.

Giữ lại mùa trăng

.

Trung thu nào cũng không thể thiếu tiếng trống múa lân, món bánh dẻo, bánh nướng bên mâm ngũ quả. Và dù nhiều người xem Trung thu là mùa kinh doanh thì những người con xa quê vẫn chọn Trung thu là mùa của sự sum họp, tìm về.

“Mùa lân” - mùa họp mặt

Ảnh: H.L

Đội lân Tam Quốc Chí gắn với khu vực đường Cô Bắc, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu từ năm 1990 và truyền đến nay đã được 4 đời. Gọi là 4 đời nhưng thực ra là 4 lớp người chơi lân, lớp già truyền cho lớp trẻ. Trước đây Tam Quốc Chí là đội lân “bay”, múa bằng tre; nhưng hiện nay các bài múa lân được thay đổi theo chiều hướng hiện đại, múa trên giàn sắt, kỹ thuật múa phức tạp hơn. Các chú, các anh trở thành người chỉ dạy về cách nhảy, đội hình.
 
Những chi tiết đẹp của bài múa được giữ và truyền từ năm này sang năm khác. Anh Lâm Tuấn Cảnh, đội trưởng đội lân Tam Quốc Chí cho biết, các anh không bao giờ múa một bài liên tục trong vòng 2 năm, mà luôn phải tìm những chi tiết mới, đòi hỏi tính kỹ thuật cao để học theo, do đó mỗi năm giàn sắt dùng để hỗ trợ cho bài múa phải đầu tư mới cho phù hợp. Chi phí đầu tư cho đội lân cũng tăng giảm theo từng năm, như riêng việc đầu tư cho chiếc đầu lân đã vào khoảng 30 triệu đồng, chưa kể những thứ khác như áo quần, đầu ông địa, tùng xèng…

Từ khi Tam Quốc Chí tạo dựng được tên tuổi trong “làng” múa lân Đà Nẵng, khoảng 3 năm trở lại đây đội đưa ra một mức giá cụ thể cho mỗi lần biểu diễn theo yêu cầu của khách mời. Tức vào khoảng 2 triệu đồng nếu múa ở nhà, và từ 3-4 triệu đồng theo lời mời của các doanh nghiệp cho khoảng 20-25 phút biểu diễn. Nhưng Lâm Tuấn Cảnh và các thành viên trong đội đều nhấn mạnh rằng, đội lân sẵn sàng biểu diễn miễn phí cho các em là trẻ mồ côi, tàn tật nếu được mời, như đã từng biểu diễn ở Trường Chuyên biệt Tương Lai những năm trước.

Có số tiền để đầu tư và mức giá biểu diễn cụ thể, nhưng hầu hết những đội lân chúng tôi gặp đều khẳng định họ không lời lãi bao nhiêu sau một mùa Trung thu. Anh Cảnh khẳng định “nhiều người đến mùa Trung thu là quay về, nên “mùa lân” cũng là mùa họp mặt của anh em, không phải là nghề để mưu sinh”.

Bởi trước đó khoảng 1 tháng (từ năm 2007 đến nay là 2 tháng), và đặc biệt là 10 ngày trước Tết Trung thu, những thành viên của đội lân với mỗi người một nghề khác nhau, xin nghỉ công việc đang làm, họp nhau để tập luyện. Họ biểu diễn bởi đó là “nghề của một mùa”, đam mê đến mức “có thể anh làm ăn xa, ngày Tết không về, nhưng đến mùa lân là quay về vì đó là những gì thân thương nhất mà người ta có được ở quê hương bản quán”. Số tiền các đội lân kiếm được dùng để trả lương cho anh em trong đội trong những ngày tập trung biểu diễn, bằng với số tiền họ làm công việc hằng ngày để phụ giúp gia đình; hay tập trung thuốc men nếu lỡ có thành viên nào trong đội bị té ngã trong quá trình tập luyện…

Anh Võ Văn Sang, đội trưởng đội Lân-Sư-Rồng Hoàng Hảo, quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, nhiều người không hiểu, nghĩ rằng các đội lân biểu diễn để kinh doanh, mỗi năm chỉ có một lần nên đưa ra mức giá cao. Nhưng trong thực tế các đội lân làm việc nghiêm chỉnh phải đầu tư từ 50-70 triệu đồng/năm cho tất cả trang phục, chi phí đi lại…

Các anh còn làm theo truyền thống là xong mỗi mùa Trung thu phải đốt tất cả đầu lân, áo quần. Năm 2006, các đội lân đưa ra mức giá biểu diễn vào Tết Trung thu là 100.000 đồng/phút (trong các ngày từ 10-13 âm lịch) và 150.000 đồng/phút (2 ngày 14, 15 âm lịch), lúc đó các đội mới có khả năng đầu tư nhưng đa số là hòa vốn hoặc lỗ chút ít. Anh Nguyễn Cáp, Nhà Thiếu nhi thành phố cho rằng hiện nay các đội lân tự đầu tư nên cũng phải đưa ra mức giá biểu diễn để mong lấy lại vốn; nếu có nhà đầu tư thì các đội mới có thể biểu diễn miễn phí phục vụ người xem.

Hiện toàn thành phố có khoảng 35 đội lân, trong đó có 20 đội lân chuyên nghiệp, đã tạo dựng được tên tuổi, làm ăn có uy tín với khách hàng cũng như đồng nghiệp. Truyền thống của việc múa lân là gia chủ treo củ cải trắng lên đầu cây sào để chú lân có thể bay lên. Nhưng nhiều gia đình đã treo tiền xem như đó là cách thưởng, và kéo theo đó là những đội lân nhỏ sẵn sàng xem mức thù lao treo bao nhiêu để múa theo, đã làm biến tướng việc biểu diễn và tạo dư luận không tốt cho các đội lân khác.

Trong khi những người đội trưởng các đội lân tên tuổi đều khẳng định rằng, các anh sẵn sàng biểu diễn phục vụ bà con lối xóm hoặc các em học sinh mồ côi, tàn tật nếu có yêu cầu. Bởi múa lân là một cách thể hiện tinh thần hào hiệp, múa bởi đam mê, để tìm về miền ký ức, là việc mà mỗi người cứ đến mùa Trung thu lại tìm về...

Và bánh Trung thu “bị lạm dụng”

Thi biểu diễn múa lân tại Nhà Thiếu nhi TP. Đà Nẵng năm 2008.

 

Năm nay, các nhà sản xuất bánh Trung thu không chào hàng những sản phẩm cao giá, nhân bánh cầu kỳ, mà đẩy mạnh sản xuất loại bánh truyền thống, chỉ tập trung vào hương vị và dinh dưỡng. Các loại bánh trọng lượng lớn từ 300g trở lên vốn không được ưa chuộng, nên các nhà sản xuất tập trung vào các loại bánh trọng lượng từ 170g, 200g và 270g.
 
Về giá, do nguyên liệu chính là đường tăng gần 50% và trứng muối tăng khoảng 35% nên giá bánh tăng khoảng từ 1.000 đồng - 5.000 đồng/bánh, dao động khoảng 170.000 đồng-400.000 đồng/hộp, cao nhất khoảng 1 triệu đồng/hộp.

Ngày trước, vào dịp Trung thu, chiếc bánh nướng, bánh dẻo thường chỉ được biếu tặng trong phạm vi gia đình, dành cho người già và trẻ nhỏ, chứ không phải biếu tặng tràn lan như hiện nay. Chiếc bánh thành ra “bị lạm dụng” giá trị và cả ý nghĩa, khi nhiều người rất cần cái cớ để thể hiện “tấm chân tình” của mình với một nhân vật quan trọng nào đó. Thế nên thay vì bánh Trung thu đơn thuần dùng để làm quà tặng, người ta kèm vào đó chai rượu đắt tiền hoặc bất cứ thứ gì có giá trị. Bánh Trung thu có còn là món quà thơm thảo nữa không hay là một cơ hội để người ta gửi vào đó những toan tính, vụ lợi?

Giữa mùa trăng mùa thu, ngồi lại bên nhau với đĩa bánh, ấm trà, xem múa lân trong tiếng trống chầu rộn rã, những mệt mỏi, bon chen đời thường như tan biến, điều đó có dễ còn không khi lân, bánh bị xen vào một chút thương mại hóa. Nên càng quý hơn những người múa lân chỉ là để được thể hiện mình...

HIỀN LƯƠNG

 

 

;
.
.
.
.
.