.

“Rừng nhiệt đới” của người nhập cư

.

Khu lều trại bẩn thỉu của những người nhập cư ở gần cảng Calais đã bị cảnh sát Pháp dỡ bỏ. Nơi đây được mệnh danh là “rừng nhiệt đới”, chứa chấp hàng trăm người nhập cư trái phép mong được đổi đời bằng cách vượt biên qua eo biển Manche để vào Anh.

Cảnh sát triển khai tại khu “rừng nhiệt đới” sáng 22-9.  (Ảnh: AP)

278 người nhập cư trái phép, trong đó chủ yếu là người Afghanistan, bị bắt giữ. Gần một nửa trong số những người này ở tuổi vị thành niên. Trong trang phục quần jean, áo lạnh tay ngắn, nhiều người mang theo ba lô và chăn màn khi họ bị cảnh sát áp giải. Các nhóm trợ giúp người nhập cư bất hợp pháp cho biết, những người vừa bị bắt sẽ được đưa đến một trại giam để làm thủ tục kiểm tra, còn số thiếu niên nhập cư trái phép sẽ được đưa đến các trung tâm tạm trú.

Theo Bộ trưởng Nhập cư Pháp Eric Besson, không có bạo lực xảy ra trong hoạt động dỡ bỏ trại nhập cư, tất cả những đồ đạc cá nhân được tập hợp và phân loại ở nhà thờ Calais. 30 người phiên dịch và một đội y tế được cử đến để trợ giúp chính quyền. Bên cạnh đó, 200 tấm đệm tạm bợ cũng được cung cấp cho những người nhập cư. Nhiều người nhập cư đã bày tỏ sự lo lắng về tương lai của mình và lo sợ việc phải quay trở về Afghanistan. Bashir, 24 tuổi, giáo viên tiếng Anh ở miền Bắc Afghanistan nói với Hãng thông tấn AFP rằng, anh phải trả 15.000 USD cho chuyến đi châu Âu này. Còn Juma, một trong những người từng sinh sống ở “rừng nhiệt đới” cho biết, cuộc sống ở nơi đây tốt hơn ở Afghanistan.

Bộ trưởng Eric Besson gọi trại ở Calais là “rừng nhiệt đới” và là “căn cứ của bọn buôn người”. Riêng trong tháng 8-2009, số người sống tại “rừng nhiệt đới” đã lên đến 1.400 người. Khu lều trại này đã khiến quan hệ Anh - Pháp trở nên căng thẳng và trở thành biểu tượng cho cuộc chiến chống nhập cư trái phép của Pháp.

Những người nhập cư bị buộc phải rời khỏi khu lều trại bẩn thỉu,tạm bợ. (Ảnh: IHT)

 

Tuần trước, ông Besson đã thông báo quyết định dỡ bỏ khu “rừng nhiệt đới”. Sáng 22-9, trên đài phát thanh tư nhân RTL, ông Besson nói rằng biện pháp của Chính phủ nhằm tấn công vào cơ sở trung chuyển của các đường dây đưa người nhập cư trái phép vào Pháp. Theo ông, các đường dây này làm giàu trên sự nghèo khổ của nhân loại. Trong khi đó, các nhóm nhân đạo lên án đây là “một hành động thiển cận” của chính quyền và cho rằng việc làm này không giải quyết được vấn đề nhập cư bất hợp pháp vào nước Pháp.

Dọc theo bờ biển Bắc, từ Saint Malo ở vùng Bretagne của Pháp đến biên giới Bỉ, ước tính có khoảng 17 khu lều của những người nhập cư trái phép. Trong số này, bên cạnh người Iraq, Afghanistan..., còn có cả người Việt Nam. Nước Anh được xem là nơi tốt hơn Pháp để thay đổi cuộc đời, cho dù đó là cuộc hành trình vượt biển, bởi Anh dành sự trợ cấp xã hội lớn cho những người thất nghiệp.
 
Hầu hết những người nhập cư đến được Calais sau những hành trình bí mật đầy nguy hiểm vượt qua châu Á và châu Âu, bằng xe tải hoặc tàu, thuyền. Anh cũng đang thắt chặt biên giới để ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Alan Johnson nói rằng, chỉ riêng năm ngoái, các nhà chức trách đã ngăn chặn 28.000 cuộc vượt biển qua Anh. Theo Bộ trưởng Besson, các nhà chức trách đều đưa ra cách giải quyết đối với mỗi người nhập cư. 180 người đã đồng ý trở về quê nhà, trong khi 170 người được ở lại tại Pháp.
 

Một người  tỏ  thái độ chống đối  trước ống kính của phóng viên. (Ảnh: IHT)

Những người khác sẽ sống lưu vong, chủ yếu đến Hy Lạp. Song, các quan chức Pháp bác bỏ những chỉ trích cho rằng Paris muốn chuyển vấn đề của những người nhập cư trái phép sang cho các nhà chức trách Hy Lạp. Các quan chức Hy Lạp cũng nói rằng, họ không nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào từ phía Chính phủ Pháp trong việc đón nhận những người nhập cư Calais.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) chưa có sự thống nhất về vấn đề nhập cư, 27 quốc gia thành viên đều có những chính sách nhập cư cho riêng mình. Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Besson hy vọng rằng, tất cả các thành viên của EU sẽ ký một kế hoạch hành động về việc nhập cư tại Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 29 và 20-10 tới.

GIA AN (Theo AP, NYTimes)

 

;
.
.
.
.
.