.

Làm gì để thoát nghèo?

Cơn bão số 9 năm nay đi qua đã làm nhận thức của nhiều người về cái nghèo của bà con mình rõ rệt hơn, thấm thía hơn. Trong khi đời sống của một bộ phận người dân tăng lên, có thể nói là giàu lên rõ rệt thì hầu hết bên trong những ngôi nhà bị bão tốc mái hoặc làm sụp đổ đều không có của cải gì đáng kể, nhiều nhà thiếu lương thực, không đủ quần áo, chăn chiếu và đồ dùng hằng ngày. Chương trình XĐGN của nước ta đã thu được thành công lớn.

Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ về XĐGN trước 10 năm. Số hộ nghèo ở nước ta giảm nhanh, từ 22% tổng số hộ xuống còn 13% năm 2008, phấn đấu xuống còn 10-11% năm 2010; các xã nhèo chỉ còn trên 1.000, các huyện nghèo chỉ còn 62, nhà tranh tre nứa lá trong toàn quốc chỉ còn 30 vạn và sẽ sớm được xóa trong một vài năm tới; thu nhập bình quân của người dân đạt 1.000 USD/năm vào năm 2008, gấp đôi, nhiều nơi gấp ba vài chục năm trước.
 
Những thành tích XĐGN đó không chỉ thay đổi bộ mặt đất nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân mà còn có tiếng vang rộng rãi trên thế giới, được LHQ, nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia công nhận. Tuy nhiên, qua cơn bão, chúng ta càng nhận rõ giảm nghèo, xóa đói có tiến bộ rõ rệt thật nhưng từ đây để tới lúc toàn dân thoát nghèo như mong ước còn là một chặng đường xa, không ít gian nan, đòi hỏi mỗi người, mỗi ngành, mỗi cấp không thể thỏa mãn.

Theo thống kê của LHQ, trên thế giới hiện nay có 4 tỷ người thuộc diện nghèo, chủ yếu tập trung ở các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển. Nhưng chuẩn nghèo theo tổ chức này là khá cao. Đa số người Việt Nam đã qua ngưỡng mỗi ngày thu nhập 1 USD/người nhưng để thoát nghèo theo tiêu chuẩn của LHQ vừa nêu còn là mục tiêu khá lâu dài.
 
Nhưng XĐGN trong toàn dân, từ đó vươn lên mọi gia đình đều khá giả, giàu có là mục tiêu chiến lược, là cái đích phải tới của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Muốn đạt được điều đó phải có chiến lược đúng, đồng bộ, với sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Trước hết, cần tìm hiểu và đánh giá đúng nguyên nhân dẫn tới đói nghèo và tìm ra con đường thoát nghèo cho người dân, không tìm ra được con đường thoát nghèo từ chính người nghèo với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước và xã hội thì chưa thể thoát nghèo bền vững.

Thứ hai, Nhà nước phải chịu trách nhiệm chính trong sự nghiệp chống đói nghèo bằng các chương trình và chính sách xã hội, bằng vốn ngân sách và vốn huy động được từ xã hội để tạo ra những bảo đảm vững chắc cho sự nghiệp XĐGN. Thực tiễn cho thấy rằng, nếu cơ sở hạ tầng không có hoặc không phát triển, không thể thoát được đói nghèo. Không có các quỹ bảo hiểm xã hội như bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm giá cả nông sản, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm giáo dục…, người nghèo khó vượt qua được những rủi ro trong đời sống.
 
Cơn bão số 9 vừa qua với trên 160 người chết, thiệt hại 14.000 tỷ đồng, hàng nghìn ngôi nhà bị sụp đổ, bị lũ cuốn trôi; hàng vạn hécta lúa, hoa màu bị hư hại là một thí dụ. Một vấn đề quan trọng khác, đó là tăng cường quỹ phúc lợi của toàn xã hội, ai cũng được hưởng, trong đó có cả người nghèo bởi vì dù thoát nghèo nhưng đời sống vẫn không được cải thiện nếu không có điện, đường, trường, trạm y tế, Internet, báo chí, phát thanh, truyền hình… đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, không thể thoát được đói nghèo nếu không đẩy mạnh được sản xuất, phát triển được nền kinh tế. Chỉ có phát triển được kinh tế của các hộ nghèo qua tạo công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp, hỗ trợ sản xuất và phát triển nền kinh tế chung mới bảo đảm chắc chắn cho việc thoát nghèo của hàng triệu con người.

Qua vật lộn với cơn bão số 9, tận mắt thấy hoàn cảnh của người dân, cả nạn nhân và không là nạn nhân của cơn bão, càng nhận rõ trách nhiệm lâu dài của mình khi đồng bào còn nghèo, đất nước còn nghèo.

VŨ DUY THÔNG

;
.
.
.
.
.