Chống cây nạng gỗ dẫn tôi ra đồng, ông Nguyễn Đảng chỉ vào những đám ruộng vẫn còn ngập nước dù trận lụt đã đi qua cả tháng, giọng ông hạ xuống: “Đất này mùa tới là chịu rồi, mùa tiếp theo cũng không biết khôi phục có được không, vì bây giờ nó trở thành ruộng ngập úng. Bà con chừ đói thì không đói, nhưng rất căng vì chi phí cho giống má mùa trước còn chưa xong, lấy gì trang trải cho mùa sau...”.
Thiên tai hay “nhân tai”?
|
Với những người nông dân như ông Đảng, hơn 50 năm gắn bó với từng gốc rạ, mảnh ruộng, bàn chân lúc nào cũng hăng hắc mùi bùn, đã chứng kiến nhiều đợt thiên tai gây họa cho con người, nhưng ông chưa bao giờ có thể ngờ, một đợt mưa sớm đầu mùa khi lúa đang kỳ ngậm sữa, tiếp theo là cơn bão và trận lụt liền sau đó khiến cánh đồng làng Giáng Đông quê ông ruộng bị hư hại nặng.
Trong tổng diện tích 47,5 ha, đã có 12 ha lúa mất trắng với khoảng 160 tấn. Vụ đông xuân tới có khả năng 7 ha ruộng phải bỏ, không có cách gì cải thiện. Một số diện tích còn lại vẫn cho thu hoạch nhưng chất lượng lúa không cao do lúa vừa trổ xong bị ngậm nước, hạt gạo không ngon.
Ông Đảng làm trưởng thôn Giáng Đông, mỗi mùa từ khi làm đất đến khi gieo, gặt, ông đều theo sát để bà con làm đúng lịch thời vụ và vụ đông-xuân, lúa luôn đạt 65 - 70 tạ/ha, vụ hè thu thấp hơn cũng được con số 58-60 tạ/ha. Theo ông, giống lúa trung ngày hiện nay cho năng suất, chất lượng khá, bà con cũng đã tuân thủ nghiêm ngặt lịch gieo trồng, nhiều năm nay được mùa.
Các năm trước cũng có những đợt mưa lớn đầu mùa, lũ sớm nhưng thời tiết năm nay diễn biến khác thường. Mưa lớn đã xảy ra nhiều lần, nhưng chưa bao giờ Hòa Châu trở thành túi nước như thời gian vừa qua. Từ sáng đến chiều, hầu hết diện tích lúa bị ngập nặng. Sau đó lúa bị ngâm 10 ngày liền do nước không thoát được.
Ông Nguyễn Phụ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu, nói mà như than: “Chúng tôi không thể chủ động được chuyện ruộng bị ngập úng, tiêu thoát nước như thế nào khi cả xã Hòa Châu bị tác động bởi các dự án. Dự án khu nam cầu Cẩm Lệ ảnh hưởng đến cả vùng Quan Châu, vì cao trình đáy cống của công trình cao hơn công trình thoát nước đến 20 phân, nước thoát không kịp.
Và cống bi chìm thoát nước của đường 409 thì không đủ lớn để thoát nước, ảnh hưởng lớn đến diện tích của toàn Hòa Châu và một phần xã Điện Hòa (Quảng Nam). Các công trình, dự án khi triển khai, địa phương chúng tôi không bao giờ được tham khảo ý kiến, đến khi công trình gây ảnh hưởng, thì người dân chịu thiệt hại đầu tiên”. Khi nông dân chịu thiệt hại, ai gánh trách nhiệm?
An ninh lương thực tại chỗ
|
|
Bà Quy thở dài “mấy năm trước gặt xong, mỗi sào thu được 5 bao, mấy mẹ con bà cháu thừa ăn, có dư chút ít để cho con bé đi học; thế mà giờ bòn mót trên đám ruộng, cắt nửa, bỏ nửa chỉ được 9 bao chưa gie. Hồi mô đến chừ chỉ bị mất mùa do sâu, rầy; chừ làm theo lịch thời vụ mà còn mất. Tiền công, phân bón đại lý đến đòi cũng chưa biết lấy chi trả”.
Trước mắt, người nông dân Đà Nẵng chưa đói do mất mùa vụ hè thu, nhưng vấn đề lương thực có thể bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng tới do bà con tin tưởng vụ này được mùa, đã bán hết lúa của vụ đông xuân trước, trong khi phải đến tháng 4 mới thu hoạch cho vụ tiếp theo.
Đi đến những vùng làm nông nghiệp của thành phố, bà con đều lo vấn đề lương thực trong vài tháng tới, ở thời điểm giáp hạt. Tại xã Hòa Liên, 297 ha bị ngập úng trong 10 ngày đã để lại hậu quả khá nặng nề: 68 ha bị mất trắng, 113 ha bị thiệt hại từ 50-70%, hơn 100 ha bị thiệt hại từ khoảng 30 - 50%... Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, trước mắt xã đã đề nghị Sở Nông nghiệp-PTNT Đà Nẵng hỗ trợ 21 tấn giống lúa cho bà con; còn chuyện cứu đói cho dân trong những tháng tiếp theo, xã vẫn chưa biết triển khai thế nào, nếu như không có sự hỗ trợ từ thành phố.
Với tổng diện tích canh tác còn khoảng 4.000 ha, khoảng 200.000 nông dân Đà Nẵng (chiếm 1/4 dân số thành phố) lâu nay sản xuất, tự cung tự cấp được ở ngay trên vùng đất này. Với điều kiện mưa thuận gió hòa, hạn chế sâu bệnh ở mức thấp nhất, nông dân không phải lo đến vấn đề lương thực. Nhưng nay gặp thiên tai, bà con đang đứng trước những lựa chọn khó khăn: bám ruộng hay bỏ ruộng?
Người nông dân cả cuộc đời làm ruộng, khoảng giữa mùa vụ, rảnh rỗi có thể kiếm nghề thợ hồ, buôn bán qua quýt, nhưng vẫn không bỏ ruộng vì đó là nghề, là nghiệp. Họ quẩn quanh trong sự lựa chọn, phân vân và trông chờ một sự thay đổi, để việc làm nông cho thu nhập cao, ổn định, không bị tác động bởi thiên tai hay bất kỳ một biến cố nào khác. Ông Nguyễn Quang Nga, Chủ tịch Hội Nông dân Đà Nẵng trăn trở “vấn đề lương thực tại chỗ rất quan trọng. Rau, trứng, thịt phải đáp ứng tại chỗ, không thể phụ thuộc vào nơi khác. An ninh lương thực, thực phẩm không thể chỉ có tiền là được”.
Đầu tư cho nông nghiệp: Còn thấp
Hơn 5 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp Đà Nẵng chuyển từ 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ ăn chắc, tuân thủ gieo trồng đúng lịch thời vụ. Nhưng trước diễn biến ngày một bất thường của thời tiết cộng với những tác động có nguyên nhân chủ quan từ con người, khái niệm “ăn chắc” đã không còn. Trong khi đầu tư của thành phố cho ngành nông nghiệp được đánh giá là khá thấp.
Ông Thái Văn Quang, Trưởng phòng Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp-PTNT Đà Nẵng cho rằng, với 85% kênh chính nội đồng (do sở quản lý) đã được bê-tông hóa, còn kênh nội đồng do huyện, xã quản lý chỉ mới kiên cố được 12%, còn lại là kênh đất. Nhưng nguồn vốn của huyện, xã cũng không có nhiều, nông dân không có khả năng góp vốn nên chuyện đầu tư này vẫn còn khá xa.
Thành phố cũng đã chi cho ngành nông nghiệp 400 triệu đồng để đầu tư cho giống lúa và rau. Nhưng với 300 triệu đồng để mua giống lúa, chỉ đáp ứng chưa đến 10% diện tích (30 tấn) trong khi vụ đông xuân cần đến 360 tấn giống. Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm TP. Đà Nẵng cho rằng, hiện nay, ngoài chuyện giống lúa, người làm nông còn bị ảnh hưởng lớn bởi vấn đề cơ giới.
Mỗi xã chỉ có vài chiếc máy cày, máy gặt đập liên hợp rất ít. Tưởng chuyện nông dân bỏ trâu thay máy là điều đáng mừng, nhưng máy lại không có đủ khiến nông dân dễ bị động trong việc đăng ký thuê máy để làm kịp thời vụ. Chi phí cho một mùa vụ quá cao, trong khi cuối vụ thu lại khá thấp hoặc huề vốn. Người làm nông nghiệp chỉ có đủ ăn, rủi, may không ai đoán trước, nên nông dân vẫn chưa thể có đời sống khấm khá hơn.
Câu chuyện đầu tư cho nông nghiệp và nâng cao đời sống người nông dân vì thế vẫn còn là câu chuyện dài...
Hoàng Nhung