.

Phụ nữ Iraq tái giá

.

Phụ nữ ở Iraq cũng như ở các nước Hồi giáo luôn chịu thiệt thòi hơn nam giới. Họ ít được đi học, ăn vận kín đáo…, nhưng rào cản xã hội lớn nhất với họ là không được tái giá. Những cuộc chiến tranh dai dẳng càng đào sâu nỗi khổ của người phụ nữ nước này khi họ phải một mình nuôi bầy con vì chồng đã chết vì bom đạn.

Bà Um Omar nhận ra điều bà cần làm cho những người cùng giới là vượt qua định kiến xã hội để tái hôn.

Họ chấp nhận điều đó không một lời phàn nàn, chấp nhận nó như số phận của mình phải chịu như thế. Nhưng có một người phụ nữ Iraq không chấp nhận điều đó. Bà là Um Omar, một người phụ nữ làm việc trong tổ chức nhân đạo ngay tại đất nước mình. Thoạt đầu, nhiệm vụ của tổ chức nhân đạo này là giúp đỡ các gia đình bị chiến tranh tàn phá xây dựng lại cuộc sống mới, giúp các trẻ em mồ côi cha mẹ có cuộc sống tốt hơn. Ở Iraq, không có nhà tế bần nên các trẻ em mồ côi sẽ phải sống với chú, bác ruột của mình. Với kinh phí của tổ chức bà, trẻ con có thể tới sống tại nhà tế bần vừa được xây dựng hoặc tiếp tục ở lại nhà chú bác ruột của mình mà vẫn được nhận trợ cấp.

Sau thời gian làm việc, Um Omar nhận ra điều bà cần làm nữa cho đất nước mình, cho những người cùng giới là vượt qua định kiến xã hội để tái hôn. Ý định đó bắt đầu từ năm 2005, nhưng khi bà và các cộng sự tiếp cận với các phụ nữ mất chồng thì nhận được những cái lắc đầu từ chối dứt khoát. Bà vẫn không nản chí, tiếp tục theo đuổi kế hoạch hoạt động “tuyển” đàn ông, ưu tiên chưa vợ đáp ứng yêu cầu sẽ cưới một góa phụ làm vợ và giúp đỡ các con riêng của vợ mình.

Khi có một ứng viên nhận lời, bà cố gắng tìm hiểu tính cách của một người đàn ông nào đó thật kỹ rồi bắt đầu mai mối với người phụ nữ góa chồng mà bà thấy là “xứng đôi vừa lứa” nhất. Bà tổ chức cho hai người gặp nhau, chuẩn bị tất cả mọi thứ cho cuộc hôn nhân mới từ chuyện đám cưới, tài chính, phòng ngủ và thậm chí tìm một ngôi nhà mới. Sau khi đám cưới hoàn tất, chương trình của bà vẫn chưa hết. Bà vẫn tiếp tục theo dõi cuộc sống của đôi vợ chồng mới này để có thể giúp đỡ họ kịp thời cả về vật chất và tinh thần.

Cuộc tái hôn đầu tiên mà bà thực hiện là đầu năm 2006 cho một góa phụ đã có 4 con. Um Omar cho biết từ đó tới nay bà đã giúp cho 20 phụ nữ tái hôn. Mỗi “chiến dịch” như thế kéo dài trong 1 tháng. Theo khảo sát của bà, có khoảng 10% phụ nữ góa chồng ở Iraq muốn lập gia đình mới. Điều cốt lõi mà bà Um Omar đạt được là giúp phụ nữ Iraq vượt qua được rào cản xã hội, thoát khỏi suy nghĩ cuộc sống của họ đã được “xếp đặt” và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc làm nền tảng cho xã hội phát triển.

TỊNH BẢO

 

;
.
.
.
.
.