.

Đồng tiền đi đâu, vào đâu

Mỗi khi đến kỳ phải đóng tiền quỹ, người dân vẫn tỏ vẻ không vui. Không hẳn là họ không muốn đóng góp, bởi quỹ nào cũng mang những cái tên đầy nhân tình, nhân ái: Quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, bảo trợ trẻ em, v.v…, và những khoản đóng góp đột xuất thì không thể thống kê hết.

Trong số quỹ dân đóng, duy có quỹ phòng chống lụt bão hằng năm là bắt buộc, còn lại là tùy tâm. Nhưng dân đâu đủ hiểu để phân biệt. Gọi là “tự nguyện” nhưng không ít phường, xã lại đưa ra chỉ tiêu. Khi được hỏi: Vì sao quỹ tự nguyện lại phải đặt ra chỉ tiêu? Ông cán bộ cơ sở hồn nhiên trả lời: “Tự nguyện là từ tâm của dân, còn đặt ra chỉ tiêu là để phấn đấu. Đóng góp càng nhiều càng tốt chứ sao”.

Tại một phường ở quận 10, TP. Hồ Chí Minh có ông tổ trưởng đã nói rõ ý nghĩa và thực chất đề ra chỉ tiêu: “Các quỹ, tuy thực hiện theo hình thức vận động, người dân tự nguyện đóng góp, nhưng có chỉ tiêu và quy định mức đóng góp. Các hộ dân phải thực hiện theo mức quy định này”. Còn ở một phường khác, ông Chủ tịch UBND tuyên bố rõ ràng hơn: “Các khoản huy động đóng góp trong dân là “theo quy định của pháp luật và theo tinh thần tự nguyện.

Dù vậy cũng phải theo định mức mà quận đã giao”. Còn một vị Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh nọ nghiêm túc trả lời báo chí: “Các loại quỹ tự nguyện mà bắt dân đóng theo quy định là không đúng, mà cũng… không sai. Vì nếu để người dân tự nguyện đóng góp thì xã sợ thu không đủ chỉ tiêu trên giao”!?. Có những địa phương, khi người dân đóng chậm là bị cắt điện, gây khó dễ. Có nơi con đi học đã đóng tiền xây dựng học đường. Về địa phương, bố mẹ lại phải đóng góp theo quy định của xã. Có gia đình không cày cấy, ruộng nương, cũng có giấy gọi đóng “thủy lợi phí”.

Tiền cho an ninh quốc phòng, cho lụt bão, cho người cao tuổi… đi đâu, vào đâu, dân khó mà biết. Còn quỹ đóng góp để làm đường sá, nâng cấp hạ tầng phường, xã thì rõ ra đó: Nâng cấp được mấy mét đường, khơi thông được bao nhiêu cống ngầm, cống nổi, v.v... Vậy mà dân nào có hay biết. Xã, phường có loa truyền thanh, có văn phòng thông báo, có bản tin. Tiếc gì mà không công khai thông báo cho dân hay, dân kiểm tra và rồi dân lại tiếp tục đóng góp với một tinh thần thực sự tự nguyện.

Chính phủ đã có chỉ đạo: “… Các khoản huy động nhân dân đóng góp phải được công khai trên loa phát thanh, hoặc niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND cấp xã, hoặc thông qua trưởng thôn, tổ dân phố…”. Nhưng trong thực tế có mấy địa phương công khai, dân chủ với dân. Đó chính là nguồn gốc của những tiếng ta thán, ngờ vực.

Dân ta còn nghèo, bươn chải kiếm tiền nuôi gia đình, cho con ăn học đã quá vất vả. Lại thêm những khoản đóng góp ở địa phương, quả là gánh nặng. Nhưng không vì thế mà dân không đóng góp đầy đủ. Chỉ băn khoăn: Quỹ vì người nghèo có đến được với đối tượng nghèo đói không? Quỹ khuyến học có đến được với những trẻ khuyết tật vượt khó học hành, những trẻ cơ nhỡ thiếu bút mực, sách vở...? Lẽ nào không tin vào cán bộ? Tin thì có tin nhưng băn khoăn thì không phải thiếu cơ sở.
 
Địa phương bị lũ lụt những năm qua, nếu không có báo chí phát hiện thì dân sao tường nơi này nơi nọ ăn chặn, bớt xén tiền cứu trợ cho dân. Dịp Tết năm qua, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ các hộ nghèo để ai cũng có mấy ngày Tết đón xuân, đầm ấm. Vậy mà không ít tiền đã chui vào túi cán bộ xã, thôn.

Dựa vào dân, trước hết hãy dân chủ, công khai, dẫu trăm khó khăn dân liệu cũng xong.

KÍNH HIỀN

;
.
.
.
.
.