mật, nhờ cái vỏ “Lão Túy Ông” mà Đỗ Đăng Tuyển không bị bắt. Yếu nhân của Duy Tân hội ở Quảng Nam chỉ còn lại ông và Thái Phiên. Trong những năm từ 1908 đến 1910, ông cùng với Thái Phiên đảm nhận công việc điều hành Duy Tân hội thay cho Nguyễn Thành và phần nào giúp Đặng Thái Nhân ở Nghệ Tĩnh.

Năm 1908, phong trào Đông du bị thực dân Pháp liên kết với Chính phủ Nhật Bản trục xuất lãnh tụ Phan Bội Châu và các lưu học sinh khỏi Đông Kinh. Trong nước, nhất là nội vi tỉnh Quảng Nam, chúng bắt lưu đày và giết hại nhiều nhà lãnh đạo ái quốc khác. Một loạt những tên tuổi như Ông Ích Đường, Trần Thuyết, Lê Tựu Khiết, Ấm Loan bị xử chém.

Tiếp theo là những vụ bắt bớ, tù đày dành cho Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... Nhằm dập tắt những phong trào kháng Pháp này, ngày 11-3-1910, bọn mật thám được tin Đặng Thái Nhân đang hoạt động ở xã Nghi Kim, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, chúng vội vàng giăng lưới bủa vây. Các đồng chí lần lượt sa vào tay giặc, giấy tờ của Hội bị chúng tịch thu, từ đó chúng lần ra Đỗ Đăng Tuyển cùng một số đồng chí khác.

Đỗ Đăng Tuyển bị bắt ngay trong ngày phục tang thân phụ vừa qua đời. Ông bị giam ở nhà lao Hội An và sau đó bị giải ra Nghệ An để đối chất với các đồng chí khác. Cuối cùng, ông bị kết tội: ấm thông tin tức, xuất của quyên trợ, đồng mưu phản nghịch và bị phạt khổ sai 10 năm, thu sắc bằng, áo mũ, tịch thu gia sản.

Bị đày, ông phải đi bộ từ Quảng Trị lên Lao Bảo. Tới nơi, sau bảy ngày tuyệt thực, ông đã trút hơi thở cuối cùng. Đó là ngày mồng 4 tháng 4 năm Tân Hợi, tức là ngày 2-5-1911, hưởng dương 55 tuổi. Mộ “Ông Già Say” hiện nằm trong khuôn viên của cơ quan UBND xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, đã được chính quyền và ngành Văn hóa trùng tu tôn tạo.

AN TRƯỜNG

 

;
.
.
.
.
.