Vừa là cô, vừa là mẹ, tiếp xúc với trẻ từ 1 đến 5 tuổi hằng ngày, giáo viên mầm non (GVMN) chịu nhiều áp lực công việc khác như làm việc một ngày đến 10 tiếng, trách nhiệm đối với sự an toàn của trẻ. Bên cạnh đó, để làm tốt công việc, họ phải đảm nhiệm vai trò là bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ, diễn viên múa..., giải quyết hết tất cả những nhu cầu ăn, ngủ, học tập, muốn khám phá của trẻ. Công việc nhiều như vậy, nhưng thu nhập của GVMN vẫn ở mức thấp, không có tiền làm thêm giờ cũng như các phụ cấp khác.
Một ngày với... “n” việc
Tiết mục múa hát của cô trò Trường mầm non 29-3. |
6 giờ 15, các cô Trường mầm non 29-3 đã có mặt ở trường để làm vệ sinh phòng học. 6 giờ 30, vừa đón cháu, vừa trò chuyện và chơi với cháu, hoặc tiếp nhận ý kiến của phụ huynh về sức khỏe của cháu. Đây là những thông tin rất quan trọng đối với cô để cô có thể chăm sóc bé tốt hơn. Sau hoạt động tập thể dục buổi sáng sẽ là giờ cho cháu ăn sáng. 8 giờ bắt đầu tiết học, cho đến 11 giờ 30 với một loạt công việc tiếp nối trong buổi sáng: uống sữa; hoạt động vui chơi tập thể; sinh hoạt lớp; vệ sinh sau khi chơi (hướng dẫn cháu rửa tay trước khi ăn, giáo dục kỹ năng sống và thói quen vệ sinh); ăn trưa (hướng dẫn cách súc miệng, hoặc đánh răng sau khi ăn); vệ sinh lớp học, sắp xếp chiếu, gối chuẩn bị cho cháu ngủ.
Từ 12 giờ - 12 giờ 30, các cô mới có thời gian thay phiên nhau đi ăn cơm, trông chừng cháu ngủ. Chút thời gian còn lại của buổi trưa, GVMN lại lo soạn giáo án và chuẩn bị đồ dùng dạy học, để 14 giờ đón cháu dậy: hướng dẫn hoặc làm vệ sinh; ăn nhẹ bữa chiều với tuổi mẫu giáo, ăn no tuổi nhà trẻ; thay áo quần cho trẻ; hoạt động buổi chiều, tạo các sản phẩm đã học từ buổi sáng; đọc tranh truyện, hát múa; các trò chơi vận động hoặc trò chơi tĩnh. 16 giờ 30 phụ huynh đón cháu, các cô dọn vệ sinh lớp học và rời trường vào khoảng 18 giờ 15 đến 18 giờ 30.
Đây cũng là quy trình làm việc của hầu hết GVMN. Những trường có tổ chức cho bé ăn sáng tại trường, công việc của các cô còn vất vả hơn: phải bày bàn ăn sáng, theo dõi trẻ ăn, làm vệ sinh cho bé… để đúng 8 giờ là bắt đầu tiết học. Giờ quy định đón cháu là từ 16 giờ 30, kết thúc lúc 17 giờ 30, nhưng trên thực tế, có những phụ huynh do bận công việc nên kéo dài đến 18 giờ mới đón, mà cô giáo chỉ được phép rời trường khi phụ huynh cuối cùng đón cháu. Cô Nguyễn Thị Hoài Thu – Hiệu trưởng Trường mầm non 29-3 nói: “Chúng tôi ở trường từ 10 – 12 tiếng/ngày như một điều hiển nhiên, trong khi Luật Lao động chỉ quy định có 8 tiếng/ngày, 40 tiếng/tuần. Tạo thành một áp lực lớn đối với các giáo viên mầm non bởi nó ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình”.
Cô Huỳnh Thị Thọ - Hiệu trưởng Trường mầm non 20-10 cho biết: Theo quy định, cứ 2 tuần phải tổ chức sinh hoạt chuyên môn một lần. 4 tiết sinh hoạt chuyên môn/tháng, chúng tôi không được trừ vào thời gian giảng dạy. Thời gian làm học cụ của mầm non cũng không giống các bậc học khác, bởi phải là đồ dùng trên cá nhân từng trẻ. Đến soạn giáo án cũng phải tỉ mỉ vì một bài giảng không thể áp dụng cho tất cả các đối tượng được. Trong một lớp học, mức độ phát triển của cháu sinh đầu năm và cháu sinh cuối năm cũng đã có sự khác biệt, chưa kể tâm lý tiếp nhận của trẻ hiếu động, trẻ nghịch ngợm… đều phải có phương pháp dạy khác nhau. Giáo án, vì thế, phải có nhiều hướng mở cho nhiều tình huống. Soạn giáo án mầm non, dù ngắn gọn, cũng phải mất hai tiếng đồng hồ.
Của một đồng, công một nén
Giáo viên mầm non phải là người múa giỏi, hát hay. Ảnh: Ngọc Đoan
“Đến 10 giờ tối mới thực sự hết lo lắng cho một ngày làm việc” – một cán bộ quản lý trường mầm non thổ lộ. Vì một lẽ, khi cháu rời trường về nhà rồi, trách nhiệm, các giáo viên vẫn lo cháu ói, ngộ độc thức ăn, cảm sốt…
Không chỉ đơn thuần là dạy, công việc của một GVMN còn chăm sóc và nuôi dưỡng cháu. HS lớp chồi, lá (4-5 tuổi) còn có thể tự thay quần áo, vệ sinh tay chân, nhưng với lớp mầm và nhà trẻ thì giáo viên phải làm mọi việc. Sĩ số “lý thuyết” của mỗi lớp học là 30 cháu/hai cô, nhưng trên thực tế, con số thấp nhất là 35 cháu, thậm chí có khi hơn nên áp lực của cô giáo rất căng thẳng. Chỉ riêng việc giữ cho các lớp nhà trẻ không có tiếng khóc - một bé khóc thì nhiều bé khác khóc theo - đã là một kỳ công. Vô vàn những đặc điểm riêng của trẻ như ăn chậm, ngậm thức ăn không chịu nhai, ăn khô…, phụ huynh cũng nhờ cô uốn nắn, điều chỉnh để cháu thích ứng. Chưa kể việc cháu ốm, phụ huynh cũng mang thuốc đem đến nhờ cô cho uống.
Khác với các bậc học khác, môi trường giáo dục của bậc mầm non cũng thay đổi theo từng chủ đề. Thế nên hầu như tháng nào, các cô cũng phải trang trí lại phòng học, sân chơi… Mà những việc này, lúc nào cũng phải làm ngoài giờ lên lớp, càng tăng thêm thời lượng làm việc của giáo viên. Hầu hết giáo viên phải làm đồ dùng dạy học ở nhà, thậm chí huy động cả người thân phụ giúp. Cô giáo muốn bám trụ được với nghề cũng phải đi học nâng cao, từ tin học, hội họa đến đàn hát…
Trong khi đó GVMN rất thua thiệt trong các quyền lợi. Như quy đổi số tiết/tuần phải đảm nhận, thì của GVMN là 53 tiết, tiểu học: 23 tiết, THCS: 19 tiết, THPT: 17 tiết. Thế nhưng, hiện nay các trường mầm non điều không được bổ sung quỹ lương dạy tăng thay cho giáo viên nghỉ chế độ thai sản, nghỉ con ốm. Không có tiền tăng giờ như Luật Lao động, nhiều trường bồi dưỡng 300.000-500.000 đồng/tháng/cô gọi là tiền “phục vụ bán trú”. Nhưng xem ra số này chẳng đáng là bao so với công sức, thời gian GVMN đã làm để chăm sóc cho bé khỏe, bé đẹp...
HIỀN LƯƠNG