.

Giữ hồn nhiên cho con trẻ

.

Không ai trở thành người lớn mà lại không trải qua một thời ấu thơ đầy mơ mộng được dệt nên từ biết bao câu chuyện cổ tích diệu kỳ. Trong cái thế giới thần tiên ấy, có lẽ không màu sắc và âm thanh nào quyến rũ tuổi thơ bằng những đêm trăng rằm Tết Trung thu tưng bừng, náo nhiệt.

Thưởng thức vẻ đẹp của các loại lân.

Tiếng trống rộn rã, ánh đèn lung linh, dòng người xuôi ngược... Tết Trung thu bao giờ cũng gợi lên trong lòng người những cảm xúc đẹp đẽ. Người lớn nhìn lại trẻ con để thấy hình bóng mình trong đó. Mấy năm trước, cũng vì muốn sống lại những giây phút thơ trẻ hồn nhiên ấy mà anh Phan Phú Cường ở thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn, đã cất công làm chiếc đèn kéo quân (anh gọi là đèn quay) cho con anh tham gia Hội thi “Múa lân - Rước đèn” do huyện Hòa Vang tổ chức. Không chỉ là tác giả của nhiều bài hát hò khoan được bà con nông thôn mến mộ, anh còn khéo tay trong việc làm đèn lồng, đắp đầu lân.

Đèn quay (có nơi gọi là đèn chạy hay đèn kéo quân) thường có khung bên ngoài hình trụ lục giác, bên trong gắn một cái lồng trụ tròn có đính hình cắt các sự vật. Khi thắp nến bên trong, luồng không khí nóng bốc lên đi qua các khe hở hình cánh quạt trên đỉnh làm quay lồng và in hình động trên nền khung lục giác.

Cách làm truyền thống là thế, nhưng anh Cường đã sáng tạo ra cách dùng lực gió bên ngoài để quay đèn, lực này được tạo nên bởi ba bức tranh uốn theo hình cánh quạt nối với trục đèn. Thường thì người ta dán hình người, thú, cảnh vật theo các tích xưa, còn anh thì “cập nhật” bằng hình các hoạt động về “5 không, 3 có” của thành phố. Cái đèn quay rất lạ ấy, trẻ con vây quanh thưởng thức là hẳn nhiên rồi, nhưng không ít những người lớn tuổi (vốn đã quen với loại đèn quay cũ) cũng đến xem, trầm trồ khen ngợi.

Vừa rồi, gặp lại anh, anh bảo đã “giải nghệ” nghề làm đèn lồng, đắp đầu lân rồi, vì: “Đèn điện tử mua cái rẹt có liền, rẻ, bấm lên là chớp chớp, tít tít, con nít mô mà không ghiền. Đèn thủ công chừ có đẹp mấy cũng không ai thèm để ý”.

Hỏi, Đà Nẵng có ai làm đầu lân không? Anh lắc đầu nguầy nguậy: “Chịu, tui chỉ biết một vài người làm theo kiểu tài tử cho con cháu trong xóm chơi thôi. Chứ làm hàng loạt để bán thì... chịu!”. Đi hỏi mấy tiệm bán đầu lân dưới phố, họ cũng lắc đầu. Chỉ loáng thoáng nghe nói có hai người - một ở đường Trưng Nữ Vương, một ở gần Siêu thị Đà Nẵng - trước có làm đầu lân, nhưng không được đẹp cho lắm.

Chị Ngọc Anh ở 167 Hùng Vương cho biết, lân bày bán ở Đà Nẵng chủ yếu là hàng Hội An ra. Chị kinh doanh đồ thể thao nhưng gần chục năm nay mỗi khi đến Tết Trung thu là không quên bán đầu lân, ông Địa, trống các loại. Đầu lân bán ở Đà Nẵng hiện có giá từ 25 nghìn đến 1 triệu đồng, tùy kích cỡ và vật liệu. “Lân sườn” (đan sườn bằng tre rồi đắp giấy lên) giá cao hơn “lân đúc” (đắp giấy trên cốt bằng xi-măng).

Hầu hết các đầu lân trên thị trường đều na ná như nhau, các tiệm bán đầu lân nhận về phải đề nghị bên cấp hàng chỉnh sửa đôi chút để hợp với thị hiếu người mua. Hôm đó, có hai thanh niên ở quận Thanh Khê đến tiệm chị Ngọc Anh hỏi mua mấy thứ: “Tụi em đặt lân trong Hội An, nhưng đem về mới thấy có mấy chỗ không ưng ý, chừ mua lông thỏ về chỉnh lại mắt, tai”.

Đánh thử vài “đường” để ít bữa biểu diễn cùng với lân.

Múa lân là một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Càng trở nên đáng trân trọng hơn khi lân lại là người-bạn-cổ-tích của tuổi thơ.
 
Trong ánh mắt của các em, Lân (viết hoa) đã cùng với chị Hằng, chú Cuội, thỏ Ngọc... làm nên một thế giới huyền thoại đầy ắp thần tiên mơ mộng. Từ thế giới ấy, một chút hồn nhiên được lưu giữ đâu đó trong lòng con trẻ, sẽ nẩy nở thành những hạt mầm nhân văn làm đẹp một đời người.

Về lân thì hiện người Đà Nẵng chịu “lép vế”, nhưng về trống - cái để làm cho lân “sống” được - thì người Đà Nẵng đâu có chịu thua kém. Cơ sở làm trống hiệu Trường Sơn của anh thợ trẻ Phạm Chí Thủy ở số 158 Trường Chinh, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, đã làm đình đám Tết Trung thu quanh vùng hơn chục năm nay. Xuất thân từ một gia đình 5 đời làm trống ở làng trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Thủy mang theo nghề gia truyền vào Đà Nẵng lập nghiệp. Mỗi năm, chỉ riêng Trung thu, anh đã xuất hàng nghìn chiếc trống lớn nhỏ cho miền Trung - Tây Nguyên.

Loại trống giá 20 nghìn một chiếc cho trẻ con chơi trước đây bị người ta chê, giờ đời sống khá lên rồi, ít nhất cũng phải mua loại 50 nghìn đồng một chiếc có đường kính mặt trống 20cm. Trống múa lân chuyên nghiệp (gọi là trống tàu) đường kính mặt trống 65cm, cao 70cm có giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. So với năm ngoái, năm nay cơ sở của Thủy làm đến 2.500 trống loại nhỏ, tăng gần gấp đôi; trong khi đó trống lớn chỉ có 250 chiếc, giảm gần một nửa. Sự thay đổi này, theo lý giải của Thủy, một phần do trẻ em bây giờ chơi Trung thu nhiều hơn, một phần do Nhà nước cấm các đội múa lân lớn làm cản trở giao thông.

Trung thu, hàng triệu trái tim cùng đập theo nhịp trống và điệu nhảy sôi động của con lân, ông Địa. Ánh đèn thị thành đã làm mờ nhạt ánh trăng rằm, cuộc sống hiện đại đã bóc dần đi cái ý nghĩa dân dã mà không kém phần cao quý của những đêm hội tuổi thơ. Anh Phan Phú Cường thấy tiếc cái thời đã qua, lâu lâu lại đốn tre làm chiếc đèn quay cho đỡ nhớ.

Người viết bài này từng làm “ông bầu” đội múa Tứ linh biểu diễn tại Lễ hội Quán Thế Âm lần thứ nhất, Lễ hội Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, Lễ hội Văn hóa - Thể thao các huyện miền núi, lễ hội đình làng các địa phương... Ấn tượng nhất là buổi ra mắt đầu tiên của đội với khán giả nhỏ tuổi Đà Nẵng mùa Trung thu năm 1990, trước những ánh mắt hồn hậu xen lẫn ngạc nhiên bởi điệu múa của những linh vật bước ra từ truyền thuyết. Giờ đây tất cả chỉ là hoài niệm.

Hôm đó, hai em Hữu Hoàng và Anh Nguyên học lớp 11/5 Trường THPT Nguyễn Trãi ghé lại cơ sở Trường Sơn mua trống cho đội lân của lớp. Cả hai mê lân từ hồi học tiểu học, năm nào cũng tổ chức múa cho trẻ con trong xóm có cái để vui Trung thu. “Chừ thì ở xóm em con nít không được chơi Trung thu như thời tụi em.

Chắc em phải nhờ đội lân của lớp về múa cho mấy em ở xóm xem một bữa”. Trung thu thời hiện đại ngày một vắng dần những đêm trông trăng, thưởng thức đèn kéo quân, chờ phá cỗ... Vắng dần vẻ hồn nhiên đầy hồn cổ tích trong ánh mắt con trẻ, tuy rằng tiếng trống vẫn thúc vào lòng người những tiết tấu mà nhiều người nhắm mắt lại vẫn có thể mường tượng ra điệu múa của lân, của Địa…

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.