.

Hướng tiếp cận tích cực

.

Bắt đầu từ năm học 2009-2010, bậc học mầm non (MN) cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng thực hiện việc dạy và chăm sóc trẻ theo nội dung được ban hành trong Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không quá bỡ ngỡ và đã sẵn sàng là nhận xét chung của nhiều giáo viên MN khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này.

Khi học sinh là trung tâm

.

Trong vấn đề chuyên môn, đối với giáo dục nhà trẻ, phải chú trọng giao tiếp thường xuyên, thể hiện sự yêu thương và tạo sự gắn bó của người lớn với trẻ; chú ý đặc điểm cá nhân trẻ để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được tích cực hoạt động giao lưu cảm xúc, hoạt động với đồ vật và vui chơi, kích thích sự phát triển các giác quan và các chức năng tâm - sinh lý; tạo môi trường giáo dục gần gũi với khung cảnh gia đình, giúp trẻ thích nghi với nhà trẻ.

Đối với giáo dục mẫu giáo, phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”. Kết hợp hài hòa giữa giáo dục trẻ trong nhóm bạn với giáo dục cá nhân, chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp với nhu cầu và hứng thú của trẻ và với điều kiện thực tế.

Về điều này, bà Phạm Thị Tha, Phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu đưa ra một ví dụ, nếu như trước đây, Vụ MN quy định trong tiết học phát triển cảm xúc thẩm mỹ, giáo viên cho các cháu vẽ quang cảnh biển thì trường nào, khu vực nào, cháu nào cũng phải vẽ biển. Nay, tùy theo sở thích của trẻ hay phong cảnh địa phương mà giáo viên có thể linh hoạt cho trẻ làm quen với những nét vẽ cơ bản, qua một hình tượng khác, gần gũi với trẻ để trẻ dễ tiếp thu. Cũng theo bà Tha, trên địa bàn Liên Chiểu hiện nay có 14 trường mẫu giáo, cùng một yêu cầu chung nhưng công tác kiểm tra cũng thoáng hơn trước, không gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh. Tâm lý thoải mái cũng là yếu tố để dạy tốt, học tốt.

Theo đó, nếu như trước đây, thời gian cho các cháu ăn, chơi, ngủ, sinh hoạt... được ấn định từ mấy giờ đến mấy giờ thì nay, thông tư mới chỉ quy định khoảng thời gian 30 phút, 60 phút, 120 phút... để giáo viên chủ động sắp xếp. Hay cuối mỗi tiết dạy, cô giáo thường phê kết luận “đạt” hoặc “không đạt”, nay được đổi thành “kết quả mong đợi”.
 
Đây cũng là hướng đánh giá “mở”, không nặng về hình thức, không gây áp lực cho trẻ. Th.s Lê Tử Tín, Chủ nhiệm Khoa Giáo dục Tiểu học-MN, ĐH Sư phạm cũng cho biết, hiện tại khoa có khoảng 400 sinh viên đang theo học lớp đào tạo MN, chia thành 8 lớp. Ngoài những năng khiếu về múa, hát, hiểu biết cơ bản về âm nhạc, sinh viên năm cuối phải biết soạn và sử dụng thành thạo giáo án điện tử... Những đòi hỏi này phần nào đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay.

Tiếp cận phương pháp mới, mừng và lo

 

 

Từ năm học 2005-2006, Trường MN bán công Hòa Tiến 1 (nay là trường MN Hòa Tiến 1) là một trong ba trường MN trong toàn thành phố được chọn để thực hiện thực nghiệm chương trình chăm sóc giáo dục MN mới. Chương trình được tiến hành trên 5 lớp/nhóm gồm 2 nhóm trẻ và 3 lớp mẫu giáo với tổng số 187 cháu, do 10 giáo viên đảm trách.

Trên cơ sở đó, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục-Đào tạo, Phòng GD&ĐT Hòa Vang đã cử 1 hiệu trưởng và 4 giáo viên của trường đi học tập phương pháp mới tại Đà Lạt. Cuối tháng 8-2005, Sở GD&ĐT tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trường MN Hoa Phượng Đỏ. Trong đợt này, giáo viên được nắm kỹ hơn nội dung, mục tiêu, cách thức lập kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ, điều kiện thực hiện chương trình giáo dục MN mới...

Bà Nguyễn Thị Thực, nguyên Hiệu trưởng Trường MNBC Hòa Tiến 1 cho biết, nội dung đổi mới khá thiết thực và mang lại tâm lý háo hức cho nhiều giáo viên, nhất là các cô giáo có năng lực. Từ năm học 2005-2006, huyện Hòa Vang còn tổ chức bồi dưỡng cho 100% giáo viên của 12 trường trong huyện về phương pháp mới. Nhiều trường MN trên địa bàn đã được huyện đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất. Tuy nhiên ở Hòa Vang, cái khó nhất vẫn là địa bàn rộng, đa số là trường ở miền núi và trung du nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn, độ nhạy bén kém.

Cùng với Trường MN Hòa Tiến 1, hai ngôi trường khác cũng được Vụ MN chọn thí điểm là Trường MN Hoa Phượng Đỏ và Trường MN 20-10, quận Hải Châu. Như vậy, chương trình giáo dục MN mới đã được đa số giáo viên trên địa bàn thành phố biết đến và học hỏi kinh nghiệm, phương pháp lẫn nhau.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, năm học 2009-2010, Đà Nẵng huy động 9.490 cháu độ tuổi nhà trẻ, 28.804 cháu độ tuổi mẫu giáo ra lớp. Đến nay đã có 100% giáo viên MN đạt trình độ chuẩn. Trong đó có 57,4% giáo viên MN đạt trình độ trên chuẩn. 100% bếp ăn của trường MN được cơ quan y tế cấp Giấy chứng nhận “Bếp ăn đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm”. Đây được xem là tiền đề thuận lợi để ngành giáo dục-đào tạo Đà Nẵng triển khai đồng bộ và hiệu quả chương trình này.

Theo bà Nguyễn Thị Như Quỳ, phụ trách công tác MN quận Hải Châu, Phòng GD&ĐT quận đã đẩy mạnh việc tiếp cận phương pháp mới tại một số trường khác như 19-5, Măng Non, Đức Trí, Tuổi Thơ... Cái khó của 30 trường MN trên toàn quận là tình trạng quá tải, không gian sinh hoạt không được bảo đảm. Hay một số giáo viên có thâm niên trong nghề, chương trình cũ đã ăn sâu vào họ nên việc triển khai còn mang tính hình thức, chưa đồng bộ. Từ ngày 19 đến 24-10, Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn triển khai phương pháp mới về các trường, sau đó, tiếp tục triển khai xuống 100% giáo viên.

Trong nhiều năm qua, chính quyền cùng ngành Giáo dục-Đào tạo địa phương đã có nhiều biện pháp quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa đúng với tầm quan trọng của bậc học MN. Cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho giáo viên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm để bậc học MN thực sự phát triển, làm tiền đề phát triển bền vững các bậc học phổ thông. Đặc biệt sau cơn bão số 9, nhiều trường MN ở Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú... bị hư hại nặng về thiết bị ngoài trời, gây không ít khó khăn cho cô và trò trong việc trở lại lớp học.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.