Có người xem văn học dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn chưa nhập vào dòng chính thống. Lại có người khẳng định văn học thiểu số từ lâu đã nằm trong quỹ đạo chung của nền văn học Việt Nam. Trước những quan điểm khác nhau về vị trí và thực trạng phát triển của bộ phận văn học này, nhà thơ (NT) Y Phương và NT Inrasara - những người trong cuộc, đã chia sẻ với chúng tôi nhiều ý kiến sâu sắc.
* Trước đây vài năm, người ta cho rằng, văn học DTTS đang bị già đi về đội ngũ và cảm hứng sáng tạo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
NT Y Phương: Văn học Việt Nam cũng trong tình trạng như thế. Độ tuổi trung bình của nhà văn đang bị già đi là có thật. Nhưng những tài năng trẻ vẫn tiếp tục xuất hiện. Việc đáng quan tâm là họ không mấy mặn mà phấn đấu để trở thành những nhà văn chuyên nghiệp mà thôi.
NT Inrasara: Đó là họ chưa có cái nhìn toàn cảnh. Ở các tỉnh phía Bắc, dù rải rác vẫn xuất hiện vài khuôn mặt đáng kể, nhưng đề tài và cách thể hiện của phần lớn tác giả chưa rời khỏi lối viết cũ. Với các tỉnh phía Nam, xuất hiện có nhiều cây bút triển vọng: Hoàng Thanh Hương, Trà Vigia, Jalau Anưk, Tuệ Nguyên. Một thế hệ trẻ, có người vừa mới bước qua tuổi hai mươi. Là các khuôn mặt hoàn toàn mới, mang cảm thức mới, có lối viết rất khác và cả cách xuất hiện cũng khác nữa.
* Theo sự quan sát của ông, đội ngũ những nhà văn, NT trẻ người DTTS, có gì nổi bật?
NT Y Phương: Không nên sốt ruột về họ. Cứ bình tĩnh để các cây bút trẻ thử nghiệm.
NT Inrasara: “Đội ngũ” thì chưa có gì nổi bật cả, nhưng cá nhân thì có. Trà Vigia, Jalau Anưk càng viết càng hay, Tuệ Nguyên vừa có tập thơ Những giấc mơ đa chiều vừa lọt vào chung khảo của Giải thưởng thơ Bách Việt năm nay.
* Ông đánh giá ra sao về thực trạng văn học DTTS đương đại?
NT Y Phương: Văn học đương đại Việt Nam có những đóng góp rất quan trọng của lực lượng nhà văn DTTS. Nhưng hình như có vấn đề nhìn nhận thiếu công bằng...
NT Inrasara: Dẫu văn học DTTS luôn mạnh về thơ, nhưng thể loại này mấy năm gần đây đang ở thế dậm chân, ngoài vài tên tuổi vừa kể. Văn xuôi có vài biến chuyển tích cực hơn với tác phẩm dài hơi như Đàn trời của Cao Duy Sơn, tập truyện ngắn của Niê Thanh Mai hay Bùi Như Lan.
* Tôi thấy không ít nhà thơ người DTTS chỉ thuần sáng tác bằng tiếng Việt, ít chú ý đến tiếng mẹ đẻ, điều này được gì và mất gì?
NT Y Phương: Sáng tác văn học bằng thứ tiếng gì không quan trọng. Nhà văn người thiểu số nói đúng tiếng lòng mình theo cách nhìn của dân tộc mình là được. Tác phẩm sẽ mang đến người đọc bất kể dân tộc gì cũng thấy bóng dáng của mình trong đó. Đấy mới là điều đáng nói.
NT Inrasara: Suy nghĩ bằng ngôn ngữ phổ thông, họ viết sẽ nhuyễn hơn, ít khó nhọc hơn dù lắm lúc họ rơi vào lối viết cũ mòn tai hại. Được nữa là tác phẩm được đọc rộng rãi hơn, nếu nó có phẩm chất nghệ thuật nhất định. Nhưng cái mất chính là ngôn ngữ dân tộc ngày càng rụng rơi, mất mát và nhất là không còn ai canh giữ. Trong lúc chính nhà thơ dân tộc từ bỏ tiếng dân tộc mình thì làm sao độc giả dân tộc có cơ hội đào luyện tiếng mẹ đẻ?
* Thưa ông, có chuyện các nhà thơ người DTTS chưa mặn mà với tiếng mẹ đẻ và người DTTS thì không hào hứng đọc văn bằng tiếng của dân tộc mình không?
NT Y Phương: Chúng tôi vô cùng đau lòng khi phải dùng ngôn ngữ dân tộc khác trong giao tiếp và trong sáng tác văn chương. Muốn viết và đọc bằng tiếng mẹ đẻ lắm, nhưng ai sẽ là người xuất bản, ai sẽ là người phát hành, ai sẽ là người mua nó. Ngoại trừ những người cùng dân tộc. Nhưng chúng ta đều là người Việt Nam. Ai cũng có quyền sử dụng tiếng Việt.
NT Inrasara: Đó là điều có thực!
* Tại sao các nhà văn DTTS chưa sáng tác được các tác phẩm lớn?
NT Y Phương: Ai nói với bạn “các nhà văn DTTS chưa có tác phẩm lớn” là người ấy phải tự hỏi lại mình. Nói rộng ra, những nhà văn người Kinh đã có tác phẩm lớn chưa?
NT Inrasara: Có mấy nguyên nhân chính: Ít tiếp cận với cái mới, nên cứ viết theo lối cũ; Thiếu sự dũng cảm, dấn thấn cần thiết để dám đề cập đến các vấn đề trọng yếu của cộng đồng, hiểu cuộc sống thực của dân tộc; Nhà văn chưa biết/ dám tư duy độc lập; Vấn đề tài năng và sự đam mê nghề nghiệp.
* Có ý kiến cho rằng: Ở Việt Nam, mảng văn học DTTS vẫn còn nằm bên lề hoặc chưa được nhiều người nhiệt tình hoan nghênh. Ông chia sẻ với ý kiến đó chứ?
NT Y Phương: Trong rất nhiều văn bản có tính chất tổng kết sáng tác văn học, chưa thấy ai nói một câu về văn học DTTS, kể cả nêu những mặt còn yếu kém, như thể không coi mảng văn học này tồn tại. Nhiều người khác có chia sẻ hay không là tôi chưa biết. Người DTTS họ kín đáo lắm.
NT Irasara: Việc phân chia vô hình như thế tồn tại ở nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì văn học. Nhưng thiết nghĩ nhà văn DTTS nỗ lực làm việc đi, nếu sau đó còn có sự phân biệt đối xử thì hẳn đáng trách.
* Các cơ quan báo chí, và các hội nghề nghiệp đã làm được gì để thúc đẩy sự phát triển của văn học DTTS nói chung và thơ DTTS nói riêng?
NT Y Phương: Các nhà quản lý hội nghề nghiệp hiện nay ít chú ý đến văn học và đội ngũ nhà văn DTTS. Những nhà quản lý tiền bối, họ rất quan tâm và tôn trọng chúng tôi. Nay họ đã mang theo những tình cảm thiêng liêng đó về đất rồi.
NT Inrasara: Cơ quan báo chí, có. Hội đoàn, không thiếu. Nhưng tổ chức đó đã làm như thế nào và làm được gì, mới là câu hỏi cốt tủy. Tạp chí Văn hóa dân tộc vẫn cứ làm phong trào, đăc san Văn nghệ dân tộc đã chết. Nghĩa là – chưa có gì mang tính đột phá cả. Hội Văn học – nghệ thuật các DTTS Việt Nam vẫn hoạt động, nhưng đâu là Tuyển tập thơ để có thể nhận diện khuôn mặt thơ DTTS mươi năm qua?
* Theo ông, những người viết trẻ cần làm gì để khẳng định chỗ đứng của văn học DTTS trong những năm tới?
NT Y Phương: Tôi đâu có thể khuyên họ được điều gì. Họ trẻ, học hành nhiều, hiểu biết rộng, ngoại ngữ giỏi, năng động và nhạy bén... Tôi chỉ học ở họ chứ sao có thể làm ngược lại được.
NT Inrasara: Yêu ngôn ngữ dân tộc, vậy thôi. Và say mê văn chương nữa. Còn sau đó họ sẽ làm gì, tự nhà văn khắc biết, chứ không ai có thể dạy họ phải viết thế nào cả.
HÀ THANH VÂN - Viện Văn học Việt Nam(Thực hiện)