.
Cuộc họp về trách nhiệm của A Vương:

Những yếu tố chưa xét đến

Việc quy trách nhiệm về những hậu quả trong đợt lũ bất thường vừa qua ở sông Vu Gia có phải là do công trình thủy điện A Vương xả nước? Sau cuộc họp giữa Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương với UBND tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo Công ty CP Thủy điện A Vương, xem ra khó có kết luận cuối cùng khi người thì bảo có kẻ lại bảo không. Và kết luận cuối cùng là: Đề nghị các bên, Quảng Nam và A Vương, tổng hợp báo cáo các số liệu để Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương tổ chức tham vấn các chuyên gia, nhằm sớm giải đáp những bức xúc của dư luận.

Theo dõi cuộc họp này, chúng ta có thể tóm tắt các quan điểm chính:

- Quảng Nam cho rằng chính 150 triệu m3 nước A Vương đã xả ra đúng vào lúc lũ ở hạ lưu đang lên trên báo động 3 là nguyên nhân tạo nên lũ lớn, có nơi vượt đỉnh lũ cao nhất lịch sử 1,5m đến 2m nước.

- A Vương thì bảo rằng nói vậy là không chính xác! Bởi, qua số liệu mà Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lập năm 2002 cũng như qua thực tế cho thấy: bình quân tổng nguồn nước lưu vực trong năm của thủy điện A Vương là 1,23 tỷ m3 (chiếm khoảng 14,4% tỷ lệ lưu vực trên sông Vu Gia). Còn nếu tính tỷ lệ nước xả tràn từ hồ A Vương so với nước về sông Vu Gia trong ngày 29-9 là 7,15% và con số này là 9,65% vào ngày kế tiếp (30-9). Nói tóm lại, 150 triệu m3 nước mà A Vương đã xả trong đợt lũ vừa rồi chỉ chiếm 1/20 lượng nước trên hệ sông Vu Gia.

Quả thật, tất cả đang chờ các chuyên gia ngành thủy lợi có thể tính toán rồi đưa ra kết luận cuối cùng. Riêng chúng tôi, qua quan sát và thu thập những ý kiến bên lề cuộc họp này xin nhắc đến hai góc nhìn quan trọng nhưng chưa được đề cập:

1- A Vương tích nước chống lũ nhưng do không nắm dự báo lượng mưa, và cũng do yêu cầu sản xuất, nên đã tích nước sớm khi nước sông chưa lên báo động 2-3. Nếu nắm được dự báo thì đến khi nước sông lên báo động nguy hiểm A Vương bắt đầu tích nước thì lợi ích của các công trình thủy điện như A Vương là rất lớn. Và đó chính là điểm cần phải khắc phục chính trong điều hành các công trình thủy điện ở miền Trung.

2- 150 triệu m3 A Vương xả ra là không lớn, đúng là chỉ chiếm 1/20 lượng nước trên sông Vu Gia nhưng chính vì nơi chịu tác động lớn nhất của nước lũ từ A Vương là những làng dân nằm hai bên bờ sông Vu Gia nằm gọn trong thung lũng nằm giữa hai dãy núi Ngọc Kinh và Sơn Gà.

Thêm nữa, dưới hạ lưu, nơi Vu Gia đổ ra Thu Bồn lại bị hàn kín bởi khối lượng cây gỗ và rác rừng tấp lại chỗ cầu Quảng Huế. Quan sát thành phần cây và rác này nhiều người bảo đó chính là số cây rừng chết trong lòng hồ A Vương giờ mới có dịp xả ra. Cần nhớ rằng A Vương mới chỉ tích nước 1 năm trở lại đây, khối lượng cây rừng trong lòng hồ là rất lớn. Không chỉ riêng A Vương, hàng ngàn hecta rừng đã bị các thủy điện Đăk Mi 2, Đăk Mi 3, Đăk Mi 4 A, B, C... lấy đi.

Riêng Đăk Mi 4 đã lấy trên 1.000ha rừng tự nhiên của Phước Sơn. Sau cơn lũ, ông Dương Chí Công - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã quan ngại: Sau 4.000ha rừng chìm trong các lòng hồ của các dự án thủy điện, sẽ có ít nhất 6.000ha rừng đầu nguồn khác tiếp tục bị triệt hạ để làm đường dây điện, khu tái định cư... Lượng gỗ khổng lồ chưa được dọn dẹp này cũng tấp vào biển Mỹ Khê tạo nên một bãi gỗ và rác dài trên 30km suốt từ Sơn Trà đền gần Cửa Đại Hội An

Bằng vài phép tính đơn giản hẳn ta sẽ biết được150 triệu m3 nước đổ ra trong vùng thung lũng hẹp dài chưa đến 20km giữa hai sườn núi lại bị hàn kín phía hạ lưu sẽ gây nên lũ ngập bao nhiêu mét nước cho vùng thung lũng đó. Mong là các chuyên gia đừng quên xét đến các yếu tố này.

TRUNG HỒ

;
.
.
.
.
.