.

LHQ cứu trợ nạn nhân thiên tai ở châu Á

.

Châu Á những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 liên tiếp hứng chịu những cơn động đất, bão lũ với cường độ mạnh, sự tàn phá khủng khiếp. Các quốc gia như Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia, Việt Nam… đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão lũ.

Khu vực chợ ở Padang bị san phẳng.(Ảnh: AP)

Chỉ vài giờ sau khi thảm họa xảy ra, các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ) và các tổ chức phi chính phủ đã bắt đầu hoạt động cứu trợ nhằm giúp đỡ những nước châu Á - Thái Bình Dương bị thảm họa. Các nhóm hỗ trợ khẩn cấp đã được phái đến Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia, Samoa, Tonga, Bhutan... cùng những vật phẩm cứu trợ để giúp hàng triệu người đang phải chịu sự tàn phá của động đất, sóng thần và bão lũ.

Theo người phụ trách chính Chương trình phát triển LHQ (UNDP) Helen Clark, chương trình này sẵn sàng giúp đỡ những nước trên khôi phục cơ sở hạ tầng và bình thường hóa đời sống của người dân vùng bị nạn. Văn phòng LHQ phối hợp các hoạt động nhân đạo (UNOCHA) cho biết, trong tổng số 4 triệu người Philippines bị tác động của 2 cơn bão nhiệt đới mạnh Ketsana và Parma, 900.000 người bị tác động trực tiếp.
 
LHQ đang hỗ trợ cho 900.000 người Philippines tại hơn 720 khu sơ tán. Riêng bão Ketsana đã khiến 300 người Philippines thiệt mạng, khoảng 40 người khác mất tích, phá hủy hoặc gây hư hại khoảng 40.000 ngôi nhà. Thiệt hại cho ngành nông nghiệp của Philippines do bão Ketsana ước tính 6,5 tỷ peso (tương đương 140 triệu USD).

Hãng tin AP cho hay, LHQ đã cam kết tìm kiếm 74 triệu USD để hỗ trợ cho một triệu nạn nhân bão lụt ở Philippines. Giám đốc cơ quan nhân đạo của LHQ, John Holmes, nói rằng cam kết này sẽ bao gồm việc tìm kiếm nguồn tài trợ kinh phí cho lương thực, nước uống, cải thiện điều kiện vệ sinh, các lều bạt cấp thiết và chăm sóc sức khỏe ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. LHQ hiện nhận được sự viện trợ từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế khác khoảng từ 9-10 triệu USD.

LHQ cũng triển khai Nhóm đánh giá và phối hợp của LHQ tới đảo Sumatra của Indonesia bị ảnh hưởng bởi 3 trận động đất mạnh từ 6,2 đến 7,6 độ richter trong 2 ngày 30-9 và 1-10 làm hơn 1.000 người chết và hàng nghìn người vẫn còn trong đống gạch vụn cần được cứu khẩn cấp. Tại ngôi làng Pariama, toàn bộ những ngôi nhà đều bị san phẳng.
 
Lương thực, thuốc men, dụng cụ y tế, lều trại, nước, đồ dùng học tập, các thiết bị nặng để dỡ những tòa nhà bị sập... đã được LHQ chuyển đến. 5.000 nhân viên cứu hộ đã có mặt ở Padang - thủ phủ tỉnh Tây Sumatra, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có đến 600 nhân viên đến từ các nước khác. Theo thống kê, đội cứu hộ đã cứu sống khoảng 300 người.

Song, đến ngày 5-10, tức 5 ngày sau khi xảy ra động đất, chính quyền Indonesia đã ngừng việc cứu hộ tại Padang để chuyển sang giai đoạn phục hồi và tái thiết. Các đội tìm kiếm của quốc tế và các nhân viên cứu hộ bắt đầu rời khỏi Indonesia do không còn hy vọng tìm thấy những người sống sót. Tại Padang, người dân đã bắt đầu trở lại cuộc sống thường nhật, nhưng vẫn còn tâm lý lo sợ và phải đối mặt với những thiệt hại do động đất để lại. Chính phủ Indonesia cho hay, quốc gia này đang cần đến 600 triệu USD để tái thiết cơ sở hạ tầng. Các nhà khoa học đã cảnh báo thành phố Padang là nơi dễ bị động đất và có thể còn tiếp tục hứng chịu những trận động đất mạnh hơn nữa.

Tại Campuchia, theo Tổ chức Oxfam, có đến 5.000 gia đình và khoảng 20.000 người ở 4 vùng: Kampong Thom, StuengTreng, Kratie và Preah Vihear vẫn cần được cứu trợ khẩn cấp. Những người dân tại nơi đây cần có lương thực, nơi ở, nước uống và nước sử dụng. Các cơ quan của LHQ cũng đã có mặt kịp thời cùng với những chương trình hỗ trợ nạn nhân của trận động đất mạnh 8,3 độ richter và sóng thần tàn phá ở Tonga, Tây Samoa cũng như nạn nhân của trận lụt bất ngờ ở miền Tây Ấn Độ và động đất 6,3 độ richter ở Bhutan.

Các binh sĩ quân đội yêu cầu phóng viên rời khỏi khu vực khách sạn Ambacang ở Padang. (Ảnh: AP)

 

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng các nước đang phát triển sẽ phải gánh chịu khoảng 80% thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, mặc dù các quốc gia này chỉ thải ra khí quyển khoảng 1/3 lượng khí thải toàn cầu gây hiệu ứng nhà kính, ít hơn nhiều so với các nước phát triển. Phát biểu với báo giới tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), chuyên gia kinh tế của WB, Justin Lin, khẳng định các nước đang phát triển sẽ phải hứng chịu khoảng 75-80% thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp bách với những nhu cầu rất lớn.

Theo Justin Lin, thế giới đang trông đợi vào một thỏa thuận tại Hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới. Một con số thống kê khác từ chuyên gia kinh tế hàng đầu về phát triển bền vững của WB, Marianne Fay, cho biết chi phí để di cư và thích nghi với biến đổi khí hậu sẽ vào khoảng 300 tỷ USD mỗi năm từ năm 2030.

GIA AN

;
.
.
.
.
.