.

Từ Văn miếu Thanh Chiêm đến Khổng miếu Hội An

.

Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, mục “tỉnh Quảng Nam”, chương “Đền miếu” viết: “Văn miếu ở xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, kính thờ tiên sư Khổng Tử. Quy chế: nhà chính 3 gian 2 chái và nhà trước 5 gian. Hồi đầu Bản triều, miếu ở phía tây xã Câu Nhi trong hạt huyện, khoảng đời Gia Long bị nước sông xói lở, dời đến phía đông xã ấy; lại bị nước sông xói lở, năm Minh Mệnh thứ 16 (1835 - NV) dời đến chỗ hiện nay”.

Khổng miếu Hội An sau khi trùng tu năm 2004.  (Ảnh: Vhttdlqnam.gov.vn)

Theo hồi ức của ông Ngô Tấn Huệ trong bài viết “Văn miếu và Nho học” đăng trên tập san Cổ học tinh hoa do Hội Cổ học Quảng Nam xuất bản năm 1962, Văn miếu Thanh Chiêm chánh đường gồm có ba gian, hai chái. Tiền đường năm gian, có đông vu và tây vu đều lợp ngói. Bốn phía xây thành, phía trước có cửa tam quan, hai bên cửa dựng hai tấm bia “Khuynh cái hạ mã” (nghiêng lọng xuống ngựa) lúc đi ngang qua miếu. Phía tả trong thành có dựng nhà Túc để mỗi khi tế Thánh, quan Chánh tế nghỉ ngơi. Phía tây Văn miếu có dựng nhà Khải Thánh thờ thân sinh đức Khổng Tử.

Năm Ất Dậu (Đồng Khánh thứ nhất, 1885), quân Pháp đến đánh Quảng Nam, đốt phá Văn miếu. Đến năm Canh Dần (Thành Thái thứ hai, 1890) tỉnh Quảng Nam tư về Bộ trù mua vật liệu làm lại Văn miếu như trước. Lại có đặt chức phu trưởng sau đổi làm bá hộ với 30 miếu phu để thường xuyên trông nom Văn miếu. Ngoài ra có trích 2 mẫu ruộng công điền làng Thanh Chiêm làm đất quan phòng giao cho miếu phu cày làm. Lại có đặt ban Lễ sinh, có một viên tự thừa và 3 người lễ sinh để chuyên biện các lễ Đoan dương, Nguyên đán, Xuân đính, Thu đính…

Theo một số tư liệu còn truyền thì đến thời cụ Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, nghĩa quân được lệnh tấn công tỉnh thành La Qua của chính quyền Nam triều đương thời và trong dịp đó đã thỉnh toàn bộ bài vị ở Văn miếu Thanh Chiêm đưa về đặt trong Văn miếu do Nghĩa hội mới lập ở vùng Trung Lộc, Quế Sơn.
 
Phân tích việc này, nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy đã viết trong “Vai trò lịch sử của Dinh trấn Quảng Nam” (Sở VHTT Quảng Nam, 2002, tr. 279): “Hành động này của Nghĩa hội cho ta hiểu được vai trò của Văn miếu tỉnh đối với kẻ sĩ trong địa phương quan trọng là dường nào. Họ không chấp nhận để Văn miếu cho những kẻ theo giặc (Pháp) phụng tự vì những kẻ này đi ngược lại giáo lý Khổng Mạnh, tôn thờ tà ngụy… bất kính với tiền nhân và cao hơn, bất kính với vị Vạn thế sư biểu”.

Sau ngày Nghĩa hội Quảng Nam tan rã, sinh hoạt của Văn miếu tỉnh được phục hồi tại nơi cũ. Khoảng năm 1947, giặc Pháp đổ bộ lên Vĩnh Điện. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, cùng với việc triệt hạ thành “vườn không nhà trống” để quân địch không chỗ trú chân, Văn miếu Thanh Chiêm đã không còn nữa!

Tháng 9-1960, các cụ trong Hội Cổ học tỉnh Quảng Nam (hậu thân của Văn hội Nho học xưa) đã vận động xây mới một “Khổng Tử miếu” tại Hội An - lỵ sở của tỉnh lúc bấy giờ. Khu đất được chọn để xây dựng có diện tích 4.800m2 cạnh miếu Hội đồng cũ, thuộc công sản của thôn Cẩm Phô, bên đường giao thông dẫn vào Hội An.

Lão họa sĩ Tôn Thất Sa, một nhà kiến trúc nổi tiếng tại Huế được mời vẽ họa đồ xây cất Khổng miếu theo quy thức Á Đông; đặc biệt cửa tam quan được mô phỏng theo đúng hình dáng cửa Khuyết Lý trước đền thờ Khổng Tử ở huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Việc xây dựng được tiến hành từ tháng 1-1961 và hoàn thành trong vòng 2 năm sau đó.

Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với việc giữ gìn và phát huy giá trị của cụm di tích tại phố cổ Hội An, Khổng Tử miếu đã được ngành Bảo tồn bảo tàng Quảng Nam trùng tu với kinh phí đáng kể và hiện là một trong những điểm tham quan đầy ấn tượng đối với du khách.

Điểm nổi bật của Khổng miếu Hội An có lẽ nằm ở hệ thống các câu đối thể hiện đầy đủ sự tự hào của người dân vùng đất có núi Ngũ Hành và sông Sài Thị cũng như sự ngưỡng mộ của họ đối với bậc Thánh của đạo Nho đã in đậm dấu ấn tư tưởng và nêu cao gương ứng xử với bao thế hệ người Đông Á xưa. Xin nêu một ví dụ: Quảng bị nho phong: Sài thủy, Hành sơn danh giáo địa/ Nam lai triết học: Hạnh đàn, Cối trạch thái hòa thiên. Dịch nghĩa: Rộng mở đường văn, Sài thủy Hành sơn (là) nơi danh giáo/ Đem về triết học, Hạnh đàn, Cối trạch (là) cõi thái hòa.

Chẳng rõ trong các câu đối dựng tại đây, câu nào được sao y từ Văn miếu Thanh Chiêm xưa, câu nào được sáng tác khi xây Khổng miếu mới? Nhưng nhìn chung, nội dung tổng quát đều ca ngợi sự thịnh truyền của Nho học trên đất Việt nói chung và trên xứ Quảng “địa linh nhân kiệt” nói riêng trong quá khứ.

Phú Bình

 

;
.
.
.
.
.