Những ý kiến thảo luận ở Quốc hội vừa qua, dù đã rất thẳng thắn cũng mới phản ánh được phần nào những bức xúc trong xã hội trước tình trạng giáo dục nói chung và đại học, cao đẳng hiện nay. Nhiều người băn khoăn rằng phanh phui những yếu kém trầm trọng trong giáo dục, đào tạo như báo chí lâu nay có làm người dân mất tin vào hệ thống giáo dục của nước nhà không vì khi đã mất niềm tin thì hậu quả thật khó lường.
Đúng là như vậy nhưng đó mới là đúng một nửa. Trong chữa bệnh, có khi công khi phạt. Tình hình giáo dục nói chung và đại học, cao đẳng nói riêng hiện nay đòi hỏi phải có liều thuốc đắng trị bệnh, tức là phải nhìn thẳng vào sự thật, công khai sự thật thì mới hy vọng tháo gỡ.
Xin nêu một vài con số chỉ ở riêng cấp đại học. Cả nước hiện nay có 376 trường đại học, tăng 3,7 lần so với 22 năm trước. Hai năm 2006 và 2007, bình quân mỗi năm có thêm 20 trường. Các trường trên có 1,7 triệu sinh viên, tăng 14 lần so với 22 năm trước. Có trường có tới 50.000 sinh viên, chủ yếu là sinh viên tại chức, rải khắp nơi trong nước và cao hơn mọi trường đại học trên thế giới. Trong khi số sinh viên nhiều như vậy thì số giáo sư chỉ chiếm 0,32%, số phó giáo sư chỉ chiếm 3,2% và số tiến sĩ chỉ chiếm 10,6% trong cán bộ giảng dạy, một kỷ lục thế giới về trình độ thấp của đội ngũ giáo viên.
Đã yếu kém về con người, nhiều trường đại học còn thiếu thốn nghiêm trọng về cơ sở vật chất, thiếu một hệ thống khoa và bộ môn phù hợp, thiếu giáo trình, thậm chí thiếu một điều sinh tử nhất tức là không rõ cả mục tiêu đào tạo. Trong các nhà trường, nhất là các nhà trường công lập, tư thục, tình trạng mất đoàn kết nội bộ, tài chính không rõ ràng, chương trình đào tạo chất lượng thấp khá phổ biến. Trước, đại học dân lập Đông Đô là điển hình, giờ đại học Đông Đô bị thay thế bằng hàng loạt trường khác mà mới nhất là đại học Phan Thiết qua loạt bài điều tra của báo Tuổi trẻ.
Ai cũng biết nhu cầu nhân lực đang là vấn đề nóng bỏng. Để đáp ứng được yêu cầu của phát triển và hội nhập, chúng ta cần thêm hàng triệu cử nhân, kỹ sư, 2 vạn tiến sĩ, hàng nghìn giáo sư, phó giáo sư. Nhưng giả sử chúng ta giảm đi một nửa số đó đồng thời kiên quyết nâng chất lượng đào tạo lên gấp đôi hiện nay thì sao? Nếu làm được điều đó chắc chắn sẽ tiết kiệm được nhiều của cải, thúc đẩy được khoa học kỹ thuật, kinh tế phát triển và tạo được một đội ngũ trí thức có thể vươn cao, vươn xa.
Nói như thế không có nghĩa là cổ vũ cho việc giảm số lượng đào tạo mà chỉ với mong muốn nơi nào đầu tư được thì kiên quyết đầu tư, nơi nào không đủ điều kiện thì kiên quyết giải thể hoặc sáp nhập để nâng cao chất lượng đào tạo, không nên kéo dài tình trạng đánh giá 20 trường tốp đầu thì cả 20 trường đều không đạt chuẩn như hiện nay.
Vũ Duy Thông