Cơn bão số 9 qua đi, nhưng những khó khăn để lại cho người dân miền Trung vẫn còn in đậm. Nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất cơn bão lũ lịch sử có thể nói là vùng quê nghèo huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Mấy tuần sau bão lũ, cả một vùng quê Đại Lộc vẫn lấm lem bùn đất. Người dân vừa dọn bùn vừa nhắc tới trận lụt mà cả trăm năm qua chưa một ai chứng kiến. Thương nhất là học trò. Các em vẫn phải đến trường giữa bao thiếu thốn, ngổn ngang.
Bùn sau 2 tuần vẫn đóng thành lớp ở hầu hết các trường học. |
Khó khăn chồng chất lên học trò nghèo
Nước lên nhanh, căn nhà cậu học trò Nguyễn Văn Thành, Trường tiểu học Trần Đình Trị (xã Đại Phong) ngập sâu trong nước lụt, cả gia đình phải trèo lên tận nóc. Nhà không kịp di chuyển thứ gì, dĩ nhiên sách vở và đồ dùng học tập của em cũng ngập sâu trong nước. Nước rút, mọi người trong gia đình đều được vận động để dọn dẹp nhà cửa. Suốt 1-2 tuần cũng chưa dọn xong đống bùn non tràn lan từ trong nhà, ra sân, ra ngõ. Thấy ba mẹ khó khăn, em cũng không dám xin tiền mua lại sách vở đã ướt nhép và lấm lem bùn đất. Ngày đi học, em chỉ đến trường với hai tay không.
Hoàn cảnh của Thành cũng chính là hoàn cảnh của hàng nghìn học sinh vùng lũ. Khác với học sinh của các nơi như thị trấn, thành phố, có thể nhanh chóng mua đồ dùng học tập, sách vở để đến trường, với học sinh vùng nông thôn, sau bão lũ, cái ăn còn thiếu, huống gì là sách vở. Đi khắp Đại Lộc, nơi nào cũng thấy sách vở của các em và cả thầy, cô giáo phơi ngang dọc. Sách thì còn hy vọng cứu được, vở thì tất cả đã nhòe nhoẹt. “Thấy con đến trường mà không có sách vở, cũng xót xa lắm, nhưng biết làm sao vì cả nhà xoay trần kiếm cái ăn sau bão lũ đã khó khăn biết mấy, làm gì có tiền mà mua lại sách vở. Hoa màu, gà vịt đều mất trắng!”, chị Trần Thị Hải (xã Đại Tân) ngân ngấn nước mắt, chia sẻ những trăn trở của vợ chồng chị về 2 đứa con nhỏ đang tuổi đến trường.
Thầy hiệu trưởng Trương Văn Anh, Trường tiểu học Đoàn Trị (xã Đại Tân) kể: khi nhà trường thông báo đi học trở lại sau lũ, trong 2-3 ngày đầu tiên học sinh đến trường vắng rất nhiều. Thầy cô trong trường đã gác qua một bên cái khó của mình, xuống tận nhà thăm các em. Có em suốt những ngày bão lũ, không có gì ăn vì gia đình làm thuê bữa nào ăn bữa đó, không có thức ăn dự trữ. Lũ rút, cũng không có gì ăn, không dám đến trường vì sợ ngất xỉu. Cái khó, cái khổ một lần nữa ập đến với những học sinh nghèo. “Mỗi lần lũ lụt, là mỗi lần tôi thấy học trò của mình già thêm một chút, vì các em đến trường với một nỗi lo sợ, sợ thầy cô kiểm tra sách vở, trong khi vở sách thì đã trôi theo nước lụt rồi! Nhìn các em mà ứa nước mắt!”. Thầy Anh tâm sự.
Nhiều học sinh vẫn chưa thể đến trường
Trường mẫu giáo Đại Hòa, hàng trăm học sinh vẫn chưa thể quay lại trường học. Gió bão phá tan cửa ngõ, lũ lụt kéo bùn đất vào trong tận lớp học, mọi cơ sở vật chất đều hư hỏng nặng. Dù giáo viên và phụ huynh cùng nhau nỗ lực sửa chữa, nhưng mọi thứ đều hư hỏng quá nặng, mà việc xin hỗ trợ không thể sớm được.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Trường tiểu học Trần Phước, cơ sở thôn Dục Tịnh, xã Đại Đồng, sân trường vẫn đóng một lớp bùn đất dày đặc. Phụ huynh, giáo viên được huy động đến dọn nhưng không thể xoay xở chuyển hết đống bùn đất cao như núi ra khỏi cơ sở trường học. Học sinh đến trường hết sức khó khăn. Trường tiểu học Đoàn Trị cũng không khá hơn, nhiều cơ sở của trường bùn đóng cao lên tận ngang mặt bàn. Nhiều giáo viên dọn bùn với bàn tay rớm máu, chân mỏi nhừ. Sách vở, thiết bị, cả tủ đựng tài liệu cũng bị nuớc lụt nhấn chìm. Nhiều trường vùng lụt vẫn tổ chức cho học sinh đi học trở lại, nhưng trên thực tế, các em chỉ có thể đến trường để học… chay. Giờ ra chơi không dám bước ra khỏi lớp vì bùn đất còn chất đống.
“Cứ cố gắng và hy vọng sẽ có nhiều đoàn cứu trợ về những vùng thiệt hại, giúp các em học sinh qua khỏi giai đoạn khó khăn này, không phải bỏ học giữa chừng!”. Mong muốn đó của thầy hiệu trưởng Trương Văn Anh, cũng chính là hy vọng của những thầy, cô giáo ở vùng quê Đại Lộc.
VIẾT THANH