.

Gần nhau trong bão

.

“Siêu bão số 9” vừa đi qua thành phố Đà Nẵng, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại, hàng ngàn cây xanh ngã đổ, đường phố tan hoang. Người dân làm ăn xa và trong những xóm trọ khốn khó lại càng điêu đứng bởi bão dữ, nhưng cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, tình người đã khiến họ gần nhau hơn.

Nghèo gặp eo

 

Chị Lưu Thị Mai, 30 tuổi, trú nhà số 10, khu B1 dãy nhà liền kề, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu chưa hết bàng hoàng khi bị bão số 9 “tấn công” vào nhà. Lúc đó khoảng 6 giờ sáng ngày 28-9, mái tôn nhà chị bất ngờ bị lật tung, gió thốc kèm theo mưa nặng hạt khiến ngôi nhà vốn trống trơn nay lại bị bão lớn quét sạch hết đồ đạc. Không chỉ mình chị Mai, mà 5 hộ dân xung quanh cũng tốc mái tương tự. Hoảng loạn, chị bồng 2 con nhỏ, đồng thời dìu người mẹ già toan chạy ra khỏi nhà thì ngoài kia gió rít như muốn hất tung những gì phía trước, đồng thời những tấm tôn mỏng liếc ngang dãy nhà liền kề bén như dao cắt.

Tại xóm trọ nằm gần đường sắt ngang qua phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, gần 10 phòng với khoảng 50 người nhận được lệnh di dời của UBND phường, bởi dãy nhà trọ cấp 4 đã xuống cấp quá xập xệ, một số phòng bờ tường đã rệu rã, mái ngói chèn chắn không an toàn.

Đa số đều đồng hương Hậu Lộc, Thanh Hóa vào Đà Nẵng làm đủ mọi nghề sinh nhai, họ chỉ kịp gói ghém ít quần áo và vật dụng nấu nướng di tản vào Trường tiểu học Lê Văn Tám gần đó. Toàn bộ xe đẩy bán hàng rong và những vật dụng khác đành khóa cẩn thận và bỏ lại xóm trọ. Chị Lê Thị Ngọc B (39 tuổi, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) xót xa: “Chúng tôi vừa di tản qua trường học, nhưng nghe tin bờ tường nhà tôi trọ sập làm hư hỏng xe máy và vài vật dụng khác, thiệt hại vậy thì xem như Tết này không thể đưa cháu bé vừa sinh về thăm ông bà rồi”.

Tại trụ sở Quận ủy Liên Chiểu, hơn 100 người dân khu vực ven biển Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam mệt mỏi nằm la liệt tại bất cứ nơi đâu để chợp mắt. Trước đó, lệnh di tản được áp dụng khẩn cấp từ 14 đến 19 giờ ngày 28-9 khiến họ không thể di dời kịp tài sản. Mặc dù cửa nẻo đã khóa cẩn thận, nhưng sóng biển liên tục xâm thực và ập vào nhà dân khu vực ven biển Nam Ô khiến toàn bộ vật dụng điện máy còn trong nhà không thể cứu vãn.

Gần nhau hơn trong mưa bão

Xóm trọ phường Thanh Khê Đông dọn đồ đạc đến trường Lê Văn Tám ở tạm.

 

Khu nhà liền kề dành cho phụ nữ nghèo đơn thân ở phường Hòa Minh có tổng cộng 265 hộ, đa số các hộ dân đều thiếu vắng người đàn ông trụ cột của gia đình. Con trai đến độ tuổi trưởng thành của khu nhà này cũng ít ỏi nên làm không xuể công việc chằng chống bao cát trên nóc nhà. Ngay chiều 29-9, toàn bộ các hộ dân đã được đưa sang Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh cùng địa bàn. Phòng học nhanh chóng biến thành nhà dã chiến cho các hộ dân trú ngụ.
 
Hơn 10 hộ dân tập trung trong một phòng học. Chị Đoàn Dương Ngọc Trinh, 44 tuổi, nhà số 10 khu B1 dọn ra nồi cá nục kho; chị Dương Thị Vy, 43 tuổi dọn ra nồi cơm điện vừa cắm khi trưa chưa kịp ăn đã nhận lệnh di tản. Bữa cơm chiều tại Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh đạm bạc với nồi cá kho và gần hai chục miệng ăn nhưng thấm cái nghĩa tình xóm giềng.

Bữa cơm ngày bão tại Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh.

Tình làng nghĩa xóm càng thấm đượm hơn trong điều kiện mưa bão khắc nghiệt. Làng Hồng Phước, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu nằm ở vị trí trũng thấp, khi nhận được lệnh di tản, 11 thanh niên trong làng đã tình nguyện ở lại giữ gìn tài sản và đồ đạc cho bà con yên tâm di tản.

Tuy nhiên do nước lũ lên nhanh, rạng sáng 29-9, cả làng đã bị nước ngập gần đến nóc nhà. May mà lực lượng phối hợp kịp thời dùng xuồng cao su tiếp cận, những thanh niên này đã được bình yên.

Những ngày này, có dịp đi qua Quốc lộ 14B đoạn xã Hòa Khương, Hòa Phong, huyện Hòa Vang, người ta sẽ thấy nhiều hộ dân cùng giúp nhau dựng chuồng trại dọc theo quốc lộ. Bởi lẽ khi lũ lên, toàn bộ gia súc và vật dụng gia đình sẽ được đưa lên vị trí này, và người dân thay nhau trông giữ, không phân biệt, nề hà.


Trọng Nghiệp

 

 

;
.
.
.
.
.