.

Cổng trường có bình yên - Kỳ 2: Cha mẹ ơi! Hãy ở bên em!

.

Khi dư luận vẫn còn đang bàng hoàng vì 2 vụ “thanh toán” nhau của một số học sinh cá biệt trước cổng Trường THPT Trần Phú và THPT Ngô Quyền, thì mới đây nhất, ngày 3-10, thông tin về em Lê Thị Mỹ Ly, học sinh lớp 11/11 Trường THPT Nguyễn Trãi bị đâm chết tại nhà giống như giọt nước làm tràn ly. Tình trạng bạo lực học đường đã ở mức báo động đỏ, làm cả cha mẹ, học sinh lẫn nhà trường đều lo lắng.

Dễ bị kích động+thiếu suy nghĩ=đâm người

“Tiên học lễ, hậu học văn“, triết lý ấy luôn đúng ở mọi thế hệ học trò. Hãy học làm người trước khi học chữ.  (Ảnh: Ngọc Đoan)

Liên tiếp trong thời gian ngắn, tình trạng bạo lực học đường diễn ra nghiêm trọng và ngang nhiên hơn bao giờ hết. Chưa khi nào người dân Đà Nẵng nói chung và các bậc phụ huynh, học sinh học tập tại những ngôi trường kể trên lại cảm thấy lo lắng và bất an đến vậy. Trong tâm trạng ấy, ông T.Q.B., sống gần Trường THPT Nguyễn Trãi nói: “Nhà trường và cơ quan chức năng cần vào cuộc, bằng những hành động cụ thể chứ không thể chỉ là lý thuyết suông”.

Đã mười ngày trôi qua, nhưng không khí tang thương vẫn còn bao trùm lên căn nhà cấp 4 xập xệ với bốn bức tường được lợp tôn khá chật chội tại tổ 37, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Sau trận bão số 9, căn nhà vốn đã mục nát càng trở nên lạnh lẽo. Không có lấy một tài sản đáng giá, ngoài những giỏ cần xé đựng các loại chuối mà mẹ em Trương Quang Nghĩa (học sinh Trường THPT Ngô Quyền mới bị giết chết), bà Lê Thị Anh, hằng ngày vẫn bán buôn ở chợ.

Ba của Nghĩa, ông Trương Quang Nhân, làm công nhân ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đến đêm 27-9 mới về để kịp lo hậu sự cho con. Khi lòng đã dịu lại, ông chia sẻ: do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông phải đi làm ăn xa, mọi việc, từ chăm lo cho con cái, gia đình ông đành để vợ một tay quán xuyến. “Cuộc sống cơ cực, có lẽ vì con thiếu thốn sự chăm sóc của cha lẫn mẹ mới sinh ra cơ sự hôm nay. Tôi cũng quá bất ngờ và không thể tin là con trai mình ra đi trong hoàn cảnh oan nghiệt này”, ông Nhân ngậm ngùi.

Theo lời khai của Trần Thị Diễm Hằng, một trong bốn đối tượng bị bắt trong vụ giết học sinh Trương Quang Nghĩa thì lúc đầu, chỉ định cảnh cáo Nghĩa. Nhưng khi Hằng đánh Nghĩa, Nghĩa liền rút trong cặp xách một mã tấu tự tạo dài khoảng 35cm chém 2 nhát, Hằng tránh được, mã tấu rơi xuống đất. Nghĩa bỏ chạy thì bị Tấn, Mỹ, Hằng, Hoàng đuổi theo. Đến trước xưởng mộc Lê Phúc Duy Anh (cách cổng Trường Ngô Quyền khoảng 50m), Nghĩa vấp ngã, bị Hoàng cầm cục gạch đập vào đầu. Từ dọa đến giết người, khoảng cách ấy thật mong manh.

Ông Nguyễn Văn Tành, Trưởng phòng CSĐT về TTXH (PC14) Công an TP. Đà Nẵng cho biết, qua điều tra, các đối tượng này đã khai nhận nguyên nhân dẫn đến cái chết của Nghĩa. “Tất cả cũng chỉ vì những mâu thuẫn không đáng có của lứa tuổi học đường. Bồng bột, nông cạn và thiếu suy nghĩ, dễ bị kích động, các đối tượng này đã tự đưa mình đi vào ngõ cụt của cuộc đời. Trách nhiệm này thuộc về gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Các bậc phụ huynh nên quan tâm nhiều hơn đến đời sống tâm sinh lý của con cái”, ông Tành nói.

Nhà trường+gia đình+xã hội=bình yên?

Anh Vũ Văn Tuấn, Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Trãi cho hay, do hoàn cảnh gia đình, em Lê Thị Mỹ Ly và em trai lâu nay sống ở nhà bà nội. Ly là học sinh có học lực trung bình, hạnh kiểm tốt. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của em Ly sẽ được nhà trường tích cực phối hợp với công an địa phương để điều tra làm rõ. Hy vọng, sự ra đi của em và sự trừng trị của pháp luật đối với kẻ thủ ác là bài học cảnh tỉnh cho những học sinh có suy nghĩ và hành động lệch lạc.

Sau nhiều thông tin về tình trạng bạo lực học đường được báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu Công an thành phố điều tra làm rõ nguyên nhân và có báo cáo cụ thể trong tháng 10-2009. Cạnh đó, UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho các em trong những buổi chào cờ, sinh hoạt của trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền về pháp luật nhằm răn đe, tạo môi trường lành mạnh cho các em sinh hoạt vui chơi. Việc lồng ghép giảng dạy kỹ năng sống trong nhà trường, tập cho học sinh nói không với cái xấu, biết chọn lọc và tiếp thu các luồng văn hóa cũng được chú trọng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD&ĐT T.P Đà Nẵng trăn trở: “Bạo hành học đường hiện đang trở thành vấn nạn nhức nhối trong ngành giáo dục. Chúng tôi được biết đến nhiều trường hợp ở tỉnh kế cạnh là Quảng Nam… và cũng đã có nhiều buổi tuyên truyền, tư vấn để nâng cao nhận thức pháp luật trong học sinh, sinh viên tại Đà Nẵng.

Nhưng trước cái chết của em Trương Quang Nghĩa, Lê Thị Mỹ Ly, dù không nằm trong khuôn viên nhà trường, nhưng đã đặt ra cho chúng tôi nhiều điều phải suy nghĩ”. Theo ông Hoa, sự phối hợp trong mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội về công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc các em đã thực sự trở nên quan trọng và cần được sự hỗ trợ từ tất cả mọi người.

Huỳnh Lê

;
.
.
.
.
.