Trong buổi làm việc với Đảng ủy khối Doanh nghiệp vừa qua, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã nói: Kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là nhằm xây dựng một nếp văn hóa trong tiêu dùng. Nói đến văn hóa, người ta nghĩ ngay đến tinh hoa trong đạo đức, lối sống, làm việc, hưởng thụ của con người đã tích tụ qua nhiều thế hệ, trở thành những chuẩn mực để noi theo. Từ chuyện này, nghĩ tới nhiều điều…
Người Việt Nam (cũng có thể do nghèo nhưng cũng không hẳn vì nghèo) có đức tính quý là trọng thực chất “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, luôn trân trọng sản phẩm lao động dù đấy là râu tôm, là ruột bầu, nắm rau tập tàng, niêu cơm tấm cũng tìm được cái ngon, cái thú vị trong những món ăn dân dã đó. Người Việt Nam cũng có truyền thống tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm, còn tận dụng được là còn dùng, không bỏ thừa, bỏ phí, không mua sắm những thứ chưa thật cần thiết. Việc mua bán cũng mang trong nó truyền thống nhân ái, mua cho mình nhưng đồng thời mua cũng là giúp đỡ người bán chạy hàng, bán cho mình nhưng cũng là giúp người mua có được hàng tốt giá rẻ. Người Việt Nam tự hào về hàng Việt Nam, dùng hàng Việt Nam, coi đó là một biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc.
Nhưng cái nếp mua bán chi tiêu đó, có thể nói là cái thuần phong mỹ tục đó có xu thế ngày càng mai một. Không biết từ bao giờ, một thị hiếu tiêu dùng rất xa lạ đã thâm nhập vào đời sống xã hội, đó là quan niệm “sang” rất lạ lùng: hàng ngoại mới sang, hàng đắt tiền mới sang, tiêu pha thừa mứa mới sang; hơn người, khác người mới sang… Và trong cuộc chạy đua tới cái “sang” đó, người ta tiêu xài hoang phí, người ta chạy theo những mốt rởm, người ta rẻ rúng, chê bai hàng sản xuất trong nước. Từ thị hiếu sai lệch của người tiêu dùng, đi đến sự sai lệch trong sản xuất kinh doanh, người ta bỏ quên thị trường 86 triệu người trong nước để chiều theo nhu cầu của thị trường ngoài nước, từ đó để mất thị trường trong nước cho các nhà sản xuất nước ngoài.
Ở Việt Nam hiện nay, thực phẩm và hàng tiêu dùng rẻ tiền thiết yếu như quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em… từ hang cùng ngõ hẻm, đâu cũng gặp hàng Trung Quốc. Hàng điện tử, ô-tô, xe máy, đồ dùng gia đình, đâu đâu cũng gặp hàng Nhật Bản. Phim ảnh, truyện tranh, tiểu thuyết đâu đâu cũng gặp Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Hàng Việt Nam, trừ một số loại như bia, xi-măng, phân bón ra, đa phần còn lại đều ế ẩm hoặc chịu hận đàn em với hàng ngoại. Còn cách tiêu dùng, có thể nói người Việt Nam tuy nước còn nghèo nhưng thuộc loại lãng phí nhất thế giới. Chỉ cần nhìn vào những bàn tiệc bỏ thừa ở các nhà hàng sẽ rõ.
Không phải lần đầu phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam được phát động. Cách đây gần 100 năm rồi 70 năm, những phong trào như thế đã làm chấn động Hà Nội và nhiều nơi trong nước. Người dân lúc đó vì ý thức dân tộc đã đồng lòng dùng hàng Việt Nam, đi tàu thủy Việt Nam, ăn thực phẩm Việt Nam. Nhưng vì sức sản xuất của nền kinh tế bản địa khi ấy còn thấp, hàng Việt Nam còn thiếu, còn đắt, còn chưa tốt nên những cuộc vận động như thế dần dần rơi vào chìm lắng. Bây giờ đã khác, chính quyền của người Việt Nam, bảo vệ hàng Việt Nam; các cơ sở sản xuất của ta cũng đủ mạnh để chất lượng nhiều mặt hàng không thua kém nước ngoài, lấy thí dụ như gạo, tiêu, cà-phê, cao su, tôm, cá, quần áo may sẵn, giày dép, xi-măng, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh. Bởi thế, ưu tiên dùng hàng Việt Nam tức là không bắt buộc, chỉ kêu gọi nếu chất lượng, giá cả hàng nội và hàng ngoại tương đương thì hãy ưu tiên dùng hàng nội. Khác ngày trước là vậy.
Cũng khác ngày trước, cuộc vận động này trước hết là thay đổi một tư duy tiêu dùng, xây dựng một nếp văn hóa mới trong tiêu dùng. Bởi vì trong đời sống hằng ngày, không chỉ khách hàng của các doanh nghiệp mới thờ ơ với hàng nội, chuộng hàng ngoại mà chính những doanh nhân cũng coi thường, không dùng hàng do chính mình sản xuất ra.
Hãy nhìn vào quần áo, đồ dùng trên người, phương tiện đi lại, đồ dùng trong nhà của một doanh nhân Việt sẽ biết họ trọng hàng nội hay ngoại. Và một khi ngay người sản xuất cũng không quý trọng, không tự hào, không muốn dùng hàng của mình làm ra thì làm sao họ có thể đổ trí tuệ, mồ hôi để hàng đó có chất lượng, giá rẻ được. Phải thay đổi cách nghĩ về hàng Việt Nam từ chính các doanh nhân, có lẽ một trong những cái gốc của phong trào là ở đó.
Thanh Bình