.

Một làng quê Việt điển hình

.

Trước tiên, phải nói Phước Tích là cái làng hiếm quý không chỉ ở Trung bộ, mà còn ngay cả ở phía Bắc: có ngày sinh tháng đẻ, có tên tuổi chính xác, có ông tổ khởi dựng và người khai canh. Họ đều đến từ một miền đất cụ thể. Không những vậy, 12 dòng họ ban đầu và 5 dòng họ sau này được tiếp nối đến tận bây giờ, qua hơn 5 thế kỷ. Mộ tổ của họ vẫn còn...

Cổng vào một ngôi làng cổ ở làng Phước Tích. (Ảnh minh họa)

Điều đáng quý nữa là cái không gian kiến trúc êm ả, ấm cúng của làng cổ tạo thành môi trường sống độc đáo từ bao đời nay. Nó dân dã nên dễ gắn bó nhiều thế hệ con người trong một làng quê bé nhỏ. Các yếu tố ngoại lai chưa thể tác động lên cây đa, bến nước, sân đình, những vườn cây… Ngôi làng còn nhiều cây cổ thụ, đặc biệt cây thị hơn 500 năm tuổi. Quanh làng vẫn còn có lũy tre xanh.

Từ TP. Huế, đi về phía bắc khoảng 40km, làng cổ Phước Tích nằm bên bờ con sông Ô Lâu hiền hòa, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế... Tên làng là Phước Tích, nghĩa là lấy việc gìn giữ phước đức làm đầu, nên dân làng chung sống với nhau rất hiền hòa, không xa cách, tối lửa tắt đèn có nhau.

Từ thế kỷ 15, ngôi làng được dựng lên trên một vùng đất mềm mại bên dòng sông Ô Lâu, đúng vào giữa đoạn cong đẹp nhất dài gần 7km, bao bọc vùng Cồn Dương. Vì vậy, địa điểm hình thành làng cổ Phước Tích mang đậm nét phong thủy phương Ðông như hầu hết các di sản kiến trúc Việt Nam. Hệ thống đường sá, ngõ xóm, nhà và vườn nối liền với nhau một cách tự nhiên và sinh động tạo thành một vùng sinh thái độc đáo, hài hòa giữa trời, đất và con người.

Cả làng còn giữ được 27 ngôi nhà rường và 17 nhà thờ họ, có tuổi trên dưới 150 năm. Kiến trúc là nhà ở của thường dân nhưng lại có sự giao thoa giữa kiến trúc dân gian và kiến trúc cung đình Huế. Toàn bộ trang trí nội thất cùng với tranh ảnh và chân dung những người quá cố... trở thành một kiểu thức “bảo tàng” của mỗi gia đình, dòng họ.

Mặc dù ngôi nhà cổ hơi tối và kín đáo nhưng vẫn toát lên sự thanh thoát nhờ những cánh cửa bàng khoa, thượng song hạ bảng cũng được chạm khắc công phu, những chiếc tủ khám, kệ sách nhỏ nhắn, và của nả của gia đình đều ẩn kín bên trong chiếc sập xe đặt ngay chính giữa ngôi nhà. Khi ấm nước đã sôi ngùn ngụt, khách quý sẽ được chủ nhân mời ngồi trên bộ trường kỷ đen bóng đặt hai gian tả hữu của ngôi nhà.

Quý những ngôi nhà rường hàng trăm năm tuổi, chúng ta càng quý hơn nữa nếp sống đạm bạc, thậm chí rất nghèo khó của người chủ nhân, nhưng vẫn giữ được những ngôi nhà cổ trước sự chèo kéo, cám dỗ của nền kinh tế thị trường “bê-tông cốt sắt”… Cũng cần nói thêm rằng, hầu hết trong những ngôi nhà cổ, ngay gian chính giữa đều có hai bàn thờ rất cổ kính và tách biệt, bàn thờ Phật ngay phía trước và bàn thờ tổ tiên phía sau. Đây là không gian tâm linh của ngôi nhà nên phải mờ mờ âm u, chỉ vừa đủ thấy lối vào để hương khói, tạo ra một sự linh thiêng thường nhật trong ngôi nhà.

Làng cổ Phước Tích.   (Ảnh tư liệu)

 

Ngoài ra, đây đó khắp làng vẫn còn có hàng chục các đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Ðôi, miếu Quang Tế (thờ Yoni va Linga của người Chăm) và các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang (người Chăm), đền Văn Thánh...

Nói đến Phước Tích mà không nói về nghề gốm ở đây quả là một thiếu sót. Suốt 13 đời vua nhà Nguyễn, gốm Phước Tích là một sản phẩm đặc biệt phải cống nạp để nấu cơm cho vua ăn. Mỗi cái om (niêu) nấu cơm vua ăn chỉ sử dụng một lần rồi đập bỏ, 13 triều đại biết bao cái om bị đập bỏ, đó là công sức của người dân làng gốm, vì thế đã có hai câu hò Huế:

Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế
Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân

Để mở đường tái sinh cho nghề gốm Phước Tích, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ đưa trở về Phước Tích một số mẫu đồ gốm ngự dụng hiện còn giữ được, để người dân tham khảo. Cộng đồng Pháp ngữ vùng Walomie (Bỉ), phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, mà chủ công là Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại miền Trung, cũng quyết định hỗ trợ một dự án giúp người dân Phước Tích xây dựng một lò nung để họ “đỏ lửa” lại nghề gốm sành.

Phước Tích đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào tháng 4 năm 2009, là cả một di sản đặc trưng và điển hình cho một làng Việt mà đến nay vẫn còn bảo lưu.

ĐOÀN THUẬN HÓA

;
.
.
.
.
.