.
Giới thiệu sách

Cuộc thám hiểm tình yêu của giới trẻ

.

Là tác phẩm đầu tiên lọt vào chung khảo giải thưởng Văn Bách Việt năm 2009, “Thể xác lưu lạc” * của tác giả trẻ Tiến Đạt (sinh năm 1975, quê quán Quảng Ngãi, tốt nghiệp Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) là cuộc hành trình tìm kiếm tâm hồn người trẻ, những ẩn khuất đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo giới phê bình văn chương, “Thể xác lưu lạc” vừa là một tiểu thuyết tâm lý-xã hội, vừa là bản tường trình phân tâm học về những con người Việt Nam thời hiện đại.

 

Cuốn sách dày 227 trang, đề cập nhiều đến đời sống tình dục của những con người với những nỗi cô đơn không thể tỏ bày. Trong đó, có người vật vã muốn thoát khỏi nó, nhưng phần đông là những kẻ bị nhấn chìm. Tác giả đã miêu tả đời sống tình dục như một đêm dài, với hình ảnh nổi bật là một người đàn ông đang tìm cách đi về phía ngày mới. Nhưng song hành cùng mỗi bước đi của anh, bóng tối từ bên ngoài cứ không ngừng đổ xuống từng mảng.
 
Đó là Trần – một chàng trai đào hoa, có sức cuốn hút kỳ lạ với phụ nữ, chìm đắm trong những cuộc tình “không đầu không cuối”; đó là Trâm – một cô gái xinh đẹp, nhưng luôn có những ý nghĩ lạ lùng, chìm trong nỗi suy tư sâu kín. Họ yêu nhau từ lúc vào đại học và xa nhau vào đúng ngày Trần chở Trâm bằng xe đạp đến trường nhận bằng tốt nghiệp đại học. Một sự “biến mất” đầy uẩn khúc mà Trần không dám tìm hiểu tận tường. Nhiều người đàn bà đã đến với Trần, dù sâu sắc hay chỉ duy nhất một đêm thì đều gặp nhau ở một điểm, đó là họ tự nguyện đến với Trần bằng thứ đam mê bản năng không đòi hỏi trách nhiệm. Họ đến với anh bởi sự cô đơn trong tâm hồn, bởi sự tẻ nhạt trong cuộc sống, và rồi cùng bỏ anh đi.

Bằng lối kể đan xen sự kiện và cảm xúc giữa hiện tại và quá khứ, “Thể xác lưu lạc” của tác giả trẻ Tiến Đạt không dừng lại ở nỗi cô đơn của lớp trẻ, mà nỗi cô đơn đó còn tìm về quá khứ, nơi cha mẹ của Trần, cha mẹ của Trâm… đã sống cùng những bí mật, những đau đớn không thể nói ra, để rồi những đứa con của họ hồ nghi, “mù mờ” về chính mình. Kết thúc câu chuyện, Trần trở về với căn nhà của mình, nơi có người vợ vẫn đang đợi anh dù rằng cô là người đề nghị ly thân. Thể xác lưu lạc hay chính tâm hồn lưu lạc? Sau những day dứt với quá khứ, sau những sự kiện hiện tại, Trần giật mình nhận ra rằng: Quá khứ đã ngủ yên, người ta không thể sống mãi bằng quá khứ. Cho dù đi bên cạnh cuộc đời mỗi con người vẫn có những mùa gió cũ quay ngược chở nặng ký ức xao động.

Theo nhà văn Mai Sơn: “Thể xác lưu lạc” là một cuộc thám hiểm thành công của những người trẻ. Khi trang sách cuối cùng khép lại, người đọc đã tự tìm thấy câu trả lời gián tiếp qua cách nhân vật chính quyết định giảm trừ những gì nặng nề của vật chất – xã hội, để cho thân xác được nhẹ nhõm và sảng khoái. “...Trong tiểu thuyết “Thể xác lưu lạc”, Tiến Đạt cũng có thể làm độc giả giật mình khi ngòi bút sắc ngọt của anh không ngừng khám phá những tình huống mà ở đó các nhân vật của anh bị dẫn dụ hay khuất phục trước sự réo gọi của thân xác... Sức mạnh của thế giới sắc dục quá lớn đến nỗi đa số những người bình thường trong tiểu thuyết này không vượt qua được. Và rõ ràng, sắc dục luôn gắn chặt với bi kịch con người”, nhà văn Mai Sơn cho biết thêm.

Mặc dù là cuốn tiểu thuyết đầu tay nhưng Tiến Đạt đã thể hiện sức viết sung mãn của một người được đi nhiều (tác giả hiện đang làm việc tại Công ty Du lịch Saigontourist). Có thể khẳng định, “Thể xác lưu lạc” cũng là cuộc thám hiểm dài hơi khá thành công của một cây viết trẻ.

THANH TÂN
-----------------

(*) Thể xác lưu lạc NXB Hội Nhà Văn và Công ty Sách Bách Việt phát hành năm 2009.

;
.
.
.
.
.