.

Cổng trường có bình yên? - Kỳ 3: Ngôn ngữ học đường, không còn là chuyện nhỏ

.

Theo nhiều ý kiến phản hồi từ loạt bài “Cổng trường có bình yên?”, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng bạo lực học đường xuất phát từ những lời nói “sốc gan” ở những bạn thuộc lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.

Lời nói của học trò là sợi dây gắn kết tình bạn nhưng đôi khi lại trở thành nguyên nhân cho những mâu thuẫn không đáng có.

Về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Bùi Văn Vân, Trưởng khoa Tâm lý –Giáo dục, ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã có buổi trò chuyện với phóng viên Chào bạn trẻ.

* P.V: Thưa thầy, thầy nghĩ như thế nào về những lời nói “sốc gan” của lứa tuổi học đường vốn được xem là khởi đầu cho mọi mâu thuẫn?

- Cách dùng từ để xưng hô của ta còn tùy thuộc vào mức độ thân sơ giữa người nói và người nghe. Nhiều khi chỉ vì một sai sót nhỏ trong cách xưng hô mà gây nên thành kiến nặng nề. Bạn bè thời nay hay chọn từ mày, tao làm ngôn ngữ xưng hô chính, cho đó là cách xưng hô thân mật. Còn người hiểu văn hóa gọi đó là cách xưng hô suồng sã. Sai lầm trong thói quen giao tiếp của người Việt là hay nói khích, nói kháy, nói sốc nhau.

Ở lứa tuổi học đường, điều này dễ gây ra những mâu thuẫn không đáng có. Những lời nói sốc này được hiểu theo chiều hướng tiêu cực là “nó khinh thường mình”, và nghĩ cách làm cho “nó biết tay (tao)”... Hay nói cách khác, chúng ta chưa thật sự mở lòng ra để “cùng chiêm ngưỡng sự khác biệt” với thái độ lắng nghe, quan sát để học hỏi, loại trừ…

Tôi vẫn đánh giá cao cách xưng hô “bạn ơi, cho mình hỏi cái này” hay “cậu cho tớ hỏi cái này” hơn là “mày cho tao hỏi cái này”, “mi cho ta hỏi cái này”. Thuần túy quan hệ xã hội, không có quan hệ họ hàng nhưng theo phép xã giao "trưởng nhất tuế vi huynh, trưởng thập tuế vi phụ" (hơn một tuổi làm anh, hơn mười tuổi làm cha), tức là tôn lên ngang bằng với cha mà gọi chú, bác. Đây được xem là phép tôn xưng. Học trò ngày nay dường như đã quên đi điều đó.

* P.V: Trong gần 1 tháng, ở Đà Nẵng xảy ra 4 vụ bạo lực học đường nghiêm trọng. Với tư cách là một thạc sĩ tâm lý, xin thầy chia sẻ những cảm nhận của mình trước thực trạng này?

- Đà Nẵng vốn là thành phố bình yên nhưng đến nay đã không còn bình yên nữa, theo nhiều cách hiểu khác nhau. Nếu đem ra phân tích sẽ thấy, nền Giáo dục Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng có những cái thiếu và yếu sau:

Cha mẹ thiếu hiểu biết trong cách ứng xử với con. Việc chăm sóc, giáo dục con cái ở nhiều gia đình diễn ra không đúng. Cha mẹ thường dạy con theo ý kiến chủ quan của bản thân. Đôi khi đó là ý kiến chủ quan sai. Họ thích dùng mệnh lệnh, quyền uy, roi vọt hoặc cưng chiều con quá mức, xem con là “ông trời con” nên mở đường cho trẻ có suy nghĩ lệch lạc, thích “ra lệnh” người khác. Cha mẹ không để ý rằng, chính những lời nói của người lớn trong gia đình là những gì trẻ trực tiếp học hỏi từ khi bắt đầu tập nói, tập nghĩ.

Thứ hai, các nhà sư phạm vẫn còn thiếu hiểu biết cụ thể về tâm, sinh lý của từng đứa trẻ mình dạy. Thầy cô giáo ngày nay do áp lực cuộc sống, dạy thêm, làm thêm… nên thiếu đi sâu, đi sát khi học sinh có những biểu hiện lệch lạc trong lời nói, hành động.

Các em hãy sống và yêu thương cuộc sống như yêu chính bản thân mình, gia đình mình. Có như vậy, các em mới có những giờ học bình yên và rộn rã tiếng cười cùng những kỷ niệm đẹp ở lứa tuổi học trò Thạc sĩ tâm lý Bùi Văn Vân

khía cạnh phương tiện truyền thông, đôi khi vì lợi nhuận, những thông tin được phản ánh, giới thiệu ít mang tính giáo dục. Nhiều câu chuyện, bộ phim, game khai thác không đúng cách, thiếu tính giáo dục như bạo lực, cuồng tín, ai làm trái ý mình là phải chết... Nói chung, họ không lường hết được những tác động ở những nội dung mà mình khai thác, giới thiệu đến bạn đọc.

Ngoài ra, gia đình, nhà trường và xã hội rất thiếu sự phối hợp. Đây là lỗ hổng lớn trong nền giáo dục hiện nay. Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn. Việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực tại nhiều trường còn mang tính hình thức, chưa thật sự phát huy tác dụng.

* P.V: Chính những cái thiếu và yếu này là mắc xích dẫn đến kết quả chung, tình trạng bạo động học đường khó có thể kiểm soát?

- Chúng ta luôn kêu gọi gia đình, nhà trường và xã hội hãy chung tay xây dựng nền giáo dục toàn diện, để “sản xuất” ra một thế hệ người Việt mới vừa có đức, có tài. Cái gì chúng ta cũng làm nhưng làm chưa đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, rất nhiều vụ bạo lực học đường khi xảy ra, người ta mới ngã ngửa nhận ra rằng, học trò mình, con mình hư hỏng và tìm hướng giải quyết.

Vì vậy, công việc thường xuyên nhất hiện nay là phải ngăn chặn từ chính những nguyên nhân cỏn con, trước tiên là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tránh những lời nói “sốc gan” mà lứa tuổi từ lớp 8 đến 11 hay dùng trong môi trường học đường. Điều đó là không nên, để tránh những điều không mong muốn có thể xảy ra. Nhẹ là mất đi tình bạn, nặng là mất đi mạng sống.

HUỲNH LÊ (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.