Chuẩn bị cho năm học mới 2009-2010, ngành GD-ĐT thành phố Đà Nẵng có 76 công trình cải tạo, sửa chữa mới với 380 phòng học. Với quy mô cơ sở vật chất (CSVC) mới được đầu tư gần 176,5 tỷ đồng này, toàn ngành tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học.
Trường mới dưới chân đèo Hải Vân
Trường THCS Nguyễn Thái Bình được xây mới 100% với kinh phí gần 6,3 tỷ đồng. |
Sau thời điểm tháng 9-2005, học sinh một số địa phương ở thành phố Đà Nẵng sau khi tách phường đã phải đi học theo kiểu “ở đậu” như cách nói đùa của ông Nguyễn Văn Thâu, hiệu trưởng Trường Nguyễn Thái Bình.
Chỉ đến khi chuẩn bị năm học mới 2009-2010, Trường Nguyễn Thái Bình mới chính thức được xây mới trên “đất của ta” ở tổ 17, phường Hòa Hiệp Bắc. Với ngân sách thành phố gần 6,3 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 1, đã có 8 phòng học, các phòng chức năng, cột cờ, tường rào cổng ngõ được hình thành trong khuôn viên gần 9 nghìn m2. Tuy nhiên, cả trường có đến 21 lớp học, không lẽ trường mới mà cho học sinh học 3 ca?
Trước khó khăn này, xác định đây là vùng dân cư nghèo, nên UBND quận Liên Chiểu đã đầu tư 2 tỷ đồng xây thêm 4 phòng học và làm đường giao thông quanh trường, tạo điều kiện để học sinh đến lớp, tránh tình trạng bỏ học vì trường xa.
Ngày 4-9, Trường Nguyễn Thái Bình chính thức khai giảng năm học mới, nhưng từ 24-8, thầy và trò nhà trường đã có buổi học đầu tiên. Trong cái nắng chói chang cuối hè, sân trường có mấy cây bàng, cây phượng vừa được trồng, chỉ mới lơ thơ vài chiếc lá. Khu hiệu bộ chưa có, giáo viên và cán bộ văn phòng một số co cụm trong căn phòng học dôi ra, một số mượn tạm gian cầu thang chưa xây dựng làm nơi làm việc. Ông Thâu cho biết, hơn 80% giáo viên của trường có nhà ở xa, trong đó có người ở tận Sơn Trà, buổi trưa chưa biết ở đâu, đang đề nghị Công đoàn nhà trường làm nhà công vụ để họ đỡ vất vả.
Ngôi trường dưới chân đèo Hải Vân mới rợi 100% ấy đã chấm dứt cảnh thầy và trò “ăn nhờ ở đậu”. Nhưng, giá như trường sớm được đầu tư tiếp giai đoạn 2 thì khó khăn mới dứt và niềm vui ở đây mới thật sự trọn vẹn.
Trường mới, niềm vui mới
Ít ai ngờ rằng, Trường Mầm non Thủy Tiên cho đến năm học 2008-2009 vẫn còn phải giữ cảnh quan sư phạm bằng cách… đặt máy bơm nước! Mới nghe, ai cũng tưởng đùa, nhưng thực sự là do sân trường thấp so với mặt đường 0,8 mét nên phải tạm thời giải quyết như thế - cô Hiệu trưởng Trần Thị Như Kha cho biết.
Trường nghèo, một thời gian dài phải chịu cảnh vừa học vừa bơm nước, kêu gọi xã hội hóa thì không khả thi, mỗi năm học chỉ nhận khoảng trên 200 cháu. Năm học 2008-2009, UBND quận Thanh Khê đầu tư hơn 800 triệu đồng xây mới 4 phòng học và bếp ăn một chiều. Hè rồi, quận tiếp tục đầu tư 1 tỷ đồng xây mới khu hiệu bộ và thêm 2 phòng học nữa, chính thức chấm dứt tình trạng bơm nước trong năm học mới này. CSVC khang trang, bề thế là một trong những nguyên nhân giúp cho số trẻ đến trường tăng vọt lên 350-360 trong hai năm nay.
Ở Trường THPT Ngô Quyền, quận Sơn Trà, CSVC trường lớp xuống cấp là nỗi lo thường trực của lãnh đạo nhà trường, từ khi trường còn hình thức bán công. Trong khuôn viên rộng gần 15 nghìn m2, vẫn còn dãy 5 phòng học được xây dựng từ thời nơi đây là Trường Bổ túc Văn hóa tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ.
Trong năm học mới (2009-2010), tổng kinh phí mua sắm thiết bị dạy học từ các nguồn là gần 12,9 tỷ đồng; tổng kinh phí cho công tác xây dựng cơ bản là 176,483 tỷ đồng, trong đó, ngân sách địa phương 164,300 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 12,183 tỷ đồng. Tất cả các công trình phục vụ năm học mới đều được hoàn thành vào cuối tháng 8-2009. Nguồn: Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng |
Ngôi trường mới tạo tâm lý phấn khởi cho thầy trò, cán bộ quản lý và cho cả phụ huynh. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Phương tâm đắc: Trường Ngô Quyền chỉ mới chuyển từ bán công sang công lập được 1 năm nên chưa có thể nói trước được điều gì về chất lượng dạy học. Nhưng tôi tin rằng, với CSVC mới (sau này sẽ xây dựng thêm các phòng bộ môn, nhà đa năng...), trường sẽ có sự bứt phá mới. Số học sinh của trường đỗ đại học, cao đẳng đã tăng từ 36 trong năm học 2007-2008 (năm cuối hệ bán công) lên hơn 80 trong năm học 2008-2009 (năm đầu hệ công lập).
Năm học mới này, tất cả các trường học trên địa bàn thành phố không có trường nào phải học ba ca. Các trường mới xây hoặc nâng cấp như THCS Nguyễn Thái Bình, Mầm non Thủy Tiên, THPT Ngô Quyền hẳn sẽ phải đối mặt với một số khó khăn nhất định ban đầu và làm thế nào để sớm vượt qua không chỉ tùy thuộc vào bản thân của các trường mà còn là nỗi lo của toàn xã hội, khi mà chất lượng giáo dục có sự quyết định đáng kể của CSVC.
VĂN THÀNH LÊ