.

Cổng trường có bình yên? - Kỳ 1: Sát thủ áo trắng

.

Nhiều vụ ẩu đả, sát thương trước cổng trường đã liên tiếp xảy ra với cấp độ nguy hiểm ngày càng tăng. Cổng trường có thật sự là nơi bình yên?

Chém nhau từ những nguyên nhân cỏn con

Cổng trường học đôi khi lại trở thành “chiến trường” của các phe áo trắng. Ảnh: THU HOA (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Vào một ngày cách đây không lâu, trận đá bóng giao hữu giữa 2 nhóm thanh-thiếu niên địa bàn phường An Hải Đông, quận Sơn Trà đã không có những nụ cười trên môi khi trận đấu kết thúc. Thay vào đó là thái độ hằn học của Nguyễn Lê Hoàng Mỹ, HS lớp 12/4 với Trương Quang Nghĩa, HS lớp 11/8 Trường THPT Ngô Quyền.

Mâu thuẫn xuất phát từ cách chơi bóng không đẹp ở cả 2 đội khi họ “cố sống, cố chết” để có được bàn thắng vào lưới đối phương. Những tưởng chuyện này chỉ như “nước đổ lá khoai”, là những giây phút bốc đồng của tuổi trẻ thích chứng minh mình là “những chân sút có hạn”. Nào ngờ đến trưa ngày 26-9, Mỹ đã rủ thêm một số đối tượng là Trần Thị Diễm Hằng (sinh 1987, trú huyện Hòa Vang), Trần Phước Anh Hoàng (sinh 1990, tạm trú phường An Hải Đông), Võ Văn Tấn (sinh 1991, trú phường Phước Mỹ) đến gặp Nghĩa để “nói chuyện”. Kết quả của cuộc “nói chuyện” này là Nghĩa đã chết trên đường đưa đi cấp cứu.

Trước đó không lâu, chiều ngày 16-9, sau khi tan học, Võ Nhật Linh (lớp 11A8 Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) đang ngồi uống nước trước cổng trường thì bị một nhóm thanh niên ập tới dùng dao đâm chém đến xuyên màng phổi và lòi lá lách. Tình trạng bạo lực học đường càng trở nên đáng sợ hơn khi 2 đối tượng tuổi teen chém em Võ Nhật Linh sau khi bị bắt đã khai rằng, việc chém Linh chỉ là để trả thù giùm cho bạn? Điều này đã khiến nhiều HS “con nhà lành” phải ớn lạnh mỗi khi cắp sách đến trường.

Chị Nguyễn Thị N., phụ huynh của em K., đang theo học tại Trường THPT Ngô Quyền cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, gia đình tôi luôn sống trong tâm trạng phập phồng lo sợ. Có tưởng tượng, chúng tôi cũng không dám nghĩ đến việc kẻ giết người chỉ là những cô, cậu thanh niên mười tám, đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất đời người. Điều này buộc chúng tôi phải suy nghĩ, không biết ở trường con chúng tôi được học gì, hay chỉ chia bè kết cánh để “hăm dọa” lẫn nhau?”.

Bình yên ngắn ngủi

Nhiều năm qua, Thành Đoàn Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố thực hiện chương trình Cổng trường bình yên. Người đưa đón con chịu đứng vào nơi quy định, trẻ em qua đường có người giúp, cảnh ẩu đả giữa các học sinh cũng được hạn chế phần nào. Sự xuất hiện của những thanh niên tình nguyện áo xanh trước cổng trường từ nội thành đến ngoại thành, ở chừng mực nào đó đã góp phần đem lại bình yên trước cổng trường. Tuy nhiên, khi chương trình lắng xuống thì sự nhốn nháo nơi cổng trường lại quay về như cũ.

Quay lại vụ HS Trường THPT Ngô Quyền bị đuổi đánh đến chết trước cổng trường, ông Nguyễn Thanh Phương – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền cho biết: “Đây là việc quá bất ngờ đối với nhà trường. Nghĩa từng là học sinh cá biệt, Mỹ thi rớt tốt nghiệp THPT năm ngoái, nay đang theo học tại lớp 12/4. Nhà trường chỉ xét 2 HS này vào diện những HS cần được quan tâm chứ không quá chú trọng đến vấn đề đạo đức vì trong mắt bạn bè, Nghĩa đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, còn Mỹ cũng mới vào học nên chúng tôi chưa hiểu rõ về tính cách của em này”.

Nói một cách khách quan, bạo lực học đường ở Đà Nẵng vẫn ít hơn so với các tỉnh, thành khác như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… Tuy nhiên, không vì thế mà để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, chờ sự việc xảy ra rồi mới tìm hướng giải quyết.

HUỲNH LÊ

Kỳ tới: Người trong cuộc nói gì về tình trạng bạo lực học đường.

 

;
.
.
.
.
.