.

Cùng nỗi đau miền Trung

.

Một trong những hành động thiết thực nhằm làm vợi đi đau thương, mất mát của người dân miền Trung sau bão lũ là sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung. Có lẽ vẫn còn ít người biết đến, bởi Quỹ mới được chính thức cấp giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ vào ngày 24-9-2008, theo sáng kiến của ông Phan Diễn (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng), Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ.

Công trình mang vạn tấm lòng

Khắc phục hậu quả thiên tai là một trong những chương trình trọng tâm của Quỹ.

Hôm kỷ niệm một năm thành lập Quỹ, công trình “Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai” đã được khánh thành tại thôn Phong Nam, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), với kinh phí 1,1 tỷ đồng. 4 ngày sau khi cắt băng khánh thành thì ngôi nhà đã được “thử thách” với bão số 9. Bão, bà con quanh vùng, khoảng 80 người, đến trú ở tầng một; lũ, kéo nhau lên tầng hai. Một số người mang ti-vi, máy vi tính, lúa… tới đó chạy lũ.

Mấy người già trên tám mươi như bà Ông Thị Mãn, bà Ngô Thị Én được con cháu đưa tới. Bà Én, lụt năm 2007 phải lọm cọm sang ở nhờ nhà hàng xóm có gác. Cơm nước thì từng nhà tự lo liệu từ khi nghe tin bão tới, nếu ở lại trên 2 ngày thì xã sẽ cứu trợ. Công trình phòng tránh thiên tai đã phát huy tác dụng, ngày thường làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, khi bão lũ trở thành nơi trú ẩn của người dân. Ông Phùng Kiệm, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Hòa Châu đã gọi “Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai” ở xã mình là “công trình mang vạn tấm lòng”.

Ngoài “tác phẩm đầu tay” này, theo ông Nguyễn Đăng Lâm, Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung, năm nay còn có 7 công trình phòng tránh thiên tai khác được xây dựng ở Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), Hải Lăng (Quảng Trị), Lệ Thủy (Quảng Bình), Can Lộc (Hà Tĩnh), Hội An (Quảng Nam), Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), Nam Trà My (Quảng Nam). Sang năm, Quỹ dự kiến tiếp tục triển khai thực hiện 30 dự án trên 14 tỉnh, thành miền Trung từ nguồn vận động, chủ yếu là các tổng công ty, tập đoàn.

Phải trao quà tận tay

Hôm theo Đoàn lên cứu trợ bà con Cơtu trên Hòa Bắc sau cơn bão số 9, ông Lâm cho tôi biết con số của Tổng cục Thống kê và Bộ NN&PTNT: trong 3 năm, từ 2006-2008, thiên tai miền Trung đã làm 392 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế 16.130 tỷ đồng. Ông ngậm ngùi: Xứ mình là thế, đã nghèo rồi mà hầu như năm nào không bị bão cũng dính lụt.

Suối Cầu Sụp nước vẫn còn lớn, xe không thể qua thôn Tà Lang. Ông Nguyễn Phú Ban, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCLB huyện Hòa Vang, đưa ra phương án tặng quà chung cho bà con cả hai thôn ở nhà Gươl Giàn Bí. 100 suất quà, mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng, trong đó có 200 nghìn đồng tiền mặt, đã được trao cho bà con Cơtu - đây là quà tặng do Hội Sinh viên nhận học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ (VEFFA) gửi về chia sẻ khó khăn với đồng bào trong nước.

Anh Phan Văn Thành ở thôn Giàn Bí vẫn chưa hết bàng hoàng: “Bão tới, lòng vòng quanh mấy ngọn núi rồi ập xuống nhà dân, cái mái tôn nhà mình bay mất, vợ thì gần sinh, run quá chừng”. Chị Lê Thị Tiểu ở thôn Tà Lang thì lo bão mà lớn như năm 2006 thì không biết lấy chi ăn, nhận được quà, chị mừng ra mặt: “Cả tuần ni toàn ăn cơm với muối, chừ nhận được nước mắm với gạo, thấy no cái bụng quá!”. Một nhóm thanh niên ngồi túm tụm bên trong nhà Gươl chờ nhận quà, cười ồ lên khi nghe ông Ban dặn: “Đừng đem tiền về mà đi uống rượu nghe”.

Tuần trước, các thành viên trong Đoàn tìm đường lên thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thăm 54 nhà bị lũ cuốn trôi, đã phải bất lực nhìn lớp bùn non dày đặc. Đúng lúc cán bộ xã xuống thôn vận động nhà nào còn gạo hãy cho hàng xóm mượn, nhưng không ai còn, thì nhận được điện thoại rằng hàng của Quỹ đang chờ, chưa có đường vô.
 

“Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai” ở Hòa Châu được hai Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Nông nghiệp và PTNT tài trợ.

 

Thanh niên trong thôn tức tốc đưa thuyền ra bốc gạo đưa về. Cả thôn được cứu đói kịp thời. Tặng tiền, bà con gửi lại, nhờ Quỹ mua gạo luôn. Ngay hôm sau, một mình ông Lâm mang gạo quay lên lại. Từ thực tế đó, lần này lên Hòa Bắc và những lần cứu trợ ở các xã Điện Quang, Điện Thọ, Điện Hồng, tỉnh Quảng Nam, Đoàn chuyển tiền thành gạo và nhu yếu phẩm trao tận tay cho bà con.

Đợt cứu trợ này, chuyến ra thăm Ba Lòng, huyện Đăk Rông, Quảng Trị đã để lại thật nhiều thương cảm cho các thành viên trong Đoàn. Ông Lâm nhớ mãi lời Phó Chủ tịch huyện: “Chiến khu Ba Lòng ngoài bão lũ hiện nay là nước mắt. Tan hoang hết. Sông dâng cao, ngập đến 3-5 mét nước, các trường tiểu học ngập đến cửa sổ tầng hai, chính quyền địa phương đưa dân lên núi hết, nước mênh mông mà không ai chết. Đưa lương thực, nước uống lên. Nước rút mới về. Học sinh sách vở ướt hết, phơi đầy sân…”.

Trong lúc ông Lâm đi Hòa Bắc, thì một đoàn khác do ông Phan Diễn dẫn đầu đi thăm và tặng quà bà con bị thiên tai ở Quảng Ngãi, Quảng Nam. Sau đó, hai đoàn nhập một ra lại Ba Lòng, tặng mỗi gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn 1 triệu đồng, tặng 3.550 cuốn vở cho học sinh địa phương. Ông Lâm bảo, chủ trương của Quỹ là: “Nếu không trao quà cứu trợ thì thôi, chứ trao là phải trao tận tay cho bà con, dù thời tiết, đường sá khó khăn đến mấy”. Đó, âu cũng là mong muốn của vạn tấm lòng chung tay xây dựng Quỹ.

Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, được thành lập và hoạt động tuân thủ luật pháp nước CHXHCN Việt Nam và theo Điều lệ Quỹ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhằm mục đích tài trợ cho đồng bào các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận phòng tránh, khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai và tài trợ cho các chương trình, các đề án nhằm mục đích xã hội, nhân đạo và từ thiện khác.

Nguồn: Trang tin của Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung


VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.