.

Gượng dậy sau khủng hoảng

.

Hơn một năm trước, Công ty Hữu Nghị Đà Nẵng đã chạm phải thời điểm đen tối nhất sau “chấn thương” khá nặng của việc thua lỗ, cộng với thị trường xuất khẩu giảm sút trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Một số ngành hàng tiến triển khá do có nhu cầu tiêu thụ thuận lợi như: may mặc, thủy sản, thiết bị điện, điện tử... Ảnh: N.Thành

Tuy nhiên, cú sốc nặng đó đã làm tỉnh ngộ đối với công tác lãnh đạo của chủ doanh nghiệp (DN), để họ có cái nhìn và hướng đi đúng đắn, giải quyết những vấn đề tồn đọng trong quá trình phát triển của mình. Chuyển sang hình thức cổ phần, với tên gọi mới là Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng (Hunex), đến nay, tình hình tài chính đã được cải thiện thông qua thực hiện xóa nợ phải trả và cơ cấu thời hạn trả nợ; thực hiện triệt để đổi mới dây chuyền công nghệ, tổ chức hợp lý quy trình tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực quản lý.

Giải pháp trong khủng hoảng của công ty là tìm kiếm thị trường mới, trong đó thị trường Mỹ chiếm trên 50% tỷ trọng xuất khẩu; tỷ trọng nhập khẩu trên tỷ trọng xuất khẩu giảm mạnh xuống dưới 5%. Đầu năm đến nay, Hunex đã lãi được 7,5 tỷ đồng. Việc làm cho người lao động tương đối ổn định với mức thu nhập bình quân 1,8 đến 2 triệu đồng mỗi tháng. “Công ty chúng tôi đã bình phục sau những chấn thương khá nặng, để có thể bước đi được trong thời gian tới” - ông Trần Hồng Sơn, Giám đốc Hunex cho biết.

Cũng gặp khó khăn trong cơn khủng hoảng tài chính chung, Công ty CP Cơ điện miền Trung với những bước đi hợp lý hóa trong quản lý và sản xuất, ổn định thị trường, từ đầu năm đến nay đã đạt doanh thu 300 tỷ đồng, lợi nhuận ở mức trên 11 tỷ đồng. Nhờ thế, lương bình quân của người lao động đạt mức 5,6 triệu đồng mỗi tháng; chia cổ tức đạt 20 - 22%... “Giải pháp cơ bản của chúng tôi là thực hành tiết kiệm, tăng năng suất lao động, chống lãng phí... với việc định lượng và chế tài rõ ràng, minh bạch; rút ngắn thời gian thi công công trình, áp dụng công nghệ mới, đồng thời chia sẻ khó khăn với khách hàng truyền thống. Nhờ cách làm đó, chúng tôi đủ sức để vươn lên trong khủng hoảng” - ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT của công ty bày tỏ.

Nhờ những cách làm như thế, các DN Đà Nẵng đã cơ bản gượng dậy, một số đã bước đi vững vàng trong giai đoạn khó khăn, góp phần làm hồi phục nền kinh tế thành phố. Từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó tăng cao nhất thuộc về khối công nghiệp dân doanh với chỉ số tăng 6,6%, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,3%... Trong đó, một số ngành hàng tiến triển khá do có nhu cầu tiêu thụ thuận lợi như:

may mặc, thủy sản, hóa chất, cao su, vật liệu xây dựng, cấu kiện kim loại, thiết bị điện, điện tử... Đặc biệt, có những ngành tăng cao như: Thủy sản chế biến tăng 17,1%, vải các loại tăng 24,4%, động cơ điện siêu nhỏ tăng 72,5%... Ông Phùng Tấn Viết, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phân tích để cho thấy dấu hiệu tăng trưởng mạnh, đó là: Giá trị sản xuất xây dựng sử dụng hàng nội trong năm tăng từ 1,2% (quý 1) lên 11,9% (quý 3); giá trị sản xuất công nghiệp từ 0,1% (quý 1) lên 5,9% (quý 3); giá trị xuất khẩu từ âm (-) 27,4% (quý 1) lên còn - 6,9%...

Ông cho biết, để có được mức tăng đó, cùng với nỗ lực của DN, thì việc thực hiện các giải pháp cơ bản của Chính phủ được thành phố triển khai mạnh mẽ đã hỗ trợ cho các DN; trong đó có hơn 9 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho các thành phần DN vay ưu đãi; các cơ chế chính sách khác được triển khai đồng bộ; tận dụng được những nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương theo kế hoạch như trái phiếu, ứng trước... với tổng số vốn gấp 2 lần so với đầu năm...

Những dấu hiệu hồi phục cơ bản ban đầu của DN Đà Nẵng cùng với những giải pháp kích cầu, trong đó có chương trình “Người Việt dùng hàng Việt”... đang được cả nước và thành phố tiếp tục đẩy mạnh. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra các mục tiêu và giải pháp cơ bản để thực hiện trong năm 2010, trong đó nhấn mạnh việc khẩn trương thực hiện đề án tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và giá trị nội địa của từng sản phẩm cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Cùng với việc thúc đẩy đổi mới công nghệ và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở các tập đoàn và tổng công ty, thì Chính phủ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các DN nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực phát triển. Đây chính là cơ hội lớn để các DN ở Đà Nẵng, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, có thêm sức mạnh để vượt lên trong thời gian tới.

Nguyễn Thành

 

;
.
.
.
.
.