Ở đô thị, người nghèo đôi khi rất dễ rớt xuống “chuẩn” nghèo của địa phương do họ không có một nghề ổn định, không đất sản xuất, do bệnh tật và đôi khi do thiên tai... Đà Nẵng đã lập danh sách “những hộ đặc biệt nghèo” để có hướng hỗ trợ tích cực, xác định việc trao “cần câu” hay “con cá” sẽ có hiệu quả hơn trong việc xóa hộ nghèo. Nhưng xem ra công việc này cần có thời gian...
“Dính chùm” nghèo
Gia đình anh Đặng Văn Mỹ “dính chùm” với nhau trong nghèo khó. |
Trước đây anh Mỹ làm nghề lái xe, nhưng rồi bị tai nạn, anh bỏ nghề, không đủ sức khỏe để làm một nghề ổn định. Chị Đặng Thị Lợi, con gái bà cũng cất căn nhà tạm sống bên cạnh. Chị bị đụng xe gần 3 tháng trước, vẫn chưa được thanh toán tiền bảo hiểm. Số tiền 8 triệu đồng vay nợ để mổ chân vẫn còn treo lơ lửng.
Ba mẹ con, ba căn nhà tạm mới được lợp lại mái tôn sau trận cuồng phong của cơn bão số 9. Ba gia đình đều là hộ nghèo, sống “dính chùm” vào nhau. Nhìn trước, ngó sau vẫn chưa thấy một tương lai tươi sáng để có thể tự mình thoát nghèo, khi có mỗi chị La được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, anh Mỹ, chị Lợi đều trở thành “phế nhân” sau những vụ tai nạn giao thông.
Bà Trương Thị Thanh, cán bộ xóa đói giảm nghèo phường Thanh Khê Đông cho rằng, với những hộ thiếu vốn nhưng có sức lao động, thì việc dần dần xóa nghèo còn có cơ hội. Nhưng với “chùm” hộ nghèo này, phường đã nghĩ rất nhiều cách nhưng vẫn chưa biết “gỡ” như thế nào. Trong số 37 hộ “đặc biệt nghèo” của phường, còn có 463 hộ nghèo khác.
Trao “cần câu” hay “con cá”?
Không “dính chùm”, nhưng có một thực tế là khi nhiều hộ nghèo ở cạnh nhau, mà chưa có hộ thoát nghèo, thì không có chuyện nhìn nhau để cố gắng vươn lên. Phường Thọ Quang trước đây có khoảng 300 hộ nghèo, nhưng giờ con số này đã lên đến 561 hộ, bởi nhiều hộ nghèo ở phường Mân Thái chuyển về trong quá trình giải tỏa, tái định cư. Họ sống tập trung ở Khu chung cư đầu tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc và nhiều khu dân cư mới, nghề chủ yếu là đi bạn cho các tàu đánh cá, hoặc đánh bắt ven bờ, làm “thợ đụng” tức đụng gì làm đó, sống qua ngày và rất ít có điều kiện để vươn lên.
Ông Văn Bá Tùng, 47 tuổi, ở tổ 13, phường Thọ Quang đã lo lắng rất nhiều khi 5 năm qua ông mắc bệnh thận, hằng tháng 8 lần chạy thận miễn phí nhờ có thẻ Bảo hiểm y tế dành cho người nghèo. Nhưng nay nghe Luật Bảo hiểm mới yêu cầu những người như ông đóng 5% bệnh phí, ông không dám nghĩ đến chuyện mỗi tháng có được 400.000 đồng chữa bệnh.
Vợ ông làm công nhân ở một công ty vệ sinh, lương mỗi tháng chưa được 1 triệu đồng, chi cho 4 miệng ăn còn chưa đủ, làm sao nghĩ đến chuyện khác. Được cái cậu con trai lớn của ông học lớp 9 nhiều năm là học sinh giỏi. Ông nói nghẹn ngào: “Tui mong thằng lớn sau này sẽ giúp má nó nuôi em ăn học, vực cái nhà này lên. Chứ trước đây tui mạnh khỏe, chạy xe thồ, làm được lắm. Tổ dân phố đưa gia đình tui vô diện hộ nghèo, tui chối đây đẩy, không chịu, vì tui có sức để thoát nghèo. Giờ thì không phải là nghèo nữa mà là đặc biệt nghèo”.
Giải được bài toán hộ nghèo như ông Tùng hiện nay, phải chờ thêm vài năm nữa. Hầu hết những hộ nghèo đều không có kiến thức, sức khỏe, nghề nghiệp không ổn định, chủ yếu là lao động phổ thông, công việc đôi khi phụ thuộc vào thời tiết... Tại phường Thanh Khê Đông, các cán bộ phường đều nhận xét là có nhiều doanh nghiệp muốn hỗ trợ địa phương bằng cách về tuyển dụng công nhân, sẽ cấp kinh phí học nghề, thử việc cho thanh niên trong độ tuổi lao động, làm những nghề như may mặc, gò hàn.
Nhưng khi phường dán thông báo, đi khảo sát từng hộ gia đình thì rất ít người có nhu cầu học nghề và việc làm ổn định. Đây là một thực tế mà nhiều địa phương, nhiều đô thị đang gặp phải, khi hầu hết những người có việc làm không ổn định đều rơi vào hộ nghèo, hay cận nghèo, nhưng không nghĩ rằng một công việc ổn định mới là cơ hội cho họ thoát nghèo.
Ông Nguyễn Đình Vương, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang trăn trở: khi các hộ nghèo ở cạnh nhau, có thể hoàn cảnh kìm hãm nỗ lực của mỗi cá nhân, hộ gia đình, khiến cho chuyện thoát nghèo, rồi trở nên khấm khá vẫn còn là chuyện khó. Người nghèo bị kìm hãm trong cái ao tù túng, chấp nhận an phận, một phần bởi trình độ thấp, không có tay nghề, thậm chí không có ước mơ... Nhưng khi địa phương trao điều kiện, người nghèo không dám nhận. Chuyện an phận này có lẽ gắn với ý thức, trách nhiệm đối với bản thân mỗi người. Vậy những nỗ lực của địa phương để đưa họ thoát nghèo liệu có thực sự đem lại hiệu quả?
Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông cho rằng, khi xác định nhóm hộ diện “đặc biệt nghèo”, phường đã phân chia từng nhóm đối tượng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ để xác định họ cần được trợ cấp thường xuyên hay cần được hỗ trợ vay vốn làm ăn.
Nhưng với những hộ chỉ thuộc diện nghèo, được hưởng các ưu đãi xã hội (thẻ bảo hiểm y tế, con cái được miễn giảm học phí khi đi học) có một thực tế là khi bình xét đưa ra khỏi diện nghèo, nhiều hộ không muốn... ra khỏi danh sách hộ nghèo để tiếp tục hưởng ưu đãi. Do vậy, cần nghiên cứu phương thức hỗ trợ người nghèo. Hỗ trợ theo kiểu “cần câu” hay “con cá” khi lâu nay “cá” được cho nhiều hơn, khiến người nghèo đôi khi ỷ lại chính sách của Nhà nước. “Cần câu” mới được xem là biện pháp có tính bền vững, lâu dài. Điều này không phải một sớm một chiều là làm được...
Hoàng Nhung