.

Thú chơi mô hình

.

Từ gần mười thành viên cách đây 4 năm, đến nay câu lạc bộ (CLB) mô hình Đà Nẵng đã có khoảng 40 thành viên. Ngoài kiến thức về điện tử, cơ khí, khí động học, trò chơi điều khiển mô hình máy bay, canô, diều còn đòi hỏi sự khéo léo của người chơi...

“Người lớn chơi trò con nít”

Mô hình chiếc trực thăng Trex 450 trước khi hạ cánh.

Mười năm trước, người Đà Nẵng đã biết đến trò chơi mô hình, nhưng thú vui này chỉ thật sự phổ biến khi có một nhóm người cùng đam mê thành lập nên CLB mô hình Đà Nẵng. Trong trí nhớ của anh Nguyễn Bích Hải, người gắn bó với trò chơi mô hình từ những ngày đầu, nay là Phó Chủ nhiệm CLB, khi ấy, những thành viên trong nhóm luôn bị người khác châm chọc: “Người lớn mà chơi trò con nít”. Thế nhưng, với những người thật sự yêu thích môn mô hình, thì đây lại là trò chơi trí tuệ, tạo nên sức hút kỳ lạ với họ.

Đam mê các loại mô hình và trò chơi tốc độ, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Trung (30 tuổi) chọn mô hình máy bay điều khiển từ xa để theo đuổi sở thích. Gia nhập CLB chưa lâu nhưng với lòng đam mê, khéo léo và những hiểu biết cơ bản về động cơ máy bay đã giúp anh đủ sức sở hữu chiếc trực thăng Trex 450 trị giá trên 30 triệu đồng.

Điểm đặc biệt của chiếc Trex 450 là… rất khó điều khiển. Chiếc máy bay này có động cơ nhỏ, gọn, cánh máy bay dài nên khó giữ thăng bằng khi cất cánh và hạ cánh. Phải là người có tay nghề thuộc loại “đỉnh” mới có thể điều khiển được chiếc Trex 450. Anh Trung cho biết, anh phải bỏ ra thời gian 1 năm “vật lộn” cùng Trex 450, nhưng nó cũng chỉ bay vòng tròn. Thách thức này như một ma lực khiến anh luôn bị Trex 450 cuốn hút.

Đã chơi thì khó dứt

Các thành viên CLB Mô hình Huế vận chuyển máy bay vào Đà Nẵng giao lưu.

 

Trò mô hình rất “kén” người chơi, nhưng ai đã mê rồi thì khó dứt ra được. 47 năm về trước, ông Bùi An Bình khi còn là bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế đã làm quen với trò chơi này khi đi tu nghiệp ở Pháp. Đến nay ở tuổi 64, ông trở thành Chủ nhiệm CLB mô hình Huế. Câu chuyện của ông già tóc bạc này đã thổi vào giới trẻ một niềm đam mê mới, vừa chơi, vừa tìm tòi, sáng tạo và chinh phục những thử thách mới. Ông Bình cho biết, cái khó nhất cho người mới tập chơi là take off (cất cánh) và landing (hạ cánh). Khi vượt qua hai điều này, các “tân binh” sẽ dần dần nâng tay nghề theo thời gian. Quan trọng hơn hết là phải có lòng kiên nhẫn.

Chưa đầy 15 phút chúng tôi có mặt ở điểm bay tại KCN Liên Chiểu, đã có 8 chiếc bị “đập”. “Đập” là từ ngữ dân chơi mô hình hay nói mỗi khi có một chiếc máy bay hạ cánh không hoàn hảo. Mỗi lần như vậy, người chơi buộc phải dừng lại để chỉnh sửa, lắp ráp, thay thế phụ kiện. Nếu đập nhẹ thì mất vài phút, đập nặng phải đem về nhà.

Trời mưa vẫn không ảnh hưởng đến niềm đam mê được chinh phục không gian của những người thích trò chơi mô hình.

Về điều này, anh Nguyễn Bích Hải, Phó Chủ nhiệm CLB mô hình cho biết, khi bạn đang say sưa điều khiển chiếc máy bay mô hình vòng vèo trên khoảng không, bất ngờ máy bay chao lượn, ngả nghiêng rồi rơi nhào xuống đất. Điều mà đối với người chơi thật kinh khủng nhưng lại thôi thúc họ lòng chinh phục để “con cưng” của mình được bay cao, bay xa và lâu hơn trên bầu trời.

Bạn Duy Nguyễn, sinh viên ĐH Bách khoa tâm sự: “Đây là trò chơi rất hấp dẫn, người điều khiển mô hình máy bay vừa là phi công, vừa là bác sĩ về máy móc để có thể tự sửa chữa khi xảy ra sự cố”. Theo các thành viên CLB mô hình, ai cũng có thể đến với trò chơi này. Một ngày nào đó, khi đã tích lũy đủ kiến thức và điều kiện kinh tế, bạn có thể “tậu” một chiếc máy bay để thỏa sức tự mình chinh phục không gian.

Tiểu Yến

 

;
.
.
.
.
.