Một doanh nghiệp (DN) đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho dây chuyền sản xuất với một quan điểm rất rõ ràng: “xây dựng ISO 9000 (quản lý chất lượng) là bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhưng ISO 14000 (quản lý môi trường) là bảo đảm cho cộng đồng có một cuộc sống an toàn hơn”. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có được nhận thức như thế, mà hiện nay vẫn còn nhiều DN xem nhẹ việc đầu tư bảo vệ môi trường.
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty VBL đạt tiêu chuẩn quốc tế. |
Hệ thống khí thải của công ty cũng đã đạt TCVN, nhưng VBL vẫn quyết định đầu tư hệ thống xử lý khói lò hơi vào năm tới… Điểm qua những hạng mục đầu tư về môi trường trị giá hàng chục tỷ đồng của một DN có vốn đầu tư nước ngoài như VBL để thấy, môi trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của các địa phương có xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp trong giai đoạn môi trường đang được báo động vì tình trạng ô nhiễm hiện nay; nó cũng là điều kiện để khẳng định một công ty có trách nhiệm với môi trường khi giới thiệu với khách hàng và các đối tác kinh doanh.
Năm 1994, VBL có mặt ở Đà Nẵng với thương hiệu bia Larue. Đến nay công ty đã có 4 hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế là ISO 22000 về An toàn vệ sinh thực phẩm, ISO 9001 (phiên bản 2008) về Quản lý chất lượng, ISO 14001 (phiên bản 2004) về Quản lý môi trường và OHSAT 18001 về Sức khỏe nhân viên-bệnh nghề nghiệp. Sau khi xây dựng và đạt các tiêu chuẩn quốc tế trên, nhà tư vấn nước ngoài vẫn tiến hành kiểm tra, đánh giá các tiêu chuẩn 2 lần/năm và mỗi năm buộc phải hạ thấp hơn (như giảm tiêu hao điện, nước, hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong ISO 14000).
Ông Huỳnh Kim Hạc, phụ trách An toàn-môi trường, Công ty VBL cho rằng, trong nhiều tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng công ty, ngoài vấn đề chất lượng sản phẩm, thì khi đạt các tiêu chuẩn khác sẽ giúp nâng cao vị thế, thương hiệu của DN. Đó cũng là cái tâm của những người đứng đầu DN, không chỉ quan tâm đến chất lượng, mà cần chú ý đến môi trường sống xung quanh, bảo đảm cho cộng đồng có một cuộc sống an toàn hơn.
Có bao nhiêu doanh nhân, DN quan tâm đến vấn đề này? Khi mỗi ngày có hàng chục DN vẫn lén lút (hoặc công khai) đổ chất thải nguy hại ra môi trường sống. Mới chỉ có 2/6 khu công nghiệp ở Đà Nẵng có nhà máy xử lý nước thải. Ông Phan Hồng Sơn, Trưởng phòng Quy hoạch-Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng cho rằng, trước đây các địa phương muốn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) đã chạy theo số đông, không có quy định ràng buộc về hệ thống xử lý nước, chất thải.
Đến khi KCN được lấp đầy thì việc cần một công ty xử lý chất thải chung lại không (hay chưa) có. Thậm chí chế tài xử lý chưa đủ mạnh, nhiều DN vẫn còn thời gian trì hoãn việc đầu tư hệ thống xử lý nước, rác thải, trong khi môi trường ô nhiễm không chờ thời gian, đang báo động từng ngày. Và trong số hơn 230 DN đang đóng tại các KCN của Đà Nẵng, chủ yếu những công ty có vốn đầu tư nước ngoài mới đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước, chất thải; các công ty trong nước ít quan tâm đến vấn đề này.
Ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt tại hồ Xuân Hòa A năm 2008. Môi trường bị hủy hoại được “góp” một phần bởi tính vô trách nhiệm của một vài DN không quan tâm đến trách nhiệm xã hội. |
|
Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, trách nhiệm kinh tế và các nguyên tắc đạo đức kinh doanh, DN phải có những đóng góp đến sự phát triển bền vững của cộng đồng. Tại hội nghị Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh, tăng cường sức cạnh tranh, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Trách nhiệm xã hội chính là những đóng góp của doanh nghiệp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và gia đình, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội…
HOÀNG NHUNG