.

Chuyện lụt xứ Quảng

.

Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển VII tỉnh Quảng Nam, phần Khí hậu, chép: “…mùa thu gió mát mà hay mưa lụt (các tháng 8, 9, 10 thường hay mưa lụt); mùa đông hết lụt thì bãi sông bằng phẳng (tức là hết kỳ mưa lụt)…”. Chuyện lụt xứ Quảng không chỉ được sách vở ghi lại mà còn được lưu truyền cả trong dân gian.

Lụt xứ ta trong mắt người phương Tây

Đánh rớ khi lụt về. (Ảnh minh họa của V.T.L)

Gần 4 thế kỷ trước, Christoforo Borri, một giáo sĩ người Ý từng đến Việt Nam, đã kể lại nhiều câu chuyện thú vị về xứ Đàng Trong; trong đó có những câu chuyện về lụt ở nhiều vùng trên xứ Quảng xưa. Trong cuốn “Xứ Đàng Trong 1621” (bản dịch của Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1998), ông viết:

“Trước hết mọi người ở đây đều mong nước lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, mà còn để cho đồng ruộng được màu mỡ. Thế nên khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại “đã đến lụt, đã đến lụt” có nghĩa là nước đã tới, nước đã tới rồi. Nói tóm lại là không ai là không bày tỏ niềm vui, từ kẻ thế gia đến chúa (chúa Nguyễn – NV) cũng vậy”.

Nước lũ thường tới bất thần, ban chiều chưa thấy gì, nhưng sáng ra nước đã mênh mông chi xứ. Người bị nhốt trong nhà, gia súc chạy tán loạn. C.Borri rất ngạc nhiên: “Vào trường hợp này, có một luật kỳ lạ ở xứ này là bò, dê, lợn và các vật khác bị chết đuối thì không còn thuộc về chủ, nhưng đương nhiên thuộc về người thứ nhất vớt được. Đây cũng là một điều làm cho người ta vui thích một cách lạ lùng: vừa có lụt, mọi người đều nhảy xuống thuyền bơi đi tìm vớt gia súc chết đuối, để rồi làm thịt và dọn cỗ linh đình”.

Chuột lớn, chuột bé bò lên cây để thoát, khiến cho những cành cây nặng trĩu những chuột thay vì lá hay quả. Từng đám trẻ con đi ghe ra rung cây làm các con vật này rớt xuống nước và chết đuối. Tuy chỉ là trò đùa nghịch của trẻ con, nhưng C.Borri cho rằng, thực ra có ích lợi lớn cho đồng ruộng vì thoát được những con vật gây thiệt hại nặng. Thêm cái lợi không phải nhỏ nữa, theo ông, đó là người ta đều có thể sắm sửa cho đủ mọi thứ cần dùng.

C.Borri giải thích: “Vì trong ba ngày này, nước lụt làm cho người ta có thể đi lại khắp nơi bằng thuyền một cách rất dễ dàng đến độ không có gì mà không chuyển được từ nơi này qua nơi khác. Do đó, người ta dành thời gian này để họp chợ, những phiên chợ có tiếng nhất trong xứ, số người đến họp chợ trong dịp này đông hơn bất kỳ buổi họp chợ nào khác trong năm”.

Chuyện kể của ông cho thấy ngày xưa dân gian đã biết lượng mức lũ hằng năm: “Ai cũng leo lên sàn cao nhất và phải khen họ vì không bao giờ lụt bén tới bởi họ đã lấy kích thước chính xác, do kinh nghiệm lâu năm, của mực nước cao thấp, do đó họ không sợ vì họ biết chắc là nước luôn ở phía dưới nhà họ”.

Lụt trong chuyện dân gian

Vùng nam Quảng Nam, do độ dốc cao, lụt lội trên các dòng sông - đặc biệt là sông Tam Kỳ - diễn ra thường xuyên; có năm vùng hạ lưu chịu đến chín mười lần lụt lội. Chẳng rõ có phải do ám ảnh bởi tai họa sông nước hay không mà mỗi mùa bão lũ, dân gian ở đây đã lưu hành một câu chuyện huyền hoặc về lụt như sau:

Khi nước lụt đang ào ạt dâng, thường là về đêm, bỗng dưng có một lúc mưa không còn nặng hạt, gió như ngừng thổi. Trong khoảng lặng ngắt ấy, thình lình trỗi lên điệu nhạc đưa đám ma gồm cả tiếng kèn, tiếng quyển hòa quyện trong tiếng đàn cò được điểm nhịp bởi tiếng trống, tiếng chiêng… Cả một dàn nhạc đám ma vang lên ai oán giữa dòng sông. Ngay lúc ấy, những súc gỗ có hình cỗ quan tài mà trên đó thắp những ngọn đèn leo lét xuất hiện nối đuôi nhau trôi chầm chậm về hướng cửa biển. Những lúc đó, trên chỗ trú lụt, người lớn thường dặn dò đám con nít trong nhà không được nhìn theo và nhất là không được bàn tán gì về những “súc đưa linh” đó.

Nhiều thế hệ người ven sông Tam Kỳ còn kể về những cái chết thảm khốc do nhà cửa đổ sụp theo dòng lũ chỉ vì có người trong nhà dám cả gan nhìn hoặc bình phẩm về “súc đưa linh”. Trên đỉnh lũ, khi nghe văng vẳng tiếng kèn, tiếng quyển đưa ma, người dân vùng lũ thắc thỏm chờ một tiếng nổ ầm từ vùng cửa Lở (nay là xã Tam Hải, huyện Núi Thành). Bởi, như thế có nghĩa là “súc đưa linh” đã trôi về cửa Lở, phá toang những cồn cát cản đường để kịp đưa những âm hồn từ chốn núi thẳm rừng sâu về với biển. Sau tiếng sấm long trời ấy, nước rút rất nhanh và không đầy nửa buổi sau là hết lụt.

Nhiều người lớn tuổi vùng ven sông Tam Kỳ kể đi kể lại rằng, tiếng nổ to hơn hết mọi năm mà họ từng nghe là trong trận lụt diễn ra vào các ngày mồng 6, 7 và 8 tháng 10 âm lịch năm Giáp Thìn 1964! Sau trận lũ lịch sử ấy, cửa Lở sâu hơn trước rất nhiều và dịch chuyển xa vị trí cũ đến gần 300 mét.

HƯƠNG TRÀ

 

;
.
.
.
.
.