.

Buổi trưa

.

Tiếng đập cửa ầm ầm phía trước nhà cùng với cái giọng chát chúa của Nhơn đã đánh thức tôi dậy. Giấc ngủ đành bỏ dở. Uổng thật! Tôi chạy vội xuống cầu thang. Đôi chân trần giẫm trên nền gạch, lạnh buốt. Vừa chạy tôi vừa rủa thầm. Rủa thầm cho căn nhà rộng rãi quá nhiều phòng của mình. Rủa thầm cho dãy hành lang dài dằng dặc và rủa thầm cho nó: Cái con khỉ Nhơn. Sao nó không chịu đập cửa khẽ hơn nhỉ? Sao cái miệng nó cứ phải bai bải, bai bải như thế cơ chứ! Đúng là một con người không biết phép lịch sự là gì. Đang giấc ngủ ngon của người ta…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi mang một bộ mặt bực bội ra đón Nhơn. Và nó cũng mang một cái bản mặt khó chịu không kém, khi bước vào. Vừa ngồi phịch xuống ghế, Nhơn đã với tay mở cái quạt bàn đặt cạnh. Tôi đem ra cho nó chai nước khoáng và ly đá. Nó uống ừng ực như chết khát tự bao giờ trong khi trời rất lạnh. Cứ im lìm uống, lạnh lùng uống. Tôi co cả hai chân lên ghế, thấy dễ chịu hơn và tiếc rẻ quá cho giấc trưa nhiều ấm áp của mình. Trời thế này cơm nước xong, lên giường quấn mền là thú nhất. Không hiểu sao Nhơn lại đến tôi vào lúc này. Tôi thắc mắc và hỏi. Nhơn đáp lừng khừng:

- Bộ đến không được sao? Còn biết đến ai nữa!

- Lại có chuyện với lão Phương à? Hay mấy đứa con mày?

- Kiếm cái gì uống đi. Tao đang thích.

- Phải đấy! Nhà có rượu thuốc, rượu nho. Nướng mấy con cá chỉ vàng nhé?

- Ừ!

Tôi loay hoay ở bếp với ba việc vặt: Nướng dăm con cá, rửa gọt vài trái ổi, giã một chén muối ớt thật cay và sớt rượu trong bình ra cái chai nhỏ. Vừa làm tôi vừa nghĩ ngợi lan man. Nhơn là đứa bạn chơi với tôi từ thủa còn đi học. Xong phổ thông tôi đi tiếp đại học. Nó ở nhà. Giải phóng hai đứa cùng gặp nhau ở một lớp cấp tốc sư phạm và dạy gần bởi đó tình bạn của chúng tôi ngày một thân thiết, dù sau này bận bịu nhiều cũng ít có thời gian dành cho nhau. Thỉnh thoảng Nhơn đến tôi và bao giờ cũng bởi một cái gì đó. Cần giãi bày, tâm sự hoặc hỏi han. Và trưa này…

Tôi rót rượu ra hai cái ly có chân. Màu rượu nho sóng sánh đỏ tươi nom đẹp lạ. Tôi uống được rượu mạnh nên thường pha thêm chút rượu trắng vào bình nho ở nhà cho đỡ ngọt. Các con tôi phải để nguyên vậy và luôn uống với đá. Nho ở đây rẻ. Tôi hay mua nho rụng về làm. Giá cả, không đáng kể mà công sá, cũng chẳng có gì. Các con tôi ưa cái thứ nước giải khát này lắm mà tôi cũng ưng có, để lai rai với mấy bà bạn… cao tuổi. Mẹ con tôi có bình rượu nho và chồng tôi có bình rượu thuốc. Ai đến nhà cũng thấy hay hay. Chiều tối nào ở nhà tôi cũng có “độ”. Mấy ông bạn của chồng tôi cũng dễ tính. Dân văn nghệ sĩ cả mà. Cốt yếu là sum vầy vui vẻ với nhau. Rượu đã sẵn và mồi… tùy nghi. Và cứ thế, ngồi với nhau, đôi khi muốn hết cả đêm. Cũng chả say sưa gì. Rượu, những khi ấy, như một người dẫn chuyện đậm duyên và nhiều cuốn hút.

Uống với nhau mấy ly, Nhơn chê rượu ngọt, chẳng thấy gì và đòi đổi. Tôi lấy chai rượu thuốc của ông xã và tôi ly đỏ, nó ly nâu. Cứ vậy, tì tì… Tôi chờ Nhơn nói mà nó vẫn lầm lì. Đôi lúc, giữa chừng những hớp rượu, Nhơn ngửa mặt ra sau và khép mắt. Tôi nhìn kỹ bạn mình và thấy xót xa. Nhơn già nhiều vài năm nay. Đôi mắt, khóe miệng đầy những vết chân chim. Khác với các bạn tôi, trên tuổi bốn mươi bỗng dưng đỏ au và mập phì. Nhơn ngày một xanh xao, ốm yếu. Có hỏi, nó cũng chỉ cười, miệng méo xệch. Cuộc sống của Nhơn, vốn đã có bao điều để mà muộn phiền. Lấy Phương, hẳn, đã là chuyện “chẳng đặng đừng”. Một cuộc hôn nhân có khởi đầu như thế thì còn ra cái thể thống gì! Thằng cu Tí của nó đã được mười mấy tuổi, mà mỗi lần gặp cái cảm giác gai ốc, cứ gờn gợn nơi sống lưng tôi và câu hỏi này vẫn luôn ám ảnh: “Nếu như ngày ấy tôi không lôi nó từ phòng phụ sản về nhà, lúc Nhơn đang chờ đến lượt mình thì thằng cu Tí, thì mọi việc sẽ ra sao cơ chứ! Sẽ tốt hơn hay sẽ xấu hơn?”.
 
Tất nhiên là Nhơn sẽ không làm vợ Phương và chịu đựng một đời sống lứa đôi tồi tệ như thế này. Đó cũng là điều khiến tôi luôn phải nghĩ ngợi nhưng hoàn toàn không hối tiếc. Nếu ngay lúc này đây, mọi việc cứ diễn biến như vậy, tôi vẫn cứ thế mà làm. Không khác được. Có những người bạn biết chuyện đã khuyên Nhơn ly dị. Còn tôi thì không. Ngay cả khi Nhơn buột miệng hỏi ý kiến tôi về việc này. Tôi cứ để cho mọi việc trôi xuôi. Để mặc cho Nhơn vất vưởng. Để luôn mong ngóng Nhơn tới, dẫu là vào những giờ giấc thật khó chịu - những buổi trưa giữa chừng một giấc ngủ ngon - để uống với nhau vài chai bia vào mùa hè, dăm ly rượu vào mùa đông. Nói chuyện lào khào hay trầm trọng, về tất cả. Hoặc ngồi bên nhau, im lặng, từ giờ này đến giờ khác. Những buổi trưa Nhơn đã đùng đùng tới, lầm lì ngồi và không chừng lại tất tưởi đi.

Thủa con gái của chúng tôi đã từng có với nhau những buổi trưa đầy kỷ niệm và ngẫu hứng. Có khi là hai đứa hai chiếc xe đạp, cứ thế mà tà tà hết con đường này đến con đường khác, khắp cùng thành phố, giữa cái nắng như hai mụ điên. Có thể là một cái quán bán bánh xèo vỏ ở ngoài đường lộ (lúc còn đi dạy ở ngoài quê). Trời mùa đông, hai đứa ngồi thu lu ở ngay bếp, chờ bà hàng đúc cho từng cặp một và giành nhau để được ăn trước. Cái bánh xèo vỏ miền Trung ăn với mắm đục (loại mắm này phải đựng trong “tỉn” mới là đúng kiểu) sao mà ngon đến thế không biết. Tôi và Nhơn đã ăn bánh xèo vỏ ở nhiều nơi nhưng chẳng nơi nào ngon bằng. Mỗi lần đến mùa đông vào những buổi trưa có nhau, hai đứa đều nhắc. Nhắc để cho cả đôi con mắt cùng mở to, hau háu. Cái miệng thì đã muốn tiết nước miếng, thòm thèm. Và những buổi trưa cứ như được ứ đầy, chan chứa biết bao là dầu phộng và thơm quá. Thơm lừng hương vị bánh xèo.

Đó là những buổi trưa mùa đông. Những buổi trưa xa nhà, xa phố, xa biển. Những buổi trưa mùa hạ ở đây, chúng tôi thích kéo nhau xuống bãi, kiếm một gốc cây tỏa bóng mát và nằm vùi trên cát. Gió mát dìu dịu, giấc ngủ kéo đến thiu thiu, những câu chuyện đứt đoạn nửa vời, giữa chừng giấc ngủ “lơ tơ mơ” - Nhơn hay nói vậy - sao mà thích thú đến thế! Sóng vỗ bờ nghe đến cồn cào. Nhìn ra xa, ngát xanh một màu nước đẹp. Biển lặng như hồ, giữa trưa hạ ngất ngây. Cả Nhơn và tôi đều thích nhạc hòa tấu và tất nhiên mê P. Mauriat.

Có một cái quán xập xệ thôi. Ở một khúc hơi xa của thành phố, đối diện với một phi trường bỏ hoang đã lâu, có rất nhiều đĩa của của P. và những buổi trưa trời mưa, tôi và Nhơn hay ghé lại. Thật lạ kỳ! Mưa làm người ta thích trở về tổ ấm của mình. Còn hai đứa tôi? Mưa làm nôn nao. Mưa bắt đi. Mưa bắt phải ra đường. Hai đứa cười vang trời giữa cơn mưa ầm ào, sướng vui khi lội qua vũng nước đọng, khi băng qua những đoạn đường lầy lội, giữa thành phố buổi trưa mưa, vắng hoe. Quán cũng vắng hoe, khi hai đứa bước vào, xuýt xoa vì lạnh.
 
Những khúc nhạc của P. Mauriat vào những buổi trưa ấy, sao mà hay đến vậy? Phải, chỉ ở đấy! Ở một cái quán xập xệ gần khúc cua đối diện phi trường. Phải, chỉ lúc mưa và đúng vào buổi trưa. Chỉ ngồi với Nhơn. Chỉ với mình nó thì những khúc nhạc của P. Mauriat mới đích thực là của P. Mauriat. Và những khúc nhạc ấy đã rải đều lên hết một thời thanh xuân của chúng tôi. Một thời con gái mơ mộng ngút trời mây, ăn hàng vô tội vạ, rong chơi không bến bờ… với biết bao đắm mê. Một thời người ta còn rất trẻ. Một thời không rượu chẳng bia vẫn lắm khi… ngất ngưởng. Những ngất ngưởng hồn nhiên nhờ vào những buổi trưa diệu kỳ như thế!

Nhơn đòi nghe nhạc. Tôi nói: “P. Mauriat chứ?”, Nhơn: “Ừ!”. Tôi nhắc trời mưa và hai đứa bỗng buồn thiu, lòng rưng rức với bao hoài niệm ngổn ngang. Nhơn nhắc đến cái quán và bảo hôm nào ghé. Có nhiều địa chỉ, nơi chốn… tôi và Nhơn ngỡ đã bẵng quên. Ngỡ vậy thôi! Chỉ cần một khúc nhạc là đã đủ để nhớ lại nhưng trở về, ghé đến chắc là phải rất lâu hoặc không bao giờ. Dù tất cả những nơi chốn ấy cũng chỉ quanh quẩn ở đây, ngay thành phố này.

Dòng đời cuốn đi. Cuốn đi từ những buổi trưa xanh đẹp, ngọt ngào và đầy ngẫu hứng thời con gái. Sao chưa thấy dòng đời lôi về? Chỉ thấy dòng đời kéo xếch Nhơn đến với tôi, vào những buổi trưa. Những buổi trưa Nhơn sao mà mỏi mệt và tôi thì ngái ngủ và lười lĩnh quá chừng. Những háo hức đi đâu? Những háo hức ngày xưa ấy mà. Những háo hức khiến nắng vẫn ưa, khiến mưa vẫn thích. Cho những buổi trưa thiên hạ đóng cửa thì hai đứa ra đường.

Tôi bỗng thèm ngửi lại, rất thoảng, một chút hương cà-phê. Tôi ra sau nhà để pha và khi quay lại đã thấy Nhơn lúi húi mở công tắc xe. Cái túi khoác lệch một bên vai. Cái dáng nó dắt xe xuống lòng đường sao mà hiu hắt. Sao không chịu nổ máy, phóng xe ngay lại dắt chi cho cực? Hẳn Nhơn còn muốn nhẩn nha chút đỉnh với buổi trưa còn sót lại? Buổi trưa chưa qua hết cho tôi ngồi lại một mình, nhâm nhi ly cà phê, được ủ nóng giữa hai tay ôm và hương thơm sực nức mũi. Và hương thơm…

Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ

;
.
.
.
.
.