.

Từ website tĩnh đến E – learning

.

CNTT đã và đang thâm nhập vào các trường học, làm thay đổi sâu sắc nội dung, phương pháp, hình thức và môi trường học tập, nên việc điện tử hóa môi trường giáo dục là một điều tất yếu. Tuy nhiên, từ mô hình trường học truyền thống chuyển sang mô hình trường học điện tử, có hàng loạt vấn đề đặt ra như quy chế cho hoạt động dạy - học, các quy định về thanh tra, kiểm tra...

Với mô hình trường học điện tử, khả năng tương tác giữa HS - SV và GV sẽ rất cao, hỗ trợ hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng dạy - học. (Ảnh: Ngọc Đoan)

Mô hình trường học điện tử có nghĩa là số hóa các hoạt động giảng dạy, học tập và quản lý trong môi trường thông tin điện tử. Khi được điện tử hóa, các trường học sẽ có hệ thống quản lý, chia sẻ thông tin trực tuyến, toàn diện về các mặt hoạt động của học tập, giảng dạy thông qua môi trường mạng máy tính của nhà trường và của ngành; hình thành các phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý hiện đại; kết nối, chia sẻ thông tin giữa tất cả các thành viên tham gia vào hoạt động giáo dục-đào tạo của nhà trường và của ngành ở mọi lúc, mọi nơi.

Nhiều trường học đã có website riêng nhưng tính tương tác của hầu hết các website chưa cao, chủ yếu dừng lại ở mức website tĩnh. Khác với nó, mô hình trường học điện tử cho phép giáo viên, học sinh chủ động tham gia xây dựng nội dung. Tương ứng với mỗi lớp học thực tế, trên website nhà trường sẽ có một lớp học ảo để các giáo viên gửi thông tin, thông báo, các tài liệu bài giảng, hình ảnh hoạt động của lớp. Với lớp học trực tuyến, tính tương tác, hỏi đáp giữa HS với giáo viên, giữa HS với HS phải là yếu tố quan trọng; HS có thể học nhóm trên mạng, có diễn đàn để thảo luận, trao đổi…

Website chương trình quản lý toàn diện học sinh từ khi nhập học đến khi ra trường của Trường CĐ Công nghệ - Kinh doanh Việt Tiến đáp ứng những yêu cầu cơ bản như: truy cập thông tin học sinh (bao gồm cả hình ảnh); kết quả học tập từng môn học, từng học kỳ, từng năm học; in danh sách học sinh tốt nghiệp; in bảng điểm… Phụ huynh chỉ cần nắm được mã số học sinh là có thể kiểm tra, theo dõi được quá trình học tập của con em mình.

Ngoài ra, thông qua hệ thống email cũng cho phép nhà trường thực hiện việc lấy thông tin đánh giá phản hồi từ học sinh đối với chất lượng giảng dạy của thầy, cô giáo. Dữ liệu này được chương trình thống kê, phân tích theo các tiêu chí khác nhau, trở thành một nguồn thông tin quan trọng giúp nhà trường đánh giá được mức độ quan tâm của học sinh đối với từng môn học, chất lượng giảng dạy và ưu, nhược điểm của từng thầy, cô giáo. Hệ thống email nội bộ cũng giúp cho nhà trường quản lý học sinh trong quá trình đi thực tập tốt nghiệp.

Khoa Quản trị kinh doanh - Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) 4 năm qua đã đưa E-learning * vào chương trình đào tạo. Với mỗi môn học, ngoài việc học trên lớp, SV sẽ phải học thêm một số tiết qua mạng với chương trình E-learning. SV cũng thi lấy điểm quá trình bằng cách thi trắc nghiệm qua mạng. Đến ngày thi, các SV, bất kể đang ở đâu cũng phải lên mạng làm bài tập. Các tài liệu tham khảo, giáo trình, nội dung bài giảng đều được giảng viên đưa lên mạng để SV có thể kiểm định lại kiến thức đã lĩnh hội thông qua các bài tập trắc nghiệm.

Qua các diễn đàn trên trang web, SV có thể chia sẻ, trao đổi ý tưởng hoặc giải đáp thắc mắc với thầy, cô giáo hoặc các bạn học. Bởi vậy tất cả các SV đều hào hứng khi tham gia chương trình đào tạo trực tuyến. Với E-learning, tính tự giác và sự cam kết của người học có vai trò rất quan trọng. Nhiều SV, ngoài việc tìm thông tin và tài liệu trên trang web của khoa, còn tìm kiếm tài liệu ở những trang web khác tải về cho các bạn khác cùng tham khảo, góp phần làm giàu thêm cho trang web. Khả năng tương tác cao của trang web là điều kiện để có thể khai thác nguồn lực của cả người dạy và người học.

Đà Nẵng có hơn 8 năm ứng dụng CNTT vào công tác giáo dục. Đây là một hướng đi cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, việc trang bị các phần mềm dạy học, chuẩn hóa các tài liệu giảng dạy, học tập dạng số còn gặp nhiều khó khăn do chưa có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của các học liệu. Như chuẩn hóa nguồn thông tin, đồng bộ hóa các nguồn dữ liệu về quản lý, trách nhiệm xây dựng, cập nhật, phát triển và bảo vệ tài nguyên thông tin; vấn đề bản quyền tác giả đối với các phần mềm giáo dục; vấn đề bảo mật thông tin, an ninh mạng…

Thanh Thanh

(* E-learning là sự phân phát các nội dung học sử dụng các công cụ điện tử hiện đại; người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau qua mạng dưới các hình thức như: e-mail, thảo luận trực tuyến , diễn đàn, hội thảo video…).

AnhNgoc Đoan/ gduc 1,2: Với mô hình trường học điện tử, khả năng tương tác giữa HS – SV và GV sẽ rất cao, hỗ trợ hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng dạy - học. (Ảnh: Ngọc Đoan)

;
.
.
.
.
.