.

Doanh nhân làm từ thiện

.

Thực tế cho thấy doanh nhân làm từ thiện không bao giờ nghèo đi mà sẽ ngày một giàu thêm. Làm từ thiện, không hẳn là chuyện marketing thương hiệu, mà trước hết là xuất phát từ đạo lý ngàn đời: làm lợi cho người cũng chính là làm lợi cho ta.

 

Có một doanh nhân rất “lạ”, hay làm từ thiện, nhưng chưa bao giờ chịu để cho cánh phóng viên tiếp cận viết bài, đưa tin. Hôm đó, anh cho cái hẹn với điều kiện chỉ để... uống cà-phê thôi. Sau khi nói hết chuyện trên trời dưới đất, tôi vòng vo một hồi rồi bắc qua chuyện làm từ thiện. Anh này, tất nhiên lúc đầu tỏ vẻ không hài lòng lắm, nhưng rồi cũng hiểu ra người đối diện muốn gì ở mình. Cuối cùng rồi anh cũng thổ lộ:

Làm từ thiện là đi “mua nghĩa”

“Mua nghĩa”? Cái tít này nghe có vẻ quen quen. Không để tôi thắc mắc lâu, anh kể chuyện Mạnh Thường Quân thời Chiến Quốc bên Tàu. Ông này giàu nứt đố đổ vách, trong nhà bao giờ cũng có hàng ngàn môn khách, trong đó có một người tên là Phùng Huyên. Lần nọ, họ Phùng nhận lời đi đòi nợ ở đất Tiết, hỏi Thường Quân: Tiền thu được thì mua gì? Thường Quân bảo: Thấy nhà mình thiếu gì thì mua. Đến nơi, Phùng gọi các con nợ tới, bảo: “Các người nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi đốt sạch các văn khế nợ.

Trở về, Phùng thưa: Tôi thấy Tướng công còn thiếu nghĩa nên đã mua nghĩa về. Thường Quân không nói gì. Mấy năm sau, Thường Quân bị bãi quan, do không được lòng nhà vua. Họ Phùng khuyên nên về đất Tiết! Bá tánh đất Tiết nghe tin, kéo nhau đón rước giữa đường, đông như trẩy hội. Nhà vua hiểu Mạnh Thường Quân vẫn còn thế lực, không thể xem thường, bèn triệu ông trở lại triều đình.

Anh kết thúc câu chuyện, giọng đầy triết lý: Doanh nhân ngày nay làm từ thiện, xét trên một bình diện nào đó, chẳng khác đi “mua nghĩa” trong câu chuyện xưa. Có điều, bây giờ không đợi đến khi sa cơ thất thế thì người “mua nghĩa” mới được đền đáp, mà ngay trong cái sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, họ đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến và ủng hộ sản phẩm của mình.

Sau cơn bão số 9 dữ dằn vừa rồi, nhiều doanh nhân từ TP.Hồ Chí Minh đưa hàng ra cứu trợ khẩn cấp đồng bào miền Trung bị thiệt hại. Hãy thử liên hệ cái chuyện “mua nghĩa” xưa với hoạt động từ thiện dồn dập này.

Ông Ngô Tấn Quân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cho biết, mỗi năm doanh nghiệp ông làm công tác xã hội, từ thiện khoảng 5-6 tỷ đồng, ngoài thiên tai miền Trung, còn ủng hộ Trường Sa, Ủy ban MTTQ các nơi. Lần này, đưa sản phẩm của mình ra cứu trợ đồng bào 5 tỉnh, thành miền Trung bị bão lụt, ông mong muốn chia sẻ nỗi đau của bà con và không quên quảng bá sản phẩm của mình: Hàng này không cần nấu nướng, bà con có thể dùng liền.

Ông Đặng Công Mỹ, Giám đốc Chi nhánh VISSAN Đà Nẵng, đơn vị từng thực hiện nhiều hoạt động từ thiện trên địa bàn Đà Nẵng và vùng phụ cận, chia sẻ khi tham gia cứu trợ bão lụt lần này: “Doanh nghiệp khi có lợi nhuận, phải có trách nhiệm chăm lo cộng đồng. Làm từ thiện cũng là cách gửi lời cảm ơn tế nhị đến cộng đồng”.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thái CORP, mang sản phẩm cá hộp hiệu Ba Cô Gái trị giá 1 tỷ đồng từ KCN Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, ra cứu trợ đồng bào bị thiên tai từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên-Huế. Hỏi chuyện “mua nghĩa”, thì được doanh nhân trẻ này bộc bạch: “Sau đợt này, theo cách nói của anh thì không biết có phải gọi là mua nghĩa hay không, chúng tôi sẽ có chính sách ưu đãi bán hàng chỉ bằng nửa giá dành cho khách hàng miền Trung nằm trong vành đai bị bão lụt hằng năm”.

Vẫn là chuyện cách cho

 

Nghiệm lại, mới thấy chuyện “mua nghĩa” không mới, các đại gia phương Tây đã thực hiện lâu rồi và mang lại những kết quả ngoài mong đợi.

Bill Gates, người giàu nhất thế giới, đã góp hơn 10 tỷ USD cho công tác từ thiện, nhân đạo. Nhờ đó, hàng trăm triệu người dùng máy tính trên thế giới có sử dụng phần mềm Microsoft đều có cảm tình với Gates, ai cũng mua sản phẩm của ông và làm ông càng giàu thêm.

Trước đó, tháng 9-1997, trùm hãng truyền thông CNN, tỷ phú Ted Turner, tuyên bố tặng 1 tỷ USD (1/3 tài sản của ông) vào việc kế hoạch hóa sinh đẻ và phòng chữa các bệnh truyền nhiễm của LHQ. Ông không hề xấu hổ khi tuyên bố: “Tôi thấy là mình càng làm nhiều việc tốt thì càng thu được lắm tiền”.

Suy nghĩ của Ted hoàn toàn đúng: đến năm 2001, tài sản của ông lên đến 9 tỷ USD, gấp 3 lần tài sản năm 1997. Trong lúc đó, một đối thủ cạnh tranh của ông là Murdoch lại rơi vào tình trạng bi đát. Tuy Murdoch cũng làm từ thiện, nhưng chỉ với 10 triệu USD, quá ít ỏi, để xây một nhà thờ tại Los Angeles, nên thiên hạ không ưa. Trước, ông này giàu hơn Ted, nhưng đến năm 2001 thì lại nghèo hơn Ted 1 tỷ USD!

“Mua nghĩa” như thế quả là một hình thức marketing lợi hại trên thương trường. Có điều, trong lúc doanh nhân trên thế giới xem đó là một công cụ thì dường như doanh nhân người Việt vẫn còn coi nó như là một nghĩa cử, một tấm lòng. Bà Phạm Thị Bảo Chinh, Trưởng bộ phận Gây quỹ của Saigon’s Children Charity (một quỹ từ thiện phi chính phủ hoạt động rất hiệu quả) cho rằng, trong số các doanh nghiệp làm từ thiện hiện nay có khoảng 40% đơn thuần chỉ làm từ thiện, 40% với mục đích marketing và 20% còn lại là cả hai lý do trên. Bao giờ thì doanh nhân Việt coi việc làm từ thiện là công cụ marketing và thẳng thừng tuyên bố với bàn dân thiên hạ như ông trùm truyền thông CNN?

Nhiều doanh nhân người Việt vẫn còn coi từ thiện như là một nghĩa cử, một tấm lòng.

Quay lại với doanh nhân “khó tính” ở trên. Anh này vẫn biết lợi hại của sự “mua nghĩa” trên thương trường, nhưng chưa muốn quảng bá cho việc làm của mình, ngại xã hội liệt mình vào trong số 40% doanh nghiệp làm từ thiện cốt để được cái tiếng đó. Bởi, từ thiện không chỉ là một hoạt động xã hội, mà còn là một thứ văn hóa, một nghệ thuật:

Cách cho hơn Của cho. Điều này đã được nhà văn Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam, đúc kết: “Làm từ thiện để quảng bá thương hiệu, tốt thôi, nhưng đừng phô trương quá! Người ta vẫn xúc động trước những giỏ bánh chưng, bánh giò của các bà, các bà mẹ âm thầm gửi đến đồng bào miền Trung trong cơn lũ hơn là xem một cuộc đấu giá rình rang lấy tiền làm từ thiện...”.

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.