.

Hội An giữa bảo tồn và phát triển

.

Khi đặt vấn đề xây dựng thành phố Hội An trở thành một thành phố sinh thái, theo tôi cần trả lời câu hỏi: Hội An mà ta đang bàn ở đây là Hội An nào?

.

Ngay từ Hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An tổ chức vào tháng 3 năm 1990 tại Đà Nẵng, Giáo sư Phan Huy Lê đã bày tỏ quan điểm chung quanh câu hỏi này: “Rõ ràng Hội An trong quan niệm đô thị học không thể chỉ bó gọn trong một trung tâm của phố chợ và bến cảng, mà còn bao gồm cả vùng ngoại vi nằm trong phạm vi quan hệ và hoạt động trực tiếp của đô thị - thương cảng đó (...). Các làng thủ công ven đô, nổi tiếng nhất là nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm Thanh Hà, nghề yến Thanh Châu, cũng phải được coi là những bộ phận ngoại vi của đô thị” (1).

Tôi xin được nói thêm: Hội An còn bao gồm cả Cù lao Chàm vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Như vậy không gian đô thị của Hội An phải được hình dung vừa có phố vừa có làng, vừa có bờ vừa có biển, vừa có đất liền vừa có đảo xa… và trong hành trình xây dựng một Hội An - thành phố sinh thái, không chừng Cù lao Chàm mới là điểm nhấn đáng kể.

Làng/phố bất phân, tiền đề của một thành phố sinh thái?

Nhiều người quan niệm ở Hội An làng/phố bất phân. Theo họ, phố thực chất cũng là một loại làng nghề - làng nghề buôn và tình cảm chủ đạo của người Hội An sống ở phố xưa nay vẫn là tình làng nghĩa xóm. Có người còn nói người Hội An sống ở phố mà vẫn giữ được cái chơn chất mộc mạc của người sống ở làng, ngược lại người sống ở làng mà vẫn không thô mộc nhà quê, mà vẫn có được cái phong thái lịch lãm của người sống ở phố. Lại có người khẳng định rằng khoảng cách văn hóa giữa người Hội-An-phố và người Hội-An-làng không đáng kể, thậm chí có thể nói không có ranh giới, không có khoảng cách.

Và nếu đúng làng/phố bất phân thì đó là thế mạnh hay là điểm yếu của Hội An? Là động lực hay trở lực của Hội An trong phát triển nói chung, trong hành trình xây dựng thành phố sinh thái nói riêng? Có người nói: Ở đây thế mạnh hay điểm yếu, động lực hay trở lực là tùy thuộc vào chỗ bất phân như thế nào.
 
Phải chăng làng/phố bất phân trong cung cách quản lý của nhà cầm quyền, nghĩa là với phố nhưng vẫn quản lý hành chính kiểu làng nhằm tận dụng một sức mạnh cộng đồng vốn đã sâu rễ bền gốc, hoặc làng/phố bất phân trong quan hệ tình nghĩa giữa người dân với nhau... là thế mạnh, là động lực? Còn đô thị hóa các làng phụ cận - thậm chí có khi còn đô thị hóa cả Cù lao Chàm - theo tư duy biến-làng-thành-phố, tức là sẵn sàng san bằng, xóa sổ làng quê để mở rộng không gian đô thị - một thứ không gian mà nhà cửa thì san sát, dân cư thì chen chúc, buôn bán thì sầm uất... thì làng/phố bất phân lại trở thành điểm yếu, trở thành trở lực?

Từ đó có thể nói làng/phố bất phân chỉ được xem là tiền đề của một Hội An - thành phố sinh thái khi người Hội An có đủ bản lĩnh để tạo được lối đi riêng của mình trong cơn lốc nhân bản vô tính phố phường bây giờ, để phố hóa mạnh mẽ mà vẫn giữ được chất làng, đồng thời cũng không để làng đứng ngoài cuộc và quá xa lạ với tiến bộ văn minh.

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Sống ở phố, người Hội An vẫn giữ được nét chân chất mộc mạc của người sống ở làng.

 

Đây là một điều không dễ và thường có phần thiên lệch về phía phát triển. Nghiên cứu sinh người Nhật Sawako Utsumi đã chuẩn bị cho luận án tiến sĩ của mình bằng cách định kỳ một năm hai lần đến Hội An để chụp ảnh những mặt tiền, biển hiệu, tìm hiểu cách buôn bán sinh hoạt hàng ngày của cư dân ở các ngôi nhà cổ, qua đó khẳng định cuộc sống của cư dân phố cổ đang đổi thay khá phức tạp và vận động không ngừng (2).

Về vấn đề làm sao để phố cổ Hội An bây giờ vẫn luôn là một phố-cổ-đương-sống, một Faifo sôi-động-trong-tĩnh-lặng, đúng hơn là tĩnh-lặng-trong-sôi-động, chứ không phải một phế phố, tôi nghĩ khả năng phố cổ Hội An trở thành phế phố khó xảy ra. Mà thành phế phố cũng không thật đáng ngại, đáng ngại là phố cổ Hội An vẫn cứ là một phố-đương-sống nhưng không còn cổ nữa, nghĩa là sẽ được hiện đại hóa theo hình mẫu thế kỷ XXI và dĩ nhiên là sẽ mất đi cái sôi-động-trong-tĩnh-lặng, cái tĩnh-lặng-trong-sôi-động vừa nêu.

Tất nhiên không thể hình dung phố-cổ-đương-sống Hội An thời hiện đại giống hệt Hội An phố-cổ-đương-sống thời cận đại. Hình ảnh những đêm phố cổ không ánh sáng điện, chỉ có lồng đèn đỏ treo cao mấy năm nay, suy đến cùng vẫn là đời-sống-ảo chứ không phải đời-sống-thực. Phố-cổ-đương-sống phải được quan niệm là đương-sống-thực, đương-sống-tự-nhiên, sống không tách rời hiện đại mà vẫn cổ, khó là ở chỗ đó. Cũng cần nhớ rằng trước khi trở thành cổ thì phố Hội An từng là hiện đại so với đương thời.

Sự tràn ngập khách du lịch liệu có phá hủy cảnh quan đẹp đẽ của Cù lao Chàm?   (Ảnh H.T.T)

Theo cách nghĩ thông thường thì xây dựng thành phố sinh thái là để… làm du lịch sinh thái. Cách nghĩ ấy không sai, thậm chí rất hợp thời, nhưng trong câu chuyện này không nên chỉ thấy tác động của thành phố sinh thái đối với du lịch sinh thái mà cần phải thấy tác động ngược lại của du lịch sinh thái đối với thành phố sinh thái. Có thể nói nếu không tỉnh táo và khôn ngoan trong phát triển du lịch sinh thái, tầm nhìn mất cân đối với tầm với thì chính du lịch sinh thái lại là tác nhân làm biến dạng thành phố sinh thái. Để Hội An tồn tại hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, nên chăng ngay từ bây giờ chính quyền thành phố cần cấp quota du lịch.

Có thể nghiên cứu kinh nghiệm của Brazil liên quan đến cách làm du lịch biển ở quần đảo Fernando de Noronha - nơi được đánh giá là một góc thiên đường trên trái đất. Trong khi thiên hạ ra sức tìm mọi cách thu hút du khách càng đông càng tốt thì Brazin có cách làm gần như ngược đời: quy định mỗi ngày quần đảo này không được phép đón quá 500 khách du lịch; ngoài ra khách tới đây nghỉ sẽ phải đóng thuế 6 euro cho mỗi ngày trong những ngày đầu, còn nếu ở quá 10 ngày thì mức thuế sẽ cao hơn. Nhờ vậy mà Fernando de Noronha là một trong những địa điểm du lịch hiếm hoi còn giữ lại được nét hoang sơ nguyên thủy, có sức thu hút du khách vào bậc nhất ở Brazin hiện nay.

.

 

Thực ra nói cách làm này là ngược đời thì cũng chỉ là một cách nói, bởi làm sao những người làm du lịch có thể quên được ý kiến cực kỳ chua xót của Andre Heller phát biểu trên diễn đàn hội nghị về văn hóa và du lịch năm 1990 tại Lausanne: “Sự tràn ngập khách du lịch sẽ phá hủy cảnh quan đẹp đẽ. Thí dụ ở Roma Italia không còn sót lại lấy một công trình điêu khắc nào không bị những vết tích mà khách du lịch để lại”.

Kinh nghiệm dẫn trên của Brazin càng có ý nghĩa nếu chúng ta nhớ lại trường hợp của Pattaya Thái Lan - một ví dụ kinh điển về phát triển du lịch có liên quan tới sự suy thoái môi trường. Trong hơn hai thập kỷ kể từ năm 1970, Pattaya đã mở rộng từ 400 lên 21.000 phòng khách sạn. Sự tập trung phát triển trong một thời gian ngắn tại một địa điểm đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực: biển bị ô nhiễm ghê gớm và vào năm 1989 Uỷ ban Môi trường quốc gia Thái Lan phải tuyên bố việc tắm biển tại Pattaya đã trở nên không an toàn...

Bùi Văn Tiếng

(1) Nhiều tác giả: Hội An – Di sản văn hóa thế giới, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2001, trang 402.

(2) Tuổi Trẻ chủ nhật số 34-2004.

;
.
.
.
.
.