.

Màu áo xanh tình nguyện và thông điệp mới

.

Theo chuẩn mới của TP. Đà Nẵng, hiện nay toàn thành phố có 908 hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Từ nay đến cuối năm 2010, quỹ “Vì người nghèo” thành phố sẽ tập trung giúp cho 250 hộ có nhà ở. Nhiều năm qua, tuổi trẻ Đà Nẵng đã luôn đồng hành cùng xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình nghèo, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc và kênh thông tin hữu ích để người nghèo tập trung thoát nghèo.

Muôn kiểu nghèo

Áo xanh tình nguyện đến với những địa chỉ nghèo.

Căn nhà số 209, khu chung cư 2 Nguyễn Đức Cảnh (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) là nơi ở của hai vợ chồng mù đã ở tuổi gần đất xa trời. Họ nương tựa vào nhau để bước tiếp quãng đường còn lại trước lúc về bên kia thế giới. Người chồng vừa mù lòa, vừa ốm đau, nằm liệt giường đã nhiều năm nay. Mọi chi tiêu của gia đình trông chờ vào công việc bán vé số của vợ ông là bà Nguyễn Thị Thiềm và người con gái Phạm Thị Đông.

Hằng ngày, 2 mẹ con bà thức dậy từ 4 giờ sáng, kết thúc sau 10 giờ đêm, khi đôi mắt đã nhíu lại vì mệt mỏi, bàn chân tê buốt vì những quãng đường đã đi. Sinh hoạt của một người mù lòa đã khó, nay bước vào tuổi 83, bà Thiềm vẫn chưa được một ngày ngơi nghỉ. Sinh được 6 người con. Hạnh phúc tưởng chừng sẽ mỉm cười với mình khi “nếp tẻ” đều đủ cả. Thế nhưng các con của ông bà cứ lần lượt mắc bệnh, kẻ ra đi mãi mãi, người sống thì lâm vào hoàn cảnh bần cùng, khó khăn.

Cùng hoàn cảnh ấy, gia đình bà Nguyễn Thị Chữ sống tại tổ 19, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cũng có 6 người con. Lớn lên, lập gia đình, cuộc sống của họ cũng trong bộn bề lo toan nên ít có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ. Hiện bà Chữ đang ở với người con trai tên Nguyễn Mạnh Hùng (1964) bị tâm thần.

Trước hoàn cảnh đó, phường đã hỗ trợ xây dựng cho bà ngôi nhà tình nghĩa để che mưa nắng. Mỗi sáng, bà Chữ phải đi bưng bê, rửa chén bát cho một quán bún gần nhà để kiếm thêm tiền chợ cho hai mẹ con với 10.000 đồng/buổi. Nhà nước có hỗ trợ 150.000 đồng/tháng tiền thuốc cho anh Hùng nên gia đình không được hưởng chính sách hộ nghèo như các hộ gia đình khác. Một già, một tâm thần nhưng chỉ có anh Hùng xin được bảo hiểm y tế. Tuổi già, thường xuyên phải nhập viện do huyết áp cao, không bảo hiểm y tế là một thiệt thòi lớn cho bà.

Cũng tại phường Thạch Thang, gia đình ông Nguyễn Đắc lại có một hoàn cảnh khác. Cuộc sống quá khó khăn đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý của hai người con trai là Nguyễn Đình Tân và Nguyễn Đình Tài, hai anh đều có triệu chứng tâm thần, con gái Trần Thị Dung là công nhân xí nghiệp may với mức thu nhập gần 2 triệu đồng. Cuộc sống của họ là những ngày vất vả, chạy ăn từng bữa và luôn đối mặt với thuốc men, bệnh tật…

Không chỉ thế, bảng danh sách những gia đình cần được giúp đỡ do mỗi chi đoàn tiến hành khảo sát còn khá dài, có những cái tên như Trần Thị Hiếu Nữ, Nguyễn Thị Quế, Huỳnh Thị Tám (Thạch Thang), Trần Thị Quy (Bình Hiên)… Phần lớn chủ hộ là những người già, ở tuổi gần đất xa trời.

Tiếp thêm sức mạnh

Chi đoàn Thành Đoàn Đà Nẵng trong một lần đến thăm gia đình bà Thiềm.

 

Ngay từ tháng 4-2009, thông qua kênh Thành Đoàn Đà Nẵng, nhiều Quận, Huyện Đoàn đã tiến hành khảo sát hộ nghèo trên địa bàn để có hướng hỗ trợ kịp thời. Qua việc làm ý nghĩa đó, đến nay, Quận Đoàn Thanh Khê nhận 208 hộ, Hải Châu 123 hộ… Riêng Quận Đoàn Hải Châu đã huy động sự giúp đỡ của các Chi đoàn trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố như ĐH Ngoại ngữ, Bách khoa, Kinh tế, Văn phòng Đoàn ĐH Đà Nẵng, CĐ Công nghệ, Công nghệ thông tin… thường xuyên thăm hỏi, động viên và hỗ trợ với mức từ 250.000 đồng-300.000 đồng/tháng.
 
Quận Đoàn Sơn Trà nhận trợ giúp 2 hộ khó khăn với số tiền 300.000 đồng/tháng/hộ. Ngoài ra quận còn giao cho phường An Hải Bắc, Phước Mỹ, Thọ Quang mỗi phường một hộ với mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/tháng. Huyện Đoàn Hòa Vang giao cho 19 đơn vị thuộc khối đoàn viên CNVC mỗi đơn vị một hộ nghèo cần giúp đỡ tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí... thuộc xã Hòa Bắc.

Anh Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐHBK, đơn vị được giao nhiệm vụ hỗ trợ gia đình bà Trần Thị Phượng (1930) ở đường Lý Thường Kiệt, phường Thạch Thang cho biết, sau khi được phân công, Đoàn trường ĐHBK đã cử cán bộ xuống khảo sát nhằm nắm bắt tâm tư tình cảm và nguyện vọng của gia đình. Theo khảo sát, nhà bà Phượng hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, mái tôn bị dột nát nên gây khó khăn trong sinh hoạt, nhất là mỗi khi trời mưa. Với đề xuất của gia đình cũng như do kinh phí hạn hẹp, Đoàn trường ĐHBK đã quyết định lợp lại toàn bộ tôn mới khu nhà bếp của gia đình gần 22m2 trị giá 2 triệu đồng.

Giờ đây, ngoài 240.000 đồng là khoản trợ cấp dành cho người già, không nơi nương tựa bà Nguyễn Thị Thiềm nhận được, gia đình bà còn có thêm một niềm vui mới. Thỉnh thoảng, các anh chị cán bộ Đoàn thuộc Thành Đoàn Đà Nẵng đến hỏi thăm, tặng quà và phụ giúp vợ chồng bà một số việc lặt vặt. Với bà, đó cũng là niềm vui lớn để tiếp thêm sức mạnh giúp bà vững bước trong những ngày tháng tới. Gia đình bà Nguyễn Thị Chữ cũng được Đoàn trường CĐ Công nghệ thông tin thường xuyên tổ chức xuống thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ 3 tháng 6, 7, 8...

Theo anh Tô Văn Hùng, Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng, việc nhận giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn quận Hải Châu thể hiện trách nhiệm vì cộng đồng của tuổi trẻ ĐH Đà Nẵng cũng như tính xung kích của Đoàn viên trong tinh thần sẵn sàng đi sâu, tìm hiểu và góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp của cuộc sống. Ngay khi nhận được nhiệm vụ, mỗi đoàn viên tự nguyện đóng góp mỗi tháng 2.000 đồng với mong muốn “góp gió thành bão”, tạo nguồn kinh phí giúp đỡ các hộ nghèo. Ngoài ra, với những địa chỉ neo đơn, chi đoàn cũng thường xuyên cử đoàn viên xuống thăm hỏi, động viên trong khả năng của mình.

Hình ảnh màu áo xanh tình nguyện luôn đẹp trong những mùa thi. Nay, hình ảnh ấy còn mang một thông điệp mới, đến với người nghèo, già, neo đơn để chia sẻ, giúp đỡ họ thoát nghèo, động viên họ tiếp tục sống và phấn đấu. Mỗi chi đoàn đóng vai trò là một địa chỉ nhân đạo, là kênh thông tin hữu ích để người nghèo gần hơn với nhịp sống hiện nay.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.