.

Ký ức về bố tôi: Bùi Xuân Phái

.

Bùi Xuân Phái sinh năm 1920, mất năm 1988 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941-1946, tham gia kháng chiến, đồng thời tham dự nhiều triển lãm chung với các họa sĩ khác. Năm 1952 ông về Hà Nội, sống và sáng tác tại nhà (số 87 phố Thuốc Bắc) cho đến khi qua đời. Cả cuộc đời, ông sống giản dị, khiêm nhường. Người con trai ông, họa sĩ Bùi Thanh Phương đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thú vị trong cuộc đời ông.

Bức thư làm tôi muốn khóc

Chân dung Bùi Xuân Phái qua nét vẽ của Bùi Thanh Phương.

Năm 17 tuổi, mắt của tôi bắt đầu có vấn đề, tôi cần phải có một cái kính cận nếu muốn nhìn cho rõ, nhưng không thể vay mượn được ai. Không có cách nào khác để có tiền mua kính, tôi đành mở tủ của bố tôi để lấy số tiền ấy. Tôi viết một bức thư, nêu rõ lý do và hẹn ngày tôi sẽ trả lại tiền vào chỗ cũ. Tôi đã hy vọng sau đó sẽ đi làm thuê và sau một tuần là có tiền và lại lặng lẽ đặt vào chỗ cũ, nếu ông không biết thì kể như không có chuyện gì xảy ra.

Lúc đủ tiền, tôi yên trí mở tủ của ông để trả số tiền ấy, nhưng khi tôi mở tủ ra thì thấy một bức thư của ông gửi cho tôi, trong thư ông viết là nếu lần sau cần tiền để giải quyết việc chính đáng thì cứ hỏi bố. Đọc thư ông, tôi muốn khóc.

Nhà danh họa và chiếc đồng hồ

Nhiều người đã cảm thấy bất ngờ và thú vị khi xem mặt sau của một tác phẩm chất liệu bằng bột màu, vẽ trên giấy của họa sĩ Bùi Xuân Phái có dòng chữ do chính ông viết: “Tiến tới một xe đạp và một đồng hồ”. Vào những năm cuối thập niên 60, ông đã phải sống trong cảnh không có xe đạp, không có đồng hồ trong một thời gian dài.

Một ngày đẹp trời vào năm 1969, bố tôi nhận được giấy giới thiệu của Hội Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu ông là một người thuộc biên chế của Nhà nước đề nghị cửa hàng tạo điều kiện để được mua một chiếc đồng hồ đeo tay theo tiêu chuẩn. Mẹ tôi chạy vạy, gom đủ số tiền 160 đồng để đưa bố tôi đến cửa hiệu ở phố Cửa Nam mua đồng hồ cho ông.Trước lúc đi, mẹ tôi đưa cho chiếc khăn mùi soa, căn dặn bố tôi, khi mua được rồi thì dùng khăn để bọc nó lại, đừng vội đeo ngay đồng hồ, tụi gian tham nhìn thấy.

Hôm đi mua đồng hồ, anh trai tôi - Bùi Kỳ Anh và tôi đòi đi theo bố. Xếp hàng và làm thủ tục xong cuối cùng cũng cầm được chiếc đồng hồ về. Anh tôi bọc đồng hồ vào khăn và cho vào túi quần, vừa đi vừa túm thật chặt. Thỉnh thoảng bố và anh dừng lại, Kỳ Anh lôi chiếc đồng hồ từ trong túi ra, cử chỉ của anh trân trọng như người ta làm một nghi lễ tôn giáo, cả ba bố con xúm đầu vào ngắm nhìn chiếc đồng hồ với vẻ đầy trìu mến.

Trên đường về nhà, muốn có cớ để nhìn chiếc đồng hồ lần nữa, tôi lại hỏi bố: “Bố ơi, bây giờ mấy giờ rồi?” Bố tôi cũng lấy làm thích thú, ông bảo anh tôi: “Ừ, Kỳ Anh lấy đồng hồ ra xem mấy giờ rồi nào”. Chiếc đồng hồ Pôn zốt này, bố tôi dùng được một thời gian thì mất do một lần đi tắm, ông đã để quên ở nhà tắm công cộng.

Đến năm 1979, một người tên là Sinh Thành, thợ sửa chữa đồng hồ có tiếng thời bấy giờ muốn có tranh của bố tôi. Ông đem một chiếc đồng hồ đeo tay đến gặp Bùi Xuân Phái và ngỏ ý muốn trao đổi lấy tranh. Chiếc đồng hồ này khi đó người ta gọi tên là đồng hồ “Thủy quân lục chiến”, to và khá nặng, dành cho các chiến binh khi phải lặn xuống dưới biển sâu. Giá trị của nó được giới thiệu là nửa chỉ vàng (khoảng 25 USD). Bùi Xuân Phái vui vẻ đồng ý, ông nói với vị khách là có thể lựa chọn bức nào cảm thấy vừa ý trong xưởng vẽ. Ông Sinh Thành đã chọn luôn một bức sơn dầu kích thước lớn nhất, đó là bức Ha Noi by night.

Bức tranh này sau khi bố tôi đã mất, năm 1997, ông Sinh Thành đã bán cho một người Hàn Quốc tên là Sambon Koo với giá 12.000 USD. Vài năm sau, bức tranh được bán đấu giá trong một cuộc triển lãm, một người Nhật đã mua nó với giá cao ngất ngưởng. Người ta đã nói vui: nếu số tiền đó chỉ dùng để mua đồng hồ thì phải chất đầy vào một toa xe lửa.

Quan niệm về sex trong đời sống và nghệ thuật

Họa sĩ Bùi Thanh Phương.

 

Bùi Xuân Phái là người có duyên nói chuyện, khi câu chuyện chạm phải vấn đề liên quan tới sex, ông thường dùng cách nói hóm hỉnh và luôn tạo ra không khí vui vẻ, vì vậy sex đã không còn là điều gì nghiêm trọng quá để mà những người đối thoại với ông phải giả bộ e dè. Một lần, có một bạn trẻ đến nhà chơi, anh ta thập thò trong tay một cuốn tạp chí.

Bùi Xuân Phái hỏi: “Cậu đang nghiên cứu về vấn đề gì đấy?”. Anh bạn trẻ ấp úng: “Dạ, đây là tạp chí Playboy, toàn là những bức ảnh hư hỏng mà bác”. Bùi Xuân Phái bảo: “Thế hả, đưa tớ xem nó hư hỏng đến mức độ nào”. Xem xong ông cười, hỏi: “Cậu còn quyển nào “hư hỏng” hơn thế này không. Không hiểu người ta sẽ phải chụp ở tư thế nào mới được xem là cùng cực của hư hỏng?”.

Vẽ thiệp cưới cho con

Thêm một chuyện khác, có liên quan đến ngày cưới của tôi. Bùi Xuân Phái đã chiều con trai mà vẽ 50 bức thiệp mời cưới. Bức họa mô tả cô dâu ôm bó hoa trên tay, 50 bức đều là độc bản vì khác nhau. Ở mỗi bức, cô dâu lại được diện trong bộ áo dài khác. Bữa tiệc được thực hiện tại nhà hàng Phú Gia, hôm ấy tôi bố trí, kê một chiếc bàn đủ 12 chiếc ghế để dành cho Bùi Xuân Phái với bạn hữu của ông. Nhưng vì ông Bổng Hàng Buồm đã tự động rủ thêm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến dự.

Và chiếc bàn ấy phải kiếm thêm chiếc ghế thứ 13. Tôi cứ ân hận và tiếc mãi là, sao khi đó mình không đạo diễn cho người nhiếp ảnh chụp khung cảnh Bùi Xuân Phái đang say sưa trò chuyện và đánh chén cùng các bạn hữu của ông. Ông có bộ râu dài và khuôn mặt gầy guộc, nên hình ảnh ấy sao tôi thấy nó quá giống với bức tranh nổi tiếng “Bữa tiệc cuối cùng” của Leonardo da Vinci.

Nguyễn Văn Học (Ghi)

 

;
.
.
.
.
.