.

“Hội chứng”… truyền dịch

.

Thời gian gần đây, chẳng hiểu sao người dân lại có “hội chứng” thích truyền dịch (TD). Thực chất, việc TD là có tác dụng cung cấp nước, dinh dưỡng và chất điện giải, tái lập cân bằng kiềm toan, đào thải độc tố trong cơ thể. Song, việc TD cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Người dân chỉ được truyền dịch khi có chỉ định
của bác sĩ, và nên được truyền tại cơ sở y tế để
được theo dõi kịp thời các biến chứng.

Theo BS Đỗ Mạnh Hùng (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh), thời gian gần đây, người dân đua nhau TD như một “hội chứng” mỗi khi thấy cơ thể mỏi mệt. Các chị em phụ nữ cũng TD mỗi khi thấy “dung nhan” của mình “xuống cấp”, với hy vọng làm da sẽ láng mịn, sáng hồng, ít lão hóa… Người già TD để khỏe hơn. Trẻ em TD để tăng sức đề kháng, hạ sốt, ăn khỏe… Nhiều người thấy mệt mỏi, cũng đi TD. Thiết bị dùng để TD chỉ có một kim lấy ven, một ống truyền từ chai dịch qua kim vào cơ thể…

Loại dung dịch dùng để TD thường chứa nhiều chất khác nhau, có thể dùng tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh. Với phần lớn là nước cất, người ta có thể dùng thêm một số loại dung môi hòa tan khác nhau tùy theo các dược chất có trong dịch truyền. Theo các bác sĩ điều trị, hiện có trên 20 loại dung dịch dùng để TD, nhưng phổ biến có 3 loại dung dịch dùng để TD là dung dịch đường, nước muốidung dịch tổng hợp nhiều chất điện giải.
 
Trung bình 1 chai Glucose 5%, tương đương với 1 muỗng đường. 1 chai Lactate Ringer, tương đương với 1 gói Oresol. Các loại dung dịch dùng để TD này được bày bán không cần đơn/toa của bác sĩ. Giá các loại loại dung dịch dùng để TD cũng… vô số: có loại giá trên 100.000 đồng/chai, nhưng cũng có loại giá chỉ 10.000 đồng/chai Glucose 5%, Natri clorua 9 phần nghìn, Natri cacbonat 14%...

Trước “hội chứng” TD có thể nói là “lợi bất cập hại” đang bùng phát mạnh trong người dân, Bộ Y tế đã lên tiếng khuyến cáo: Tiêm TD là kỹ thuật điều trị đơn giản. Song việc thực hiện nó một cách an toàn luôn là thách thức lớn vì mũi tiêm truyền hằng ngày được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, từ các gia đình đến các thôn xóm và các cơ sở y tế. Vì vậy, rất cần có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ của các nhà chuyên môn.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cán bộ y tế vì lợi nhuận đã cố tình “nhắm mắt làm liều”, người dân thì vẫn “điếc không sợ súng”, nên lạm dụng TD. Không ít trường hợp sau khi TD bị sốc thuốc, nhiễm trùng, phù não, suy tim cấp, rối loạn điện giải, thậm chí tử vong. Thậm chí, ngay cả khi TD đúng với sự chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm trong quá trình TD như: chỗ tiêm bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực... Chính vì vậy mà “hội chứng” TD đã và đang làm cho các nhà chuyên môn lo ngại.

Theo BS Đỗ Mạnh Hùng, không phải ai ốm hoặc phẫu thuật xong đều cần phải TD. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh nên TD hay không TD; bên cạnh đó, việc bù đường, muối, vitamin hay các chất điện giải chỉ được thực hiện khi hàm lượng những chất này trong máu người bệnh thấp hơn mức cho phép. Với những trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng, sẽ được TD có chứa kháng sinh.

Nhằm giảm thiểu “cơn sốt” TD trong người dân, sắp tới đây Bộ Y tế và các ngành chức năng sẽ chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp TD sai nguyên tắc; xây dựng các quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể để bảo đảm an toàn việc TD trong các cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân. Đặc biệt tránh lạm dụng việc TD trong cả 3 đối tượng: bác sĩ, y tá, điều dưỡng và người bệnh để giảm các mũi tiêm truyền không cần thiết, có thể thay thế bằng đường ăn hoặc đường uống.

Thanh Tân

;
.
.
.
.
.