.

Quang Trung và nền giáo dục thực học

.

Vua Quang Trung không chỉ có võ công mà trên hết vẫn là khát vọng chính trị. Ông luôn mong muốn xây dựng một Đại Việt cường thịnh. Bởi vậy, ngay sau chiến thắng chống Mãn Thanh, ông đã bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước. Việc thu hút người tài và phát triển giáo dục là mối quan tâm hàng đầu.

Tượng Hoàng đế Quang Trung ở Núi Bân, Huế.

Vua Quang Trung ý thức rất rõ muốn xây dựng quốc gia, gìn giữ thái bình, trước hết cần phải có nhân tài, mà để có nhân tài thì trước hết cần phải tổ chức một nền giáo dục cơ bản thông qua việc học hành, thi cử: “Dựng nước lấy dạy học làm đầu, cầu trị lấy nhân tài làm gấp” (“gấp”, không phải “gốc” như một số người chép nhầm.

Nguyên văn: Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp) (Chiếu lập học). Hay: “Cái nhà to lớn - sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình - sức một người không thể đảm đương” (Chiếu cầu hiền). Các cựu thần nhà Lê, tiêu biểu như Nguyễn Thiếp sau nhiều lần từ chối, cuối cùng cũng về với Quang Trung.

Văn miếu Quốc tử giám Thăng Long sau hàng trăm năm là trung tâm giáo dục của cả nước nhưng qua nhiều biến loạn, hoang tàn, Quang Trung có cho tiền sửa sang nhưng sau đó, ông không dùng văn miếu này mà chọn Long Hồ, nguyên là Văn miếu và học cung cũ của chúa Nguyễn làm trung tâm giáo dục của triều đại. Trong bài “Đăng Văn miếu kí kiến” của Phan Huy Ích đã miêu tả Văn miếu này khá kỹ, có đoạn: “Văn miếu ở thượng lưu sông Hương, nằm trên một ngọn đồi cao soi bóng xuống dòng sông. Các ngọn núi phía bờ bên kia chầu về. Hai ngôi đền chính, bên trong thờ tượng Đức Thánh (Khổng Tử) cùng tượng tứ phối... Chỗ nào cũng có biển đề và đều được sắm sửa từ đời trước, bây giờ chỉ sửa lại và trang sức thêm. Quan Tế tửu, Tư nghiệp và mọi người thay nhau đèn hương”(1).

Về điều này, Phan Huy Ích có thơ:

Đạo Thánh trùm trời đất

Thần kinh có miếu tòa

Trống khuông hình mới chế

Mũ hốt vẻ xưa pha

Nhà cửa sơn hồng thắm

Cung tường mở rộng ra

Sùng Văn gió lộng thổi

Dụy Lễ nắng chan hòa

Ông lão canh đền tới

Nhà nho học dạo qua

Tiều đi đường cỏ biếc

Lưới rợp bãi tần xa

Cây đó soi dòng nước

Chim đâu vọng tiếng ca

Cổng ngoài cao thoáng mát

Nhà học chuốc chung trà

(bản dịch của Lê Nguyễn Lưu)(2)

Cùng với việc sửa sang Văn miếu, Quang Trung cho ban hành Chiếu Lập học nói rõ chính sách giáo dục của triều đại mình. Theo đó, Quang Trung đã cho tổ chức nhà trường theo từng cấp: cấp cao nhất (trung ương) là Quốc tử giám Long Hồ, trung gian là phủ học và dưới là xã học. Trường học đến cấp xã là một sáng tạo mới của Quang Trung nhằm đưa giáo dục tới khắp nhân dân: “Dân trong xã nên lập học xã, chọn nho sĩ trong xã có học thức, hạnh kiểm đặt làm thầy dạy, giảng tập học học trò xã mình”. Một kiểu xã hội hóa về phổ cập giáo dục.

Chiếu lập học cũng hẹn sẽ mở các khoa thi để chọn kẻ sĩ, tuy nhiên Quang Trung chỉ mở được một khoa thi vào năm 1789 tại Nghệ An mà thôi: “Lập giáo hóa, đặt khoa cử là quy mô lớn để chuyển loạn thành trị... Nho sinh và sinh đồ cũ cứ đợi đến kỳ thi thì vào thi, hạng ưu thì tuyển vào, hạng kém thì bãi về trường xã học. Còn như sinh đồ ba quan thì nhất thiết bắt về làm dân, cùng dân chịu sưu dịch”.

Điều đặc biệt là chủ trương dùng chữ Nôm làm “Quốc gia văn tự”. Chữ Nôm được đưa vào trường học, khoa cử và giấy tờ hành chính. Nguyễn Thiếp được cậy làm viện trưởng viện Sùng Chính, phiên dịch sách Trung Quốc ra chữ Nôm, trước hết là tứ thư, ngũ kinh. Thời này cũng xuất hiện sách giáo khoa “vỡ lòng” là Tam thiên tự mà theo nhà Hán học Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh thì do Ngô Thời Nhậm soạn nhằm phục vụ chữ Nôm trong học hành và công văn nhà nước. Sách như một tự điển Hán - Nôm, gieo vần dễ học, dễ nhớ.

Không chỉ ở lời nói mà cả hành động. Tương truyền, Quang Trung cũng trở thành điển hình của một người ham học hỏi. Theo sách Tây Sơn lược thuật, ông chọn một quan văn “5 ngày một lần vào cấm cung để giảng giải kinh sách”. Ngô Thì Nhậm đã nhận xét: “Quốc vương là người thiên tư hiếu học, tuy trong chinh chiến gấp gáp vẫn không quên bàn bạc đạo lý. Trong nghị luận thường ngày, quốc vương diễn đạt được một cách có thứ tự những cái mà sách vở đời trước chưa từng nói, tôi thực nhờ được gần gũi, bơi lội trong kiến thức của quốc vương mà lĩnh hội được” (Bang giao hảo thoại).

Thực là điều đáng trân trọng của một ông vua xuất thân từ "áo vải cờ đào" muốn xây dựng một nền chính trị sáng trong và, hẳn nhiên vẫn rất hữu dụng cho sự hiểu biết cần có trong thời đại ngày nay.

Lê Tiến Công (Đại học Phan Châu Trinh)

Chú thích:

(1) Ban Hán Nôn, Thơ văn Phan Huy Ích, Tập II, KHXH, HN, 1978, Tr. 125-127.

(2) Bài viết có sử dụng tư liệu của Lê Nguyễn Lưu.

 

;
.
.
.
.
.