.

Phòng mạch cuối tuần

.

* Có nên lấy cao răng thường xuyên không, hay chỉ lấy định kỳ theo quy định của bác sĩ? (Nguyễn Thanh Nga, K324 Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng).

 

- Khi ăn xong, nếu không chải răng ngay thì khoảng 15 phút sau có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng gọi là màng bám. Nếu màng bám không được làm sạch, các vi khuẩn bám vào màng này và tích tụ ngày càng dày lên, gọi là mảng bám. Lúc này, các mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong miệng tiếp tục bám vào mảng bám hình thành nên những mảng cứng bám xung quanh cổ răng gọi là cao răng.

Cao răng là chất cặn lắng cứng có màu vàng nâu, thường đóng xung quanh cổ răng. Thành phần của cao răng gồm carbonat canxi và phosphate phối hợp với cặn mềm (mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong môi trường miệng), vi khuẩn, xác các tế bào biểu mô. Ngoài ra, còn có sự lắng đọng sắt của huyết thanh trong máu, nước bọt. Cao răng có thể gây viêm nướu và có mùi hôi.

Cao răng gây ra một số bệnh về răng miệng như:

- Vi khuẩn trong cao răng gây viêm nướu. Phản ứng viêm này gây ra hiện tượng tiêu xương ổ răng, làm cho răng tụt nướu, thân răng ngày càng dài. Vì vậy, người có cao răng có thể có cảm giác ê buốt khó chịu khi ăn uống. Chân răng bị lộ vì không có nướu che chở và răng bị lung lay, quá trình tiêu xương cũng diễn ra nhanh hơn.

- Cao răng có thể gây nên các bệnh viêm nướu, viêm nha chu với các biểu hiện như: đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng.

- Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng, bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch.

Do những ảnh hưởng nêu trên, cao răng cần phải được cạo sạch và tốt nhất nên cạo định kỳ 4 - 6 tháng/lần. Có thể cạo cao răng bằng dụng cụ cầm tay hay bằng máy siêu âm. Sau khi cạo cao răng, có thể có cảm giác ê, đau, nhiều hay ít tùy mức chịu đau của mỗi người. Cảm giác ê buốt khi ăn uống, nhất là uống nước nóng quá hay lạnh quá có thể kéo dài sau vài ngày rồi hết.

* Tôi nghe nói mắt bị mộng thịt sau khi mổ vẫn có nguy cơ bị lại. Có cách gì giảm nguy cơ mắc bệnh không? (Đoàn Văn Mai, Tam Kỳ, Quảng Nam).

- Mộng thịt là sự xâm lấn của một tổ chức giống như thịt vào góc trong của giác mạc. Về mô học, mộng thịt chủ yếu là sự thoái hóa dạng đàn hồi lớp chính của kết mạc. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở những vùng hay những người phải làm việc ở nơi có nhiều gió, cát bụi và ánh sáng mặt trời. Mộng thịt có thể ở một bên hoặc hai bên và có thể có tính chất di truyền.

Về điều trị, cần phải chỉ định phẫu thuật khi mộng thịt phát triển vào trung tâm thị giác, có nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực.

Sau phẫu thuật, tỷ lệ tái phát khá phổ biến và khi tái phát mộng thịt còn lan nhanh hơn so với mộng thịt ban đầu. Để phòng bệnh, nên đeo kính râm, đội mũ nón rộng vành khi ra ngoài trời nắng, tránh cho mắt không bị tác động nhiều của gió và cát bụi. Dùng thuốc rửa mắt ngày 2-3 lần sau mỗi khi ra ngoài đường về.

P.M.C.T

;
.
.
.
.
.