Trong xã hội ta hiện nay, tuy lòng tự trọng của con người chưa đến mức phải coi là “của hiếm” nhưng ở một chiều hướng khác, khi cơ chế thị trường len lỏi vào cuộc sống, khi đồng tiền chi phối nhiều thứ, v.v… thì người ta không giữ được mình, để thui chột hoặc mất đi lòng tự trọng, vốn hiện hữu tự nhiên trong mỗi con người. Tuy nhiên, trong cái xô bồ, phức tạp của cuộc sống vẫn có những câu chuyện đời, những con người cụ thể mà lòng tự trọng của họ rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Xin kể những câu chuyện có thật mà người viết được chứng kiến.
Chuyện thứ nhất: Một buổi chiều cuối tuần, cùng với 2 người bạn ngồi trong một quán trên đường Nguyễn Du, trong lúc chúng tôi đang nhâm nhi, có một bé gái trạc 11 - 12 tuổi, người gầy gò, đi đến bàn mời mọi người mua bật lửa ga, loại 1.000 đồng/cái. Trong bàn có 3 người, cháu bé lặng lẽ xếp trước mặt mỗi người một cái bật lửa, đứng chờ và cũng không nói năng gì. Anh bạn tôi tỏ ra “hào phóng” rút tờ 5.000 đồng đưa cháu và phất tay ra hiệu cho luôn. Cháu bé lẳng lặng cầm tiền đi, một lúc sau quay về bàn chúng tôi và… thối lại đủ 2.000 đồng. Khi bạn tôi bảo cho cháu luôn, cháu lắc đầu quầy quậy và bỏ đi ngay. Nghe kể chuyện này, mấy đồng nghiệp của tôi cho biết, cũng đã gặp trường hợp của bé gái này trên đường Nguyễn Du với sự việc tương tự.
Chuyện thứ hai: Có một anh bán bắp dạo người Hội An, nhặt được một cái cặp đựng giấy tờ và hơn 2,5 triệu đồng, anh đã không đi bán tiếp mà đứng lại tại chỗ nhặt được chiếc cặp, chờ người mất đến để trao lại, mặc dù số tiền đó đối với anh là cả một gia tài, cả năm bán bắp chưa chắc có nổi.
Chuyện thứ ba: Một chị bạn cùng cơ quan tôi, một lần đi mua chuối trên đường Đống Đa, lơ đễnh thế nào, nải chuối giá có 4.000 đồng mà lại đưa tờ bạc có mệnh giá 500.000 đồng nhưng cứ nghĩ đó là tờ 20.000 đồng, nên chị bán chuối (cũng nghĩ là tờ 20.000 đồng) cũng thối lại 16.000 đồng. Sau đó, chị bạn tôi không biết mất tiền vào lúc nào, ở đâu và cũng không nghĩ là đưa nhầm tiền mua chuối, đành tặc lưỡi “của đi thay người”. Vậy mà mấy ngày sau, tình cờ đi ngang chỗ mua chuối hôm nọ, thấy chị bán chuối mừng rỡ, đưa lại cho chị bạn tôi đúng 496.000 đồng. Khi chị bạn tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị bán chuối nói: “Tôi trông ngóng chị mấy ngày nay mà không biết hỏi ai để trả lại số tiền chị đã đưa lộn. Hôm nay gặp được chị, tôi nhẹ cả người, tôi làm việc này còn là để lại cái phước cho 4 đứa con của mình nữa chứ”.
Vậy đấy, những con người sống “đói cho sạch, rách cho thơm” trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta còn rất nhiều, rất dễ bắt gặp ở mọi nơi mọi lúc. Nó tương phản với những kẻ “Giàu mà dơ, lành mà hôi”, lợi dụng chức quyền để bớt xén, vơ vét tiền của của dân, của nước, tham nhũng, phung phí xa hoa từ những đồng tiền không phải do mồ hôi, nước mắt của mình làm ra. Đã vậy, còn có những kẻ trơ trẽn chối tội, bao biện, lẩn tránh, “dối trên lừa dưới”, “đổi trắng thay đen”... khi bị đưa ra ánh sáng. Đối với họ, khái niệm “xấu hổ”, “tự trọng” như đã thành xa lạ.
Dân Hùng