.

Chung tay vượt bão

Khi tờ báo này đến tay bạn thì gió đã lặng nhưng khắp dải đất miền Trung, trong đó có thành phố Đà Nẵng chúng ta, dấu tích của cơn bão số 9 (Ketsana) vẫn còn hiện rõ: nhà sập, nhà tốc mái, cây cối đổ rạp, đồng ruộng ngập nước, đường giao thông tắc nghẽn trong khi nước sông đang tiếp tục dâng cao.
 
Cơn bão số 9 năm nay có hướng đi, tốc độ và mức độ tàn phá tương tự như cơn bão số 6 (Xangsane) hồi tháng 10-2006. Trước khi vào Việt Nam, bão số 9 đã tràn qua Manila, thủ đô Philippines gây mưa lớn trên 415mm, chỉ trong một đêm nhấn chìm hàng nghìn nhà dân, làm chết 174 người, khiến thành phố lâm vào hoảng loạn, Tổng thống Philippines phải kêu gọi thế giới hỗ trợ quốc đảo này vượt qua thiên tai.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão Xangsane (thiệt hại do mưa lũ sau bão lớn hơn cả sức tàn phá của gió bão) từng khiến cho 71 người chết (Đà Nẵng 26 người, Quảng Nam 15 người…), 19.736 ngôi nhà sập đổ, hàng chục nghìn hécta lúa và hoa màu bị hư hại, và rút kinh nghiệm từ cơn bão Chanchu (tuy xa bờ nhưng đã làm đắm nhiều tàu thuyền) làm chết hơn 200 người, việc phòng chống, hạn chế thiệt hại của cơn bão số 9 năm nay đã được triển khai sớm và khẩn trương. Ngay từ khi bão còn trên đất liền Philippines, các cơ quan khí tượng, thủy văn, phòng chống lụt bão và cứu nạn, các đài phát thanh, truyền hình đã theo sát diễn biến của bão và thông báo kịp thời cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện đến các địa phương có bão, thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương chống bão, cử một Phó Thủ tướng trực tiếp đi chống bão lũ. Các lực lượng bộ đội, các ngành, các địa phương, nhất là các tỉnh ven biển miền Trung đã gia cố đê kè, hồ nước; kêu gọi hàng chục nghìn tàu thuyền vào bờ, kiên quyết buộc các thuyền không được ra khơi, phải vào nơi neo đậu quy định; sơ tán 36.000 hộ dân với gần 200.000 người khỏi các vùng nguy hiểm; chằng chống, gia cố hàng nghìn ngôi nhà; chuẩn bị hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc chữa bệnh cứu trợ dân trong bão lũ. Nhờ những cố gắng rất lớn ấy, nhìn chung đã hạn chế được số người chết, giảm thiệt hại về nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân. Ở một số địa phương, ngay sau bão, người dân đã được trở về nhà, giao thông bước đầu được khôi phục, các hồ đập, đê biển được bảo vệ, đời sống đang dần dần trở lại bình thường.

Nói như vậy không có nghĩa là mọi chuyện đều tốt đẹp. Bão lũ là một hiện tượng thiên nhiên vượt quá sức chống đỡ của con người, chúng ta chỉ có thể hạn chế thiệt hại, tổn thất là khó tránh khỏi. Nhưng ngoài sức tàn phá bất khả kháng của thiên nhiên (gió to, mưa lớn, nước sông dâng cao, sóng biển lớn nhấn chìm tàu thuyền, phá vỡ đê kè…) cũng còn không ít những tổn thất về người và của do chủ quan, do thiếu trách nhiệm, do coi thường pháp luật và nhiều nguyên nhân không đáng có khác. Trách nhiệm đó thuộc về chính quyền, đoàn thể nhưng không ít trường hợp do chính người dân gây hại cho mình.

Bão đã qua, nhưng công tác khắc phục hậu quả mới chỉ bắt đầu. Việc quan trong nhất hiện nay là giúp dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Đồng ruộng, làng mạc vẫn còn ngập nước là nơi tiềm ẩn những dịch bệnh nguy hiểm.

Nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng là lúc thị trường đầu cơ bùng phát. Mùa màng đã đến thời vụ trong lúc thời tiết không thuận lợi, giống và phân bón thiếu. Cơn bão này tan, những cơn bão cuối mùa khác đang rình rập, đe dọa đời sống nhân dân. Tất cả những công việc rất lớn đó đang chờ chúng ta, những người trong vùng bão vừa qua chung tay chống bão trong sự chia sẻ, giúp đỡ của đồng bào cả nước.

DUY VŨ

;
.
.
.
.
.