.
Giới thiệu sách:

Trương Điện Thắng... và tre

.

Tôi và Trương Điện Thắng đều là người Quảng Nam nên mỗi lần gặp nhau bên chén rượu ly bia là… cãi nhau. Thậm chí uống cà phê, uống trà – những thức uống hiền hòa nhất trên đời cũng không ngừng mỗi người một ý, dứt khoát đất chẳng nghe trời mà trời cũng không chịu đất.

 

Những năm gần đây, chuyện gì không cãi, lại cứ cãi nhau về chuyện… tre! Ví dụ như nghe Thắng ngâm nga “Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng/ Tre non khẳm lá đan sàng được không” tôi không thể không mở miệng phán rằng Thắng đang làm hỏng câu ca dao rồi tôi lập tức cho Thắng biết nguyên văn câu đối đáp tình tứ và kín đáo “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng, tre vừa đủ lá đan sàng được không?/ Chàng hỏi thiếp cũng xin vâng, tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng?”. Một lần khác khi vợ tôi đang làm món măng lưỡi lợn của anh bạn Lào đem sang cho thì Thắng lắc đầu bảo măng le mới là thứ măng ngon nhất.

Tôi không chịu, nhưng chưa kịp mở miệng thì Thắng đã đọc “Thương chồng nấu cháo măng le/ Chồng ăn chồng ngủ chồng đè em ra!”... Món măng lưỡi lợn hầm chân giò bữa ấy vợ tôi nấu tuyệt ngon. Nhưng tối đến, khi đèn đã tắt và tôi đã lơ mơ thì bỗng nghe vợ tôi thì thầm “Này anh, thế… thế măng le là măng gì hở anh?”!...

Bây giờ cầm quyển “Tre mãi bên người” của Trương Điện Thắng tôi mới hiểu ra cơ sự. Thì ra tre đã ám ảnh Trương Điện Thắng, đeo bám Trương Điện Thắng từ nhiều năm nay. Hơn 200 trang sách là hơn 200 trang tình yêu tre, từ cổ chí kim, của người nông dân, của nhà thơ, nhà bác học, của họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn… Tre trong hòa bình, tre trong chiến tranh, tre của làng nghề thủ công, tre của đàn cò trắng, tre trong đời sống hằng ngày, tre trong lễ hội, tre trong tang chế, tre trong nghệ thuật ẩm thực… Tre Việt Nam, tre Trung Hoa, tre Nhật Bản, tre Malaysia, tre Thái Lan… Những viện nghiên cứu, những hiệp hội về tre, chính sách của các quốc gia về tre… tôi ngỡ đã hiểu về tre bỗng nhận ra rằng mình chỉ như ếch ngồi đáy giếng! Trương Điện Thắng đã đổ không ít mồ hôi để cung cấp cho người đọc một nguồn tư liệu phong phú về tre.

Nhưng với tư cách là người làm thơ, viết văn, làm báo cuốn sách tất nhiên không trình bày dưới dạng “hàn lâm” của một nhà chuyên môn. Với văn phong giản dị, lối kể chuyện chọn lọc, trích dẫn đặc sắc, bám sát chủ đề của từng chương, “Tre mãi bên người” là cuốn sách dễ đọc và nên đọc đối với những người sinh ra và lớn lên trên đất nước của tre. Đối với những người không có thời gian đọc, thì “Tre mãi bên người” là cơ hội để chỉ đọc một cuốn sách mà biết nhiều những câu thơ hay về tre của Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Khuyến, Chế Lan Viên, Nguyễn Duy, Tố Hữu, Thu Bồn, Hàn Mặc Tử… hay tác phẩm của nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân…, chỉ đọc một chương sách mà biết “Nền văn hóa tre” của châu Á, của các tộc người trên dải đất hình chữ S…

Tôi đọc một hơi cuốn “Tre mãi bên người” *. Gấp sách, tôi đặt biệt hiệu cho Trương Điện Thắng là “Thắng tre”! Gọi thế, bởi một cách nào đó, hoàn thành cuốn sách tâm huyết, Thắng đã đủ tư cách là một chuyên gia về tre!

HOÀNG

* “Tre mãi bên người”, NXB Đà Nẵng, tháng 10-2009.

;
.
.
.
.
.