.
Giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê:

Tôi chỉ là người đem hạt giống...

.

Ngày 30-9 và 1-10 vừa qua, hai di sản của Việt Nam vừa được UNESCO vinh danh, trong đó ca trù được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và quan họ Bắc Ninh được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Song, danh hiệu không bảo đảm được sức sống trường tồn của di sản nếu không bảo vệ nó. GS-TS Trần Văn Khê, thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc UNESCO cho rằng, cần phải bảo vệ âm nhạc truyền thống của dân tộc trong sự sống.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê
Được sinh ra trong một gia đình 4 đời là nhạc sĩ nên âm nhạc đã ăn sâu vào máu huyết của GS-TS Trần Văn Khê. Từ nhỏ, cậu bé Khê khi biết nói là biết ca và được học đàn kìm, đàn cò, đàn tranh. Năm 12 tuổi, ông đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ. Hơn 50 năm sống ở nước ngoài, ông hiểu sâu sắc những cái hay, cái đẹp, sự thuần khiết, tinh tế và phong phú của văn hóa Việt Nam, đặc biệt là âm nhạc dân tộc. Hình ảnh của ông từ lâu đã trở thành biểu tượng cho âm nhạc dân tộc Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Cần cấp tốc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học

TP. Hội An (Quảng Nam) những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản vào giữa tháng 8-2009 thu hút rất nhiều bạn trẻ tham dự. Trong buổi nói chuyện của GS-TS Trần Văn Khê về đặc thù của âm nhạc kịch nghệ truyền thống Việt Nam, những người nghe say sưa và hào hứng cũng là những gương mặt rất trẻ. Vị giáo sư đáng kính nói: giới trẻ ngày nay cần phải biết ca trù là gì, đánh phách là gì, đánh trống chầu là như thế nào… Nếu không, trong bối cảnh xã hội hiện đại với sự xâm nhập của văn hóa phương Tây, những loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc sẽ bị mai một.

Rồi giáo sư hát bằng nhiều giọng trong tuồng cổ mà ông lý giải là giọng mé, giọng hầu, giọng ngực, giọng ngang, giọng ruột. Ông còn nói về ngữ khí trong tiếng cười bao gồm: cười trung, cười nịnh và cười dê. GS-TS Trần Văn Khê cho rằng, đó chính là những đặc điểm của âm nhạc kịch nghệ Việt Nam mà không phải bạn trẻ nào cũng biết nếu không đam mê và không tìm hiểu.

GS-TS Trần Văn Khê cho rằng, trong mối quan hệ tổng thể của văn hóa, âm nhạc dân tộc đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng nhiều người Việt Nam khi được hỏi chầu văn và ca trù khác nhau như thế nào thì không biết; trong khi lẽ ra phải biết ít nhất rằng, đàn trong ca trù là đàn đáy, đàn trong chầu văn là đàn nguyệt. Chầu văn là một loại hình âm nhạc tín ngưỡng, còn ca trù là nghệ thuật âm nhạc thính phòng.

Trong chầu văn, dựa vào trang phục, người ta biết người biểu diễn thuộc phái nào: thiên phủ mặc áo đỏ, thủy phủ mặc áo trắng, thượng ngàn mặc áo xanh lá cây, địa phủ mặc áo vàng. Phách của ca trù có âm - dương, trống của Việt Nam cũng có âm - dương. Vì thế, các trường học nên dạy cho học sinh biết ca trù, chầu văn, quan họ là gì, đối ca nam nữ được hát ở đâu và hát lúc nào. Theo giáo sư, cần khẩn cấp đem âm nhạc vào trường học, khẩn cấp ghi hình lại các nghệ nhân để xem cách ngồi - cách đứng như thế nào. Bởi lẽ, nghệ thuật không chỉ đơn thuần là âm thanh, không chỉ là cách hát, mà còn phải tính đến âm thanh phù hợp với cách hát, ngoại hình phù hợp với nội dung.

Bảo vệ âm nhạc dân tộc trong sự sống

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chụp ảnh chung với GS-TS Trần Văn Khê và NSƯT Hải Phượng. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải (người đứng thứ hai, từ phải sang). (Ảnh chụp tại Hội An, Quảng Nam tháng 8-2009)

 

Theo GS-TS Trần Văn Khê, những buổi nói chuyện của ông về âm nhạc dân tộc cho thấy giới trẻ không thờ ơ với âm nhạc dân tộc, nhưng không có ai mở đường cho giới trẻ đến với âm nhạc dân tộc. Ông khẳng định: “Đó là trách nhiệm của người lớn, đó là lỗi của người lớn”. “Các bạn trẻ thấy cái hay của người thì làm sao mang cái hay đó thành cái hay của mình, để phát triển cái của mình lên, chứ không thay thế, chúng ta phải bổ sung mà không thay thế”, vị giáo sư nhấn mạnh khi nói đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ông kể, trong những buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế, khi nói về câu hò, thay vì chỉ nói đơn thuần câu hò là như thế nào, ông đã nói về phong cách của người Việt Nam. Ở phương Tây, sau khi làm việc, người ta thường khiêu vũ, còn người Việt Nam thường hát đối. Người phương Tây khi nói cảm mến nhau, thương nhau thì nói thẳng. Người Việt Nam khi muốn nói thương nhau lại mượn những hình ảnh mang hàm ý để diễn tả tình cảm, chẳng hạn như đưa ra gió để đối với trăng, trăng đối với gió, rồi mới nói đến chuyện thương nhau:
 
“Gió đưa trăng, trăng đưa gió, anh thương nàng, nàng thương lại”; hay như khi nói về sự sắt son bền lòng của người con gái thì có câu hò: “Ngó lên trời, trời trong mây trắng, ngó dưới nước, nước trắng lại trong. Nhỏ như ai chứ nhỏ như em đây chắc dạ bền lòng, lỡ duyên thì em chịu lỡ, chứ em đóng chặt cửa loan phòng đợi anh”. Nét mặt của ông ánh lên niềm tự hào: “Âm nhạc dân tộc Việt Nam hay và tinh tế như thế, chứ không phải cứ đem những gì từ nước ngoài vào thì bảo là hay và độc đáo”. Ông nói, người phương Tây nghe những câu hát đầy hình ảnh và ý nhị như trên cảm thấy rất khâm phục và cho rằng dân tộc Việt Nam yêu thi ca, yêu cái tế nhị biết nhường nào.

Trong câu chuyện của vị giáo sư là nỗi niềm, trăn trở về sự kế thừa của âm nhạc truyền thống trong lớp trẻ. Cả cuộc đời của ông trong nghiên cứu, biểu diễn, giảng dạy về âm nhạc, ông đều hướng về nguồn cội với mong mỏi giữ gìn, phát huy và bảo vệ những giá trị văn hóa của dân tộc. Giờ đây đã 88 tuổi, ông vẫn đau đáu nỗi lo, mai đây khi lớp nghệ nhân như ông qua đời thì âm nhạc dân tộc - tài sản quý báu này sẽ bị lớp bụi bao phủ theo thời gian.
 
Ngày 30-9 và 1-10 vừa qua, hai di sản của Việt Nam vừa được UNESCO vinh danh, trong đó ca trù được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và quan họ Bắc Ninh được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Song, danh hiệu không bảo đảm được sức sống trường tồn của di sản nếu không bảo vệ nó. GS-TS Trần Văn Khê cho rằng, cần phải bảo tồn âm nhạc truyền thống của dân tộc một cách tích cực, nghĩa là bảo vệ trong sự sống.
 
“Nếu bây giờ không có các biện pháp để bảo tồn âm nhạc dân tộc Việt Nam thì trong 20 năm nữa sẽ không còn bản sắc Việt Nam và không còn âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ngay cả tính từ “dân tộc” cũng bị hiểu sai, người ta cứ cho rằng cái gì dân tộc dùng thì sẽ là “dân tộc”, trong khi phải hiểu rằng “dân tộc” là cái gì do người dân tộc đó sáng tạo ra, chắt lọc cái hay, truyền từ đời này sang đời kia, chịu thử thách của thời gian, gây xúc cảm và khiến mọi người yêu thích. Đó mới là “dân tộc”, đó mới là trường tồn. Tôi chỉ là người đem hạt giống ra, nhưng không có ai gieo trồng. Những hạt giống này nếu biết gieo, biết chăm sóc sẽ trổ ra cây xanh trái tốt”, GS-TS Trần Văn Khê nói.

Phúc Nguyên

;
.
.
.
.
.