Ngày 25-9 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã ký Quyết định số 7387/QĐ-UB về việc công nhận các trường mầm non (MN) đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, 12 trường được công nhận lại và 3 trường được công nhận mới. Để được “công nhận mới” hoặc “công nhận lại” đạt chuẩn quốc gia, các trường phải qua một lộ trình phấn đấu bền bỉ và liên tục.
Gian nan trường chuẩn quốc gia vùng nông thôn
Đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ toàn diện là một trong những tiêu chí của các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. |
Lâu nay, không ít người nghĩ rằng, ở nông thôn thì mở rộng diện tích trường bao nhiêu mà không được. Điều này xem ra không còn đúng với Hòa Vang thời kỳ đô thị hóa. Xã quá rộng, các trường MN ở Hòa Vang có tới 7-8 điểm trường lẻ ở các thôn, tuy diện tích được gộp chung toàn trường, nhưng không phải trường nào cũng đạt diện tích theo chuẩn quốc gia. Một số trường có địa điểm chính quá hẹp, nay muốn mở rộng phải đổi nơi khác. Bà Trang đơn cử như Trường MN Hòa Phước, kinh phí đầu tư xây dựng đã có rồi, nhưng đất thì chưa, địa điểm trường hiện tại lại chưa đủ chuẩn.
Trường MN Hòa Liên khởi động lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia từ năm 2006. Trường đang chờ Sở GD-ĐT thành phố về thẩm định lần cuối cùng thì bão số 9 tràn qua, tiêu chuẩn 4 của trường gần như trở về vạch xuất phát. Cô Hiệu trưởng Phan Thị Hồng ngậm ngùi: “Tất cả những gì để xây dựng trường học thân thiện đều bị hư hại hết. UBND huyện đang ưu tiên khắc phục trước 7/17 phòng học bị tốc mái hoàn toàn để có thể đón các cháu ra lớp trở lại. Chuyện đạt chuẩn quốc gia đành phải hẹn sang năm 2010”.
Sau tiêu chuẩn 4, điều lo lắng của các trường MN vùng nông thôn trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn quốc gia là tiêu chuẩn 3: Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Không như ở nội thành, đời sống người dân nông thôn, nhất là miền núi, hiện vẫn chưa hết khó khăn, tỷ lệ trẻ suy sinh dưỡng còn khá cao. Do đó, tỷ lệ trẻ kênh A phải đạt ít nhất 85% đối với trường đạt chuẩn quốc gia mức 1, 95% đối với trường đạt chuẩn quốc gia mức 2, là một thách thức đối với không ít trường MN nông thôn.
Hòa Tiến 1 là trường MN trọng điểm vùng nông thôn của Đà Nẵng, vừa được UBND huyện đầu tư trên 1,2 tỷ đồng xây thêm các phòng chức năng bảo đảm yêu cầu để xây dựng trường chuẩn quốc gia mức 2. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Anh chia sẻ:
“Năm học rồi, chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp chăm sóc trẻ như mời bác sĩ về khám sức khỏe toàn diện cho trẻ, nâng mức tiền ăn cho trẻ, riêng những cháu ở kênh B, C nhắc nhở phụ huynh bồi dưỡng và theo dõi sức khỏe cho cháu kết hợp với giáo viên chủ nhiệm của các nhóm lớp... Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ kênh A của trường vào cuối năm học chỉ mới đạt 92%. Để trường có thể đạt chuẩn quốc gia mức 2 vào năm 2010, nhà trường sẽ nỗ lực nhiều hơn, và mong rằng phụ huynh cũng sẽ chia sẻ với chúng tôi điều đó”.
Theo quy chế, trường MN đạt chuẩn quốc gia mức 1 phải bảo đảm 100% số giáo viên và nhân viên đạt trình độ chuẩn về đào tạo, trong đó có ít nhất 20% số giáo viên đạt trên chuẩn. Thế nhưng, thật khó tin được, theo số liệu tổng hợp của Phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang, tỷ lệ giáo viên MN đạt trên chuẩn hiện nay ở vùng nông thôn còn không ít khó khăn này lại đến những 73%! Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang giải thích:
Hòa Vang có nhiều giáo viên MN trẻ tự học để nâng cao trình độ, một số trường có giáo viên tốt nghiệp đại học chính quy hệ MN. Bên cạnh đó, phải kể đến quyết tâm của lãnh đạo huyện trong việc nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên phổ thông nói chung, giáo viên MN nói riêng.
Thực sự tâm huyết với nghề
Bà Lê Thị Lệ Yến, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng) cho biết, theo Quyết định 36 của Bộ, thời hạn công nhận trường MN đạt chuẩn quốc gia là 5 năm, kể từ ngày ký quyết định công nhận. Sau thời hạn đó, các trường MN phải tự đánh giá, làm hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để được kiểm tra và công nhận lại.
Trên tinh thần đó, Đà Nẵng có 12 trường MN được công nhận lại và 3 trường được công nhận mới theo quyết định ngày 25-9 vừa qua của UBND thành phố Đà Nẵng. Theo đó, nếu Đức Trí (Đà Nẵng) là trường MN tư thục đầu tiên trên cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia (mức 1) từ 5 năm trước, thì Hồng Nhung là trường MN tư thục đầu tiên nói riêng, trường MN đầu tiên nói chung ở Đà Nẵng được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 2 trong năm nay.
Trường MN đạt chuẩn quốc gia phải đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn: (1) Tổ chức và quản lý; (2) Đội ngũ giáo viên và nhân viên; (3) Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; (4) Quy mô trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị; (5) Thực hiện xã hội hóa giáo dục. Trường MN đạt chuẩn quốc gia được chia làm 2 mức độ, căn cứ vào các tiêu chuẩn đạt được của trường. Mức độ 2 cao hơn mức độ 1 ở một số tiêu chí. Theo Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT |
Điều gì thôi thúc trường MN tư thục đã đạt chuẩn quốc gia mức 2 này tiếp tục tiến về phía trước? “Mở trường MN tư thục cũng là một hình thức kinh doanh, nhưng kinh doanh không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Có vài chục tỷ đồng, mở tài khoản ngân hàng có lợi hơn, nhưng mở trường MN đạt chuẩn quốc gia để được phụ huynh tin tưởng, trẻ con yêu mến, theo tôi, là một niềm hạnh phúc” – cô Nguyệt bộc bạch.
Đà Nẵng hiện có 118 trường MN, trong đó nhỉnh hơn một nửa là trường tư thục. Bàn về hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, có lẽ không nên cụ thể là trường công lập hay tư thục, đã đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn. Cái cần là tấm lòng thật sự tâm huyết với nghề, đó mới chính là cái chuẩn của những người đi nuôi dạy trẻ.
VĂN THÀNH LÊ